Gian nan nuôi cá làm giàu ở biên giới Lai Châu (bài 1)

Bài 1: Lấy ý chí của bộ đội làm mô hình

Chúng tôi phải vượt qua bao nhiêu cung đường núi cao chót vót mới đến được điểm nuôi cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu, tại xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ. “Ở khu vực này có môi trường nước sạch, độ lạnh lý tưởng, cá hồi phát triển tốt, thịt ăn ngon không thua kém gì cá hồi ở châu Âu” - Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn, cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, phụ trách quản lý trại nuôi cá giới thiệu vắn tắt.

BĐBP Lai Châu triển khai làm mô hình nuôi cá hồi ở biên giới trong điều kiện “3 không”: Không có kiến thức, không vốn, không thị trường. Chỉ cần có ý chí, trái tim nhiệt huyết của người lính canh giữ biên cương đã dẫn lối cho người dân, doanh nghiệp bước vào lĩnh vực làm ăn mới.

Day dứt hai chữ “ai làm”

Thiếu tá Tuấn dẫn tôi đi giới thiệu kỹ từng hồ nuôi cá: “Đa số những hồ nuôi cá và hệ thống dẫn nước vào hồ, thoát nước ra đều làm từ năm 2008. Vừa rồi, chúng tôi mới đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây thêm 3 hồ lớn ở phía dưới, mỗi hồ có thể nuôi đạt 1 tấn cá thịt. Đây là “đòn” quyết định để tăng sản lượng và doanh thu. Tới đây sẽ làm lại đường dẫn nước bằng mương nổi ở trên, vừa dễ xử lý khi gặp sự cố mùa mưa lũ, vừa tạo được nhiều oxy cung cấp cho cá”.

- Tết Nguyên đán năm 2024 gần đến nơi rồi, sao đồn vẫn nuôi nhiều cá nhỏ, liệu có kịp bán dịp Tết không? - Tôi hỏi.

- Đã có số lượng cá lớn sẽ bán vào dịp Tết. Cách đây 2 tháng, thả nuôi 5.000 con cá hồi giống để đón cao điểm mùa du lịch ở Sa Pa (Lào Cai) vào tháng 7 và tháng 8 năm sau. Theo quy luật vào đỉnh điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 5, nhiều cơ sở nuôi cá ở Sa Pa và huyện Tam Đường (Lai Châu) bị thiếu nước phải bán hết cá. Chỉ còn một số hồ ở đầu nguồn suối “cầm cự” được, cũng phải bán vào tháng 6. Vào tháng 7 và tháng 8 là cao điểm mùa du lịch, gần như cả vùng bị “đứt hàng” cá hồi, trại mình sẽ tung mấy tấn cá thuộc hàng dự trữ chiến lược ra bán với giá cao.

Kiến thức nuôi cá hồi và am hiểu thị trường tiêu thụ của anh em Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải khá chuyên nghiệp, không thua kém bất kỳ cơ sở nuôi cá nào ở tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu.

Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Phúc. (Ảnh: Hải Luận)

Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Phúc. (Ảnh: Hải Luận)

Ngược dòng thời gian, những ngày đầu khởi động nuôi cá hồi của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu gần như “tay trắng”. “Tháng 7/2008, tôi nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu, đi khảo sát ở khu vực biên giới huyện Phong Thổ có độ cao từ 1.500-2.000m so với mặt nước biển. Hỏi Thượng tá Bùi Mạnh Hoài, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải: Ở địa bàn này có nuôi cá hồi được không? Anh Hoài trả lời: Gần như cả huyện Phong Thổ chưa có ai nuôi cá hồi. Về tỉnh, tôi gặp anh Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trao đổi chuyện nuôi cá hồi. Anh Quảng chốt luôn: Đã có nhiều người đặt câu hỏi đó rồi, nhưng ai làm?" - Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Phúc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành khoa học quân sự (nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu; Giám đốc Học viện Biên phòng; Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) kể lại.

Trung tướng Trần Hữu Phúc tâm sự: “Người dân ở biên giới nghèo khó, BĐBP đang ở trong dân, tại sao lính Biên phòng không làm thử mô hình nuôi cá hồi để mở đường cho bà con làm theo để thay đổi cuộc sống. Tôi đưa suy nghĩ này ra tập thể Đảng ủy và Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu bàn, một số đồng chí e ngại sẽ gặp khó khăn, đổ vỡ nửa chừng. Tôi nói với các anh: Cái mới có thể dự báo thuận lợi, thường kéo theo khó khăn. Quyết tâm làm thì thực tiễn sẽ chỉ ra những khó khăn, thuận lợi ở chỗ nào, mình sẽ tháo gỡ ở chỗ đó, các đồng chí cứ giao nhiệm vụ này cho tôi”.

