Đa dạng hoạt động tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk
Tái hiện nét không gian văn hóa độc đáo của dân tộc mình. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Tái hiện nét không gian văn hóa độc đáo của dân tộc mình. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Hoạt động chính của Ngày hội gồm: Phục dựng lễ cưới của người Ê Đê; trình diễn đặc trưng văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, truyền thống của các dân tộc; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng, tiêu biểu; hoạt động giới thiệu, quảng bá chương trình, sản phẩm du lịch; chế biến, giới thiệu món ăn, thức uống truyền thống của các dân tộc.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức Ngày hội còn tổ chức trò chơi dân gian; trưng bày ảnh nghệ thuật chủ đề về voi; hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản phi văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông”; trình diễn nghề gốm nung lộ thiên.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội, Thư viện tỉnh Đắk Lắk tổ chức trưng bày tài liệu về văn hóa Đắk Lắk. Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tổ chức chiếu phim miễn phí về đề tài cách mạng, địa danh lịch sử… trong các ngày diễn ra Ngày hội.

Theo ông Lại Đức Đại, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023 nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển. Đồng thời, thông qua Ngày hội nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa của 49 dân tộc anh em trong tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là dịp để ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đánh giá khách quan thực trạng hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể dục, thể thao quần chúng và đời sống văn hóa trên địa bàn, qua đó xác định các giải pháp lâu dài, đột phá xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở.

Ông Lại Đức Đại thông tin thêm, đây là lần đầu tiên Ngày hội diễn ra, do đó nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang rất hào hứng, nỗ lực tập luyện, chuẩn bị tiết mục và ẩm thực để tham gia Ngày hội. Đến nay, công tác chuẩn bị cho Ngày hội cơ bản hoàn thành. Thông điệp của Ngày hội nhằm khẳng định tinh thần đoàn kết của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nỗ lực bảo tồn văn hóa và chung tay xây dựng Đắk Lắk ngày càng văn minh, giàu đẹp, bản sắc.

Điểm mới của Ngày hội là các hoạt động tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp, gắn bó, thể hiện, học hỏi và giao lưu văn hóa. Trong đó, điểm nhấn là các chương trình nghệ thuật diễn ra trong Lễ khai mạc (tối 18/11), Lễ bế mạc (tối 20/11) với nhiều tiết mục đặc sắc do nghệ nhân, ca sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên cùng nhân dân các địa phương trong tỉnh biểu diễn./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất