(TTĐN) - Từ ngày 12-16/1, tại thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan, tỉnh Lào Cai đã diễn ra lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ. Đây là một phong tục thường diễn ra vào dịp cuối năm của đồng bào bản địa với những nghi thức vô cùng độc đáo.
|
Cấp sắc 12 đèn ở Phìn Ngan (Bát Xát - Lào Cai)
|
So với 3 đèn, 7 đèn thì 12 đèn là bậc cuối cùng của cấp sắc nên nghi lễ được tổ chức quy mô, thời gian kéo dài với sự tham gia của 43 cặp vợ chồng người Dao đến từ 3 nhóm họ.
Ông Chảo Chỉn Thang, người Dao ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ: "3 đèn làm rồi, 7 đèn làm rồi, bây giờ làm 12 đèn là hết. Làm để phát đạt, mạnh khỏe, tốt cho gia đình".
Người Dao đỏ ở Lào Cai quan niệm, cấp sắc để khẳng định sự trưởng thành về mặt tâm linh, càng nhiều đèn càng có nhiều âm binh bảo hộ, điều này quan trọng hơn sự trưởng thành về mặt tuổi tác. Ông Chảo Ỳ Sài, Trưởng nhóm họ Chảo ở thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan cho biết: "Cấp sắc 12 đèn xong là mình được mang 120 quân. Sau này già, hết tuổi rồi mình vẫn được mang bằng đấy quân, như vậy sẽ lợi thế bởi vì quân nhiều hơn cũng sẽ được vinh dự hơn".
Theo ông Vàng Láo San, công chức văn hóa xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, dù không bắt buộc nhưng tâm lý chung của đàn ông người Dao, ai cũng muốn trong đời ít nhất phải được cấp sắc một lần. Chi phí cho mỗi lần cấp sắc trung bình khoảng hơn 10 triệu đồng/người, ai không có đủ điều kiện có thể quy đổi ra bằng công lao động phục vụ nghi lễ.
Ông Vàng Láo San nói: "Cả đời mình không cấp sắc được thì khi mình chết đi con cái muốn cấp sắc sẽ phải cấp lại cho tất cả các đời trước mà chưa được cấp sắc, cấp xong hết mới được cấp đến mình. Đồng thời, phải thay đổi cả tên âm (tên cúng) trong gia phả".
Lễ cấp sắc 12 đèn đòi hỏi phải nhờ tới những thầy cúng cao tay nhất trong cộng đồng người Dao. Như nghi lễ ở Phìn Ngan lần này có tới 14 thầy cúng, tất cả đều là nam giới, có cả thầy cúng đến từ Lai Châu, Hà Giang. Ngoài ra còn 3 phụ nữ có tuổi giúp nấu đồ lễ, hỗ trợ các bà vợ về nghi thức, trang phục.
Theo thầy cúng Lý Phủ Sèo, đến từ xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, chuẩn bị cho cấp sắc 12 đèn thường mất nhiều tháng trời vì có hàng trăm đầu việc lớn nhỏ phải làm, bao gồm may sắm quần áo, phụ kiện, cắt giấy, dựng lán, lập đàn, sắp lễ tế, hậu cần v.v... Quá trình cấp sắc cũng diễn ra rất nhiều khâu như rước thầy, trình báo tổ tiên, treo tranh, gói gạo, mời thần linh, mời Ngọc Hoàng, dựng đèn, cấp phép. Mỗi khâu trong cấp sắc 12 đèn càng phức tạp hơn. Đặc biệt, những người đàn ông Dao được cấp sắc ngoài đánh dấu sự trưởng thành còn có cơ hội để trở thành sư phụ.
Ông Sèo cho biết: "Học làm sư phụ rất khó, một số thông minh từ bé và đã được bố mẹ dạy biết chữ, biết cúng nhiều rồi. Còn trong số 43 cặp này, sau khi cấp sắc có 10 cặp mà biết được đã là giỏi".
Một điều đặc biệt nữa trong cấp sắc của người Dao đó là kiêng cữ. Từ trước khi nghi lễ tiến hành, các cặp đôi phải giữ gìn sạch sẽ cả tinh thần và thể chất, không quan hệ vợ chồng, không tơ tưởng lăng nhăng, không nói tục, không cãi vã…; suốt thời gian cấp sắc chỉ ăn chay để bày tỏ sự tôn kính với tổ tiên, thần linh.
Trong những bài cúng, bài khấn và cả âm nhạc trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Lào Cai đều phản ánh khát vọng, mong muốn một cuộc sống sung túc, thể hiện những quan niệm về đạo đức, luân lý, sự tôn kính cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng và cách đối nhân xử thế./.
An Kiên
Nguồn: vov.vn