Hạ quyết tâm

Bước vào lĩnh vực nuôi cá hồi, loại cá được xếp vào “cá công chúa” vì độ khó của nó, kiến thức của bộ đội gần như con số "0" tròn trịa. Đồng chí Phúc bắt đầu lần mò làm quen được một “chuyên gia” đã nuôi cá hồi trước ở đèo Ô Quy Hồ (giữa Lào Cai và Lai Châu). Rước “chuyên gia” vào Đồn Biên phòng Dào San xem xét địa hình và tư vấn phương pháp nuôi cá, bể chứa nước cũ của đồn được tận dụng làm hồ nuôi cá, lót bạt ở một cái ao nuôi cá cũ, đào thêm một cái ao mới, coi như thành trại nuôi cá hồi.

Bộ đội đã làm xong mọi công đoạn chuẩn bị mua cá giống về thả, một số nghi ngờ khả năng an toàn của cơ sở nuôi này được báo cáo lên Chỉ huy trưởng Trần Hữu Phúc. Nghe vậy, đồng chí Phúc lên Dào San xem xét kỹ mọi vấn đề như: Không đủ độ lạnh cho cá sinh trưởng, nguồn nước không đảm bảo, hồ nuôi quá nhỏ... “Tôi nói với anh em, hồ này chuyển sang nuôi cá rô phi, cá chép cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Mình phải đi tìm chỗ khác tốt hơn mới nuôi được cá hồi. May mà bỏ sớm điểm nuôi ở Đồn Biên phòng Dào San, chứ thả giống cá hồi xuống nó chết sạch coi như bế tắc luôn” - Trung tướng Trần Hữu Phúc nói.

Toàn cảnh cơ sở nuôi cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải. (Ảnh: Hải Luận)

Toàn cảnh cơ sở nuôi cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải. (Ảnh: Hải Luận)

Đồn trưởng Bùi Mạnh Hoài đưa đồng chí Phúc sang xã Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử khảo sát thực địa, cuối cùng chọn suối Thèn Thẻo Hộ đặt làm cơ sở nuôi cá hồi. Đại tá Bùi Trọng Lợi, nguyên Phó Giám đốc Học viện Biên phòng (năm 2008 là Phó Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật, BĐBP Lai Châu) nhớ lại: “Rút kinh nghiệm từ Dào San, tôi dẫn theo một đồng chí cán bộ quân y và một chiến sĩ của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đi ngược lên suối Thèn Thẻo Hộ gần một ngày đến sát đường biên giới khảo sát. Hai bên suối không có người dân ở, rừng thảo dược nguyên sinh, nước chảy quanh năm, đây là điểm nuôi cá lý tưởng nhất”.

Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu hạ quyết tâm làm, tăng cường quân số các đồn Biên phòng ở khu vực huyện Phong Thổ hỗ trợ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải triển khai xây dựng bể nuôi cá, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Bùi Trọng Lợi và Đồn trưởng Bùi Mạnh Hoài.

“Bộ đội bắt đầu đục đá tạo mặt bằng, đào bới để xây những bể nuôi cá bằng xi măng. Có những cục đá to 20 người xúm lại vần từng tí một, lấy được cục đá này xong, thì lòi ra lớp đá khác. Chỉ có ý chí kiên cường và tình yêu biên giới của bộ đội làm kỳ được mô hình nuôi cá. Hồi đó làm không có thiết kế, bản vẽ gì cả, ngày hôm trước làm rút kinh nghiệm cho ngày hôm sau. Đa số là công sức của bộ đội, tiết kiệm tối đa việc chi mua sắt, xi măng, gạch, ống nhựa..., tổng chi số tiền là 40 triệu đồng. Sau 3 tháng cũng làm xong trại nuôi cá hồi đầu tiên trên dải biên cương hùng vĩ tỉnh Lai Châu” - Đại tá Bùi Trọng Lợi chia sẻ.

Bài 2: Hóa giải bài toán thực tiễn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất