(TTĐN) - Sáng 30/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra phiên thảo luận ở hội trường về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo dõi phiên làm việc qua truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri Lào Cai nhận xét, phiên thảo luận sáng 30/10 tạo được không khí cởi mở, dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội. Các đại biểu tham gia tranh luận thẳng thắn, đúng và trúng những vấn đề cử tri quan tâm.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra chính kiến, đóng góp nhiều nội dung và đề xuất giải pháp cho Quốc hội, Chính phủ.
Đồng tình với các ý kiến phát biểu chỉ ra nhiều vấn đề được xem là “điểm nghẽn” gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực hoàn thiện hệ thống khung chính sách, văn bản hướng dẫn, bộ máy quản lý, điều hành các cấp và chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Nông Đức Ngọc, trong thực tiễn triển khai vẫn còn gặp nhiều vướng mắc; kết quả giải ngân vốn chưa cao; việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế; cơ chế thực hiện phức tạp bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định từ các bộ, ngành.
Cụ thể, đối với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ông Nông Đức Ngọc cho biết, đối tượng thụ hưởng các chính sách dân tộc, miền núi, biên giới được xác định theo quy định phân định khu vực cùng với trình độ phát triển. Trong khi đó, đối tượng thụ hưởng các chính sách thuộc Chương trình không được ổn định cả giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm thực hiện. Một số nội dung, dự án thuộc Chương trình khi xây dựng kế hoạch thực hiện có nhiều trường hợp hộ gia đình là hộ nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhưng các năm sau trong giai đoạn thực hiện, các hộ gia đình phấn đấu thoát nghèo, địa phương thoát diện đặc biệt khó khăn thì các đối tượng không còn thuộc diện được thụ hưởng chính sách, trong khi đó các dự án mà họ được hỗ trợ chưa hoàn thành, chưa hết chu kỳ sản xuất...
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai kiến nghị với Quốc hội nên gộp 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện thành 1 chương trình hoặc chỉ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc đang được Chính phủ thẩm định để đảm bảo tập trung nguồn lực, tránh chồng chéo như hiện nay; cho phép kéo dài vốn kế hoạch thực hiện năm 2023 sang năm 2024; đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cụ thể, rõ ràng hơn để thực hiện cho hiệu quả.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022 - 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giao cho tỉnh Lào Cai từ 6% xuống 5%); điều chỉnh chỉ tiêu “Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn” giao cho tỉnh Lào Cai từ 47,1% (tương đương với 33 xã) xuống thành 37,1% (tương đương với 26 xã); điều chỉnh chỉ tiêu “Số thôn không thuộc khu vực III ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn” từ 50% (tương đương với 65 thôn) xuống 40% (tương đương với 52 thôn).
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 đã tiếp tục tạo được sự lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tích cực tham gia. Tuy vậy, theo bà Nông Thị Minh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cốc San, thành phố Lào Cai, còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục, giải quyết sau 3 năm triển khai. Đó là, cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai, theo dõi, tổng hợp thực hiện chương trình ở cơ sở. Kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế…
Theo bà Nông Thị Minh, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết, tích hợp cụ thể các văn bản hướng dẫn, quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ mẫu cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia để phổ biến, tập huấn, đào tạo cho cấp cơ sở thực hiện bảo đảm nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả, đúng quy định hiện hành và thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hương Thu
Nguồn: baotintuc.vn