Đổi thay vùng đất khó nơi thượng nguồn Nậm Kho
Cây cầu gỗ bắc qua suối Nậm Ngân để đến bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Cây cầu gỗ bắc qua suối Nậm Ngân để đến bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Vùng đất khó nơi thượng nguồn Nậm Kho

Vùng đệm Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống có diện tích trải rộng hơn 120 bản của 15 xã thuộc 5 huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An. Tại địa bàn xã Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An), diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có hơn 11.300 ha, trong đó 4 bản: Canh, Na Kho, Na Ngân, Xốp Kho nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn này.

Tuyến đường đất độc đạo dài gần 10 km xuyên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, vắt lưng chừng núi Pù Hiêng, trườn qua những vách vực. Đến trung tâm bản Xốp Kho, con đường phân thành hai nhánh đi các bản Na Ngân và Na Kho. Từ đây, sau khi vất vả vượt qua vùng hợp lưu của suối Nậm Kho và Nậm Ngân, tiếp cuộc hành trình vật lộn với vô số dốc cao, vực sâu, lèn đá, len lỏi dưới tán rừng hơn 10 km nữa sẽ “chạm đất” Na Kho.

Theo bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nga My, địa bàn xã là vùng cao, miền núi, cách trung tâm huyện Tương Dương (Nghệ An) hơn 60km. Toàn xã có hơn 1.110 hộ dân, thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú và Ơ Đu, trong đó dân tộc Thái chiếm gần 90%. Dân cư phân bố tại 9 bản của xã được chia thành 2 vùng riêng biệt. Vùng ngoài có 5 bản Đàng, Văng Môn, Pột, Bay và Na Ca, sinh sống dọc theo đường Quốc lộ 48C, có điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng cơ bản thuận lợi. Vùng trong có 4 bản Na Ca, Xốp Kho, Na Ngân và Na Kho, biệt lập trong khu vực vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

Dân cư các bản thuộc vùng trong là đồng bào Thái, nằm dọc theo suối Nậm Ngân và suối Nậm Kho. Giao thông đi lại ở 4 bản vùng trong còn gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống đường giao thông đi vào các bản là đường đất, cheo leo, hiểm trở, có nhiều lèn đá án ngữ, chỉ đi được vào mùa khô. Vào mùa mưa lũ, bản Na Kho, Na Ngân và một nửa của bản Xốp Kho, bản Canh bị chia cắt, giao thông tê liệt vì suối Nậm Ngân, Nậm Kho dâng cao, chảy xiết. Về phương diện địa lý, bản Na Kho cách trung tâm xã Nga My khoảng 16km, là bản xa trung tâm xã thứ nhì, sau bản Na Ngân.

Nhiều nhà sàn cổ với kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Thái vẫn còn lưu giữ tại bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Nhiều nhà sàn cổ với kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Thái vẫn còn lưu giữ tại bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Từ cửa ngõ của bản Na Kho, phóng tầm mắt ra xa, dễ dàng nhận thấy thấp thoáng những nếp nhà sàn bé nhỏ của đồng bào Thái nằm quần tụ dưới chân núi đá vôi cao sừng sững, uy nghiêm trong ráng chiều. Sau gần 80 năm lập bản, từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay bản Na Kho có gần 80 hộ, hơn 370 nhân khẩu, sinh sống tập trung thành 2 tiểu vùng dưới chân núi, ngăn cách nhau bởi các dòng suối nhỏ Khe Phai và Khe Kho.

Trưởng bản Na Kho Lữ Văn Uôn chia sẻ, để có cuộc sống ổn định như hôm nay, người dân Na Kho đã đoàn kết, tự lực trong công cuộc ngăn suối, nắn dòng, “dẫn thủy nhập điền”, tạo nên những diện tích ao nuôi cá, khu chăn nuôi vịt, đảm bảo cho hơn 20ha diện tích ruộng bậc thang của bản luôn đủ nước tưới, trồng được 2 vụ lúa/năm.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy giáo Lương Văn Chính, giáo viên Trường Tiểu học Nga My (xã Nga My) trong việc tiên phong “cắt” rừng dẫn đường, chúng tôi có dịp trải nghiệm và khám phá cánh rừng săng lẻ nằm sâu sau bản, được người dân phát hiện ngay từ buổi đầu đến đây định cư. Trong rừng săng lẻ có nhiều cây có chu vi vành thân từ 2 đến 3 người ôm. Nhờ sự chung tay bảo vệ của cộng đồng dân bản Na Kho, rừng săng lẻ luôn được gìn giữ vẹn nguyên, trở thành niềm tự hào của người dân trong bản. Với vẻ đẹp tự nhiên, khung cảnh yên bình, khí hậu trong lành, mát mẻ, rừng săng lẻ ở bản Na Kho hứa hẹn một tiềm năng về du lịch tham quan lý tưởng.

Trong hành trình khám phá rừng săng lẻ, chúng tôi được nghỉ chân tại ngôi nhà sàn của gia đình ông Van Văn Hoàn. Đây là hộ dân nằm ở vị “chóp cùng” của bản Na Kho, quanh năm có tiếng suối chảy, tiếng chim muông của đại ngàn tứ bề vọng lại. Ở tuổi 76, ông Hoàn vẫn giữ được dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, khuôn mặt phúc hậu, râu dài và trắng như cước, da dẻ đỏ au với nụ cười hồn hậu.

Ông Hoàn chia sẻ, các con của ông đều đã trưởng thành và ở xa, chỉ có ông và vợ ở đây. Căn nhà sàn của ông được cất dựng từ khi ông còn trai trẻ. Ở chốn “thâm sơn, cùng cốc” này, ông đã tạo dựng nên một cơ ngơi với mô hình phát triển kinh tế khá vững vàng bằng việc chăn nuôi lợn, trâu, vịt gà, trồng các loại cây ăn quả, cây gia vị. Đặc biệt, ông đã đào đất, be bờ, chia dòng Nậm Kho để lấy nước vào ao nuôi cá thương phẩm. Tại nơi khởi thủy của dòng Nậm Kho, ông Hoàn đã dựng nên một chiếc cối tận dụng sức nước để giã gạo suốt đêm ngày. Trong căn nhà sàn khang trang, vững chãi của ông Hoàn, chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy các loại nông cụ bên cạnh những vật dụng, đồ đạc hiện đại. Trên mái nhà sàn cũng treo đầy những bó lúa vàng ươm, hạt to, chắc mà vợ chồng ông đã lựa chọn kỹ càng để làm giống cho mùa sau.

Xây dựng bản làng đổi thay, ấm no

Trưởng bản Na Kho Lữ Văn Uôn cho biết, từ xuất phát điểm thấp, khó khăn, cộng đồng người Thái ở Na Kho đã vươn lên bằng việc khai khẩn đất hoang thành “bờ xôi ruộng mật”, trồng lúa nước. Cùng với đó, người dân trong bản đã phát huy lợi thế, tiềm năng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, trồng ngô ở những diện tích ven khe Phai, khe Kho, dọc suối Nậm Kho. Kinh tế ở bản Na Kho đang từng bước chuyển dịch, phá thế độc canh cây lúa. Từ cuộc sống buổi đầu phụ thuộc vào tự nhiên, bám rừng để tìm rau, củ quả, săn bắt thú nhỏ… đến nay cuộc sống của người Thái ở Na Kho đã khác xưa. Cả bản đã có gần 30 hộ dân thoát nghèo. Bản Na Kho có hơn 120 con trâu, gần 200 con bò, dê, lợn và hàng nghìn con gia cầm.

Vịt nuôi ở vùng đất Na Kho nổi tiếng không những ở địa bàn xã Nga My mà người dân ở huyện Tương Dương đều biết đến về độ ngon, ngọt, thơm. Lý giải về điều này, Trưởng bản Lữ Văn Uôn cho hay, vịt được chăn thả tự nhiên, ăn thóc và được vận động, tắm mát mỗi ngày bởi nguồn nước tự chảy từ các khe Phai, khe Kho. Người dân ở các bản khác, mỗi khi có dịp vào Na Kho đều tìm mua vịt để về dùng hoặc làm quà. Với người dân Na Kho, mỗi dịp chợ phiên Nga My tổ chức ở bản Bay (cạnh quốc lộ 48C) là người dân trong bản lại thức giấc từ khi gà rừng gáy sáng để sửa soạn và kịp chở vịt ra chợ bán. Khi đoàn người di chuyển, tiếng xe máy vang vọng khắp bản làng, ánh đèn của xe máy nối đuôi nhau thắp sáng con đường độc đạo xuyên rừng Pù Huống.

Năm 2015, bước ngoặt lớn nhất đến với người dân bản Na Kho là điện lưới quốc gia về bản, hiện thực hóa ước mơ bao năm mong chờ của đồng bào. Từ đây, người dân Na Kho không còn phải thắp đèn dầu, sử dụng nguồn điện năng nhờ sức nước. Điện về sáng cả một vùng đại ngàn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, nâng cao dân trí và nhu cầu giải trí qua việc xem ti-vi, nghe loa đài.

Nhà dân và các điểm trường Mầm non, Tiểu học tại khu vực trung tâm bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Nhà dân và các điểm trường Mầm non, Tiểu học tại khu vực trung tâm bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Trưởng bản Na Kho Lữ Văn Uôn cho hay, niềm vui lớn nhất của người dân trong bản là từ khi có điểm trường tiểu học và điểm trường mầm non, 100% con em trong bản đã được học con chữ, ra trường, đến lớp đúng độ tuổi. Sự học ở Na Kho được tính từ năm 1980, khi các thầy cô về đây dựng lớp học bằng thưng ván, mái lợp cỏ gianh, lá cọ. Bao thế hệ giáo viên “cắm bản” đã vượt qua những thiếu thốn, khó khăn để gieo chữ, ươm mầm xanh giữa đại ngàn. Đến năm 2001, các điểm trường tiểu học, mầm non mới được xây dựng kiên cố, khang trang.

Đời sống ổn định, kinh tế khá hơn, người Thái ở Na Kho đã chú trọng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng những thiết chế văn hóa, xóa bỏ các hủ tục. Hiện nay, người Thái ở Na Kho vẫn sử dụng trang phục truyền thống của mình. Nét văn hóa trong ẩm thực vẫn được đồng bào gìn giữ qua các món ăn truyền thống như: mọc gà trộn mắc khén, cá suối nướng, canh bột gà chấm rau, chẻo đậu đũa, bánh chưng đen... Dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào tổ chức đánh chiêng, trống, chơi các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, uống rượu cần, trình diễn các điệu múa, hát trong không gian văn hóa đặc trưng dưới nhà sàn, khu “đông xên” (rừng cấn, rừng thiêng của bản).

Theo chính quyền xã Nga My, những năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai hỗ trợ, thực hiện nhiều mô hình như: Mô hình nuôi vịt bầu, Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng... để tạo sinh kế cho người dân. Tới đây, khi cây cầu bắc qua suối Nậm Kho tại bàn Xốp Kho hoàn thành, sẽ tạo tiền đề cho người dân Na Kho đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa, mở ra những cơ hội lớn để Na Kho vươn mình./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất