(TTĐN) - Từ năm 2021 đến nay, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (còn gọi là Chương trình MTQG 1719) đã có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã làm thay đổi cuộc sống đồng bào vùng cao
|
Với số tiền hàng tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, hai năm trở lại đây, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã thực hiện đầu tư 3 dự án công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ mua téc nước, máy nông cụ, làm nhà ở cho hộ nghèo, cùng nhiều tiểu dự án sinh kế cho người dân. Để chính sách đến được với đồng bào và mang lại hiệu quả cao nhất, việc xác định đối tượng hỗ trợ được bình xét từ thôn bản trở lên và đảm bảo sự công khai, minh bạch.
Gia đình ông Hoàng Văn Ngói ở thôn Ngòi Lẫu, xã Châu Quế Thượng thuộc diện hộ nghèo. Cuối năm 2023, gia đình ông được cấp một chiếc máy cày, bừa mini. Không chỉ giúp gia đình có thêm điều kiện nâng cao hiệu quả canh tác, ông còn dùng mang đi cày thuê, từ đó có thể đảm bảo được việc làm và sinh kế lâu dài.
"Mình ít đất, nhà cũng khó khăn, nuôi 3 đứa con học. Nhà nước cũng quan tâm đến cấp cho cái máy để mình đi cày thêm, lấy tiền sinh hoạt gia đình và nuôi các cháu ăn học", ông Hoàng Văn Ngói chia sẻ.
Là xã vùng III của huyện Văn Chấn, Suối Quyền có địa hình đồi núi cao, các thôn, bản cách xa trung tâm, điều kiện triển kinh tế -xã hội còn nhiều khó khăn. Ông Đặng Kim Lý, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, trong năm 2023, xã đã được phân bổ nguồn vốn hơn 1 tỉ đồng để hỗ trợ cây, con giống và máy nông cụ cho những hộ dân nghèo. Hiện xã cũng đang tiếp tục kiến nghị để sớm được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân.
|
Người dân vùng cao được hưởng nhiều chính sách để phát triển kinh tế
|
"Việc cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng là một việc khó khăn, chủ yếu là dẫn từ các khe suối để về sử dụng. Trong thời gian tới kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ cho các thôn bản để làm nước sạch cho bà con nhân dân sử dụng", ông Đặng Kim Lý cho hay.
Tỉnh Yên Bái hiện có 46 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn; 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất nước. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Yên Bái đã dành 703 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 cho đầu tư phát triển. Từ nguồn lực này, tỉnh đã triển khai đồng bộ 9 dự án, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên chia sẻ: "Chúng tôi cũng làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thấy sự hỗ trợ của Nhà nước để người dân tham gia cùng với sức lao động của mình, cùng với trí tuệ và một phần nguồn lực của mình để vươn lên phát triển sản xuất và không có tư duy trông chờ, ỷ lại".
|
Nhiều hộ dân ở Yên Bái được hỗ trợ nông cụ để nâng cao năng suất lao động
|
Phó chủ tịch huyện Văn Yên - Lã Thị Liền cũng cho biết, có được những kết quả khả quan như trên là nhờ khi thực hiện Chương trình, tỉnh Yên Bái đã sớm ban hành kế hoạch và đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; giao trách nhiệm cụ thể cho Ban chỉ đạo, các ngành liên quan và từng địa phương. Qua đó, đã huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; giải quyết vấn đề nhà ở; nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của người dân; góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 6%/năm...
Trong chuyến kiểm tra thực tế tại Yên Bái mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ Hầu A Lềnh đã đánh giá cao những cách làm sáng tạo, chủ động, hiệu quả của địa phương này; trong đó có việc đạt được các yêu cầu về tiến độ giải ngân; việc triển khai hỗ trợ làm nhà ở; lồng ghép các nguồn lực đầu tư, phát triển giáo dục…
"Đặc biệt là vấn đề cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các hướng dẫn của các bộ, ngành thành các văn bản hướng dẫn của địa phương và ban hành các văn bản của địa phương theo thẩm quyền. Đi liền với việc ban hành văn bản, các đồng chí cũng rất là kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đấy có lẽ là một trong những yếu tố rất quan trọng để chúng ta triển khai được rất nhiều việc và có những việc rất khó. Các đồng chí đã quyết tâm và có nhiều chỉ số rất cao; nếu tính về kết quả thực hiện chương trình thì cũng là top đứng đầu khu vực", Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ Hầu A Lềnh đánh giá.
Có thể khẳng định, sau 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã làm "gương mặt" miền núi ở Yên Bái thay đổi từng ngày; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu đã vươn lên thành những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho gia đình, quê hương. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở tỉnh Yên Bái đã ước đạt 50,8 triệu đồng/người/năm, tăng 3,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2022.
Đinh Tuấn
Nguồn: baotintuc.vn