Gia đình anh Sùng Văn Đình, dân tộc Mông thuộc diện hộ nghèo của xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn - vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng. Nhiều năm qua, gia đình năm miệng ăn sống trong căn nhà tạm bợ. Năm 2022, gia đình anh Đình là một trong số 38 hộ dân trên địa bàn xã Thượng Thôn được hỗ trợ theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Với sự giúp đỡ của chính quyền và bà con trong xóm, gia đình anh Đình đã có nhà mới để ở.
|
Người Mông vùng Lục Khu, Cao Bằng đã được đầu tư hệ thống bể chứa nước sạch đến tận các xóm bản, khu dân cư.
|
“Được Đảng, Nhà nước quan tâm, bây giờ tôi có nhà to rộng để ở rồi. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước lắm”, anh Đình nói.
Được sự giúp đỡ của chính quyền, các nhà hảo tâm và bà con, gia đình anh Lý Văn Nó ở xóm Sỹ Điêng cũng có nhà mới để ở. Từ nay, anh cùng vợ, con không còn phải chịu cảnh mưa dột, gió lùa khi ngày đông giá rét. Anh Nó bảo rằng: Có nhà mới sẽ yên tâm làm ăn để mong sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Trước đây do tôi chưa nhận thức đầy đủ, cuộc sống lại khó khăn nên đã đi theo tổ chức bất hợp pháp. Sau khi được lực lượng Công an tuyên truyền, tôi đã tự nguyện ký kết không theo nữa. Được hỗ trợ làm nhà mới, tôi luôn biết ơn cấp ủy, chính quyền xã và các đồng chí Công an đã giúp đỡ, hướng dẫn tôi trồng trọt, chăn nuôi…”, anh Nó nói.
Niềm vui của anh Đình, anh Nó cũng là niềm vui chung của hơn 1.400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trong đó có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông tại huyện Hà Quảng khi được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở, được triển khai từ năm 2021 đến nay.
|
Năm 2023, huyện Hà Quảng lần đầu tiên tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông.
|
Người Mông là dân tộc chiếm phần lớn dân số ở huyện Hà Quảng với gần 2.000 hộ gia đình, nhưng có đến gần 80% thuộc diện hộ nghèo. Vùng đất Lục Khu, nơi sinh sống tập trung chủ yếu của người Mông tại Hà Quảng vốn bất lợi về điều kiện thổ nhưỡng, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, giao thông không thuận lợi… Kinh tế chủ yếu dựa vào độc canh cây ngô khiến cuộc sống người dân càng khó khăn hơn. Lợi dụng điều này, đối tượng xấu đã lôi kéo nhiều người dân tham gia các tổ chức bất hợp pháp, gây mất ổn định an ninh trật tự.
Để nâng cao đời sống cho người dân biên giới nói chung, người Mông nói riêng, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật cũng như triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Ngoài việc đi đầu trong phong trào hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Cao Bằng, thông qua các chương trình, dự án, huyện Hà Quảng đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ gần 1.600 hộ nghèo về nước sinh hoạt phân tán tại các xóm, xã vùng cao; Hệ thống hạ tầng giao thông cũng đã được mở rộng đến tận các xóm, bản.
|
Con em đồng bào Mông được đến lớp đầy đủ.
|
Ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Về đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông nông thôn 99% xóm đã có đường ô tô đến nơi, dự kiến đến hết năm 2024 sẽ hoàn tất 100% đường giao thông ô tô tới các xóm. Tại các xã vùng cao thiếu nước, nơi có nhiều cộng đồng người dân tộc Mông sinh sống, hệ thống hồ vải địa, bể nước tập trung, đường ống dẫn nước và các bể lu nước đã cơ bản cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Hiện tất cả các xã đều có trạm y tế, hệ thống cáp viễn thông và cột phát sóng di động đảm bảo phủ sóng trên 90% xóm và địa bàn có dân cư sinh sống…".
Bên cạnh đó, người dân còn thường xuyên được cán bộ khuyến nông, lực lượng Biên phòng, Công an hỗ trợ phát triển sản xuất. Bà con được hướng dẫn tỉ mỉ kiến thức, kỹ năng canh tác, được cấp giống mới phù hợp với điều kiện núi đá khô hạn để tăng năng suất, sản lượng và cách làm chuồng trại, trồng cỏ, chăn nuôi gia súc. Đồng thời, người dân cũng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.
Ở Hà Quảng, 100% đồng bào Mông được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cơ sở giáo dục được đầu tư, trường lớp khang trang, học sinh là con em người Mông được miễn, giảm học phí với mong muốn không ai còn mù chữ.
Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thông qua tuyên truyền của cán bộ địa phương, đến nay, 100% số hộ người Mông biên giới Hà Quảng đã tự nguyện ký cam kết không tin, không theo các tổ chức bất hợp pháp, quyết tâm chung tay xây dựng đời sống kinh tế mới, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
|
Bàn giao nhà cho đồng bào khó khăn tại huyện Hà Quảng.
|
Ông Dương Văn Tu - Trưởng xóm Rằng Khoen, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng nói: "Bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông, chúng tôi luôn luôn duy trì, đồng thời tuyên truyền cho thế trẻ không được bỏ qua bản sắc dân tộc. Riêng ở xóm này, bà con chúng tôi chấp hành tốt chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật nhà nước, kể cả năm 1989 xảy ra tuyên truyền đạo trái phép, nhưng xóm chúng tôi không ai đi theo cả và chúng tôi luôn luôn giáo dục chính trị tư tưởng cho bà con nhân dân, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của đảng, yên tâm lao động sản xuất để làm giàu trong đáng, không để kể xấu lôi kéo".
Tự hào hơn khi tất cả các xóm đồng bào Mông tại huyện biên giới Hà Quảng đều đã có chi bộ Đảng, toàn huyện có hơn 420 đảng viên là người dân tộc Mông, chiếm 5,4% số đảng viên trên địa bàn huyện.
Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao nhưng có thể thấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp người dân từng bước đổi thay cuộc sống. Đây là cơ sở vững chắc để người Mông nói riêng, đồng bào Hà Quảng nói chung cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và chung tay giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ vững chắc nơi phên dậu phía Bắc Tổ quốc./.
CTV Lục Canh - CTV Hoàng Tiến- Công Luận
Nguồn: vov.vn