Chung tay chăm lo đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Ðổ bê-tông đường giao thông nông thôn tại xã Ðạo Ðức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: NDO)

Ðổ bê-tông đường giao thông nông thôn tại xã Ðạo Ðức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: NDO)

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm thấp. Mặc dù tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,7% tổng số dân, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 61,29% trong tổng số hộ nghèo cả nước.

Theo thống kê đến thời điểm năm 2020, có khoảng 118 chính sách dân tộc và có nội dung chính sách dân tộc còn hiệu lực đã hình thành nên hệ thống chính sách dân tộc tương đối toàn diện nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội vừa thông qua giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là ba chương trình mục tiêu quốc gia). Ðây là vấn đề lớn không chỉ đại biểu Quốc hội mà đông đảo cử tri, nhân dân rất quan tâm.

Phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định: Ðảng, Nhà nước ta luôn xác định xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, các chương trình mục tiêu quốc gia ở giai đoạn trước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. "Ðây cũng là một điểm sáng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Ðảng, Nhà nước ta, đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả thực hiện các mô hình này", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên diễn đàn nghị trường, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo bộ, ngành thảo luận kỹ lưỡng, nhìn lại những thành tựu, kết quả đạt được, theo đó, kế thừa và phát huy kết quả thực hiện các chương trình này của các giai đoạn trước, Quốc hội tiếp tục ban hành ba nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, sau hơn hai năm thực hiện, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình cũng như các mục tiêu kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.

Ðây là lần đầu Quốc hội giám sát tổng hợp cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ. Ðiều đó thể hiện rõ phương châm từ sớm, từ xa của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ. Ngay trong quá trình giám sát, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời, tổ chức các hội nghị để tập trung rà soát, tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể đến các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất biện pháp tháo gỡ, bổ sung, ban hành nhiều văn bản mới. Trong đó, phải kể đến việc Chính phủ ban hành Nghị định 38/2023/NÐ-CP và một loạt các thông tư của các bộ, ngành.

Ðoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát ban đầu và báo cáo trực tiếp với các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại 4 phiên làm việc và đề xuất việc đưa kiến nghị trong Tờ trình 441 ngày 12/9/2023 của Chính phủ về kết quả thực hiện khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia với đề xuất bảy nhóm giải pháp đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp bách, trên cơ sở xem xét Báo cáo của Chính phủ với sự đánh giá đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tiếp theo, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng và thông qua Ðề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019.

Một trong tám nhiệm vụ quan trọng nhất được chỉ ra là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực này, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng, giữa người dân tộc thiểu số và người dân tộc đa số.

Ðại biểu Phạm Thị Kiều (Ðắk Nông) và các đại biểu Quốc hội cho rằng: Việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư ba chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp thực tế và đã có những tác động rất tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Các đại biểu đề nghị: Ðể ba chương trình được thực hiện hiệu quả, bảo đảm đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hoạt động thông suốt, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai đồng bộ ba chương trình, đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình văn phòng điều phối trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả ba chương trình.

Ðại biểu Quốc hội đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", tạo được sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội. Ðề cập các nội dung cụ thể được cử tri quan tâm, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đề nghị: Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra và đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em, thực hiện tốt y tế cơ sở, y tế dự phòng theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội.

Năm 2022 đã phân bổ 14.429 tỷ đồng vốn của chương trình từ ngân sách Trung ương (gồm 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp); Năm 2023 đã phân bổ gần 26.434 tỷ đồng (trong đó gần 11.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 14.617 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

                                                                                                                            (Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Dân tộc)


Ở nhiều nơi, mức hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống rõ rệt hằng năm; năm 2021 giảm 0,2%, năm 2022 giảm 1,7%; năm 2023 giảm 0,1%, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 3%.

Việc triển khai sáu trong số bảy dự án với chín trong số 11 tiểu dự án được các ngành, các cấp địa phương thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Chương trình hỗ trợ tín dụng để thoát nghèo tăng đều qua các năm, bình quân từ 12% đến 15%...

                                                                                                                                   Ðại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất