Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Bà con ở bản Rào Tre được hướng dẫn quy trình gieo trồng, chăm sóc giống cây mới. (Ảnh: NDO)

Bà con ở bản Rào Tre được hướng dẫn quy trình gieo trồng, chăm sóc giống cây mới. (Ảnh: NDO)

Tại bản Rào Tre, xã Hương Liên có 44 hộ/153 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo 90,3%, cận nghèo 9,7%. Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Hương Liên đã thành lập Tổ sản xuất bản Rào Tre gồm 20 hộ, trong đó có 5 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, 3 hộ thoát nghèo.

Từ nguồn chính sách hỗ trợ, địa phương đã tập trung cải tạo đồng ruộng, đất canh tác tại khu vực ven sông Ngàn Sâu với diện tích 2,65ha. Đồng thời, tổ chức làm đất, xây dựng hàng rào, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... và hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con trồng cỏ, trồng ngô để chăn nuôi bò nái sinh sản.

Ngoài ra, tổ sản xuất sẽ được hỗ trợ 1 máy cày. Bà con dân bản được hỗ trợ mua sắm nông cụ phục vụ sản xuất như cuốc đào, cuốc bàn, cào sắt… Cùng với đó, xây dựng 20 chuồng trại cho 20 hộ dân tham gia dự án. Hiện địa phương đang tìm kiếm nguồn con giống chất lượng để tổ chức bàn giao cho bà con.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hồ Thị Bình ở bản Rào Tre phấn khởi nói: "Người dân tộc Chứt vẫn còn nghèo lắm. Bà con không có vốn, kiến thức về phát triển kinh tế còn hạn chế, đất ruộng, rẫy quá ít nên vẫn phải nhận gạo trợ cấp của Nhà nước để duy trì cuộc sống. Khi biết có dự án hỗ trợ bà con chăn nuôi bò, chúng tôi rất vui. Hy vọng chúng tôi sẽ biết cách làm ăn, sẽ có cơ hội thoát nghèo, tự lập trong cuộc sống".

Cánh đồng sản xuất lúa của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. (Ảnh: NDO)

Cánh đồng sản xuất lúa của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. (Ảnh: NDO)

Bên cạnh đó, những năm qua, các cấp, ngành, tổ chức luôn ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vùng đồng bào sinh sống. Đơn cử như công trình điểm trường mầm non với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng; đường giao thông nông thôn 1,75 tỷ đồng…

Còn tại bản Giàng II thuộc địa bàn xã Hương Vĩnh, nơi có 12,8km đường biên giới với 15 hộ/56 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 86%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hương Vĩnh Trần Văn Thị cho biết: "Bà con dân tộc Chứt sống chủ yếu dựa vào nghề đi rừng, sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, Ủy ban nhân dân xã đã lựa chọn 7 hộ dân trong bản xây dựng chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, chúng tôi đã quy hoạch, cải tạo khu vực sản xuất mới với diện tích gần 1ha để bà con trồng cỏ. Đồng thời, xã cũng đã lên phương án, dự kiến tháng 10 sẽ bàn giao bò nái cho bà con”.

Huyện Hương Khê có 293 hộ/1.061 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc thiểu số Lào, Mường và Chứt. Riêng đồng bào dân tộc Chứt hiện có 62 hộ/210 nhân khẩu, nằm trong khu vực địa giới hành chính của xã Hương Liên và xã Hương Vĩnh. Tuy nhiên, chỉ hai thôn thuộc xã Hương Liên được hưởng chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó dẫn đến một số nội dung cần thiết đầu tư, nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của đồng bào dân tộc thiếu số thuộc các dự án khác không được áp dụng.

Lễ hội Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hương Khê. (Ảnh: NDO)

Lễ hội Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hương Khê. (Ảnh: NDO)

Việc duy trì các mô hình phát triển sản xuất tại thôn, bản dân tộc, miền núi còn khó khăn do các hộ gia đình chưa chủ động trong sản xuất, chưa chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để phát triển và nhân rộng các mô hình. Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân cận huyết, mất cân bằng giới tính trong độ tuổi vị thành niên (nam gấp 3 lần so với nữ), việc giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại bản Rào Tre và Bản Giàng, xã Hương Liên đang gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hương Khê đang triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết như: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, nhất là nhóm dân tộc thiểu số ít người gặp rất nhiều khó khăn.

Vượt qua nhiều khó khăn, cùng với nỗ lực của cả chính quyền và người dân, đến nay, mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hương Khê đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng hóa sinh kế, có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất