Chợ phiên - tấm gương phản chiếu văn hóa vùng cao
Thưởng thức đồ ăn nóng hổi ngay tại chợ phiên Chiềng Đi, trong không khí se se lạnh là một trải nghiệm thú vị của du khách. (Ảnh: Thủy Lê)

Thưởng thức đồ ăn nóng hổi ngay tại chợ phiên Chiềng Đi, trong không khí se se lạnh là một trải nghiệm thú vị của du khách. (Ảnh: Thủy Lê)

Độc đáo chợ phiên Chiềng Đi

Những năm qua, tỉnh Sơn La xác định mục tiêu bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống để trở thành sản phẩm độc đáo, thu hút khách du lịch đến với vùng đất giàu tiềm năng này, trong đó, chợ phiên vùng cao là một trong những di sản nổi bật cần bảo tồn và phát triển.

Vân Hồ là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu trong lành, phong cảnh hữu tình cùng nền văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc. Bản Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ, có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Người dân nơi đây tổ chức chợ phiên vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần mang đậm sắc màu vùng cao. Chợ phiên cũng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân địa phương.

Là chợ phiên đầu tiên và duy nhất của huyện Vân Hồ, chợ phiên ở bản Chiềng Đi 1 không chỉ là nơi người dân địa phương và du khách gần xa đến trao đổi, mua bán hàng hóa, mà còn là nơi họ gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa. Đến với chợ phiên này, du khách như được hòa mình vào không gian của lễ hội với tiếng khèn, tiếng hát ngân nga, với xúng xính váy áo rực rỡ sắc màu thổ cẩm của những chàng trai, cô gái Mông. Đây cũng là nơi giới thiệu văn hóa ẩm thực và những bộ trang phục truyền thống độc đáo, qua đó tạo nên một không gian sống động, đa sắc màu, thanh âm từ những gian hàng được bày bán. Ở chợ phiên Chiềng Đi có khoảng gần 50 gian hàng của đồng bào dân tộc tại địa phương, bày bán các sản vật đặc trưng của vùng cao như: thổ cẩm, rau tươi, măng, gạo, nấm, mộc nhĩ, thịt... Tất cả đều là sản phẩm do bà con tự nuôi trồng, sản xuất, sạch và ngon.

Ông Sồng A Súa, bản Chiềng Đi 1 nói: “Ở chợ phiên này, chúng tôi đều bán các mặt hàng do chính mình trồng trọt, chăn nuôi theo mùa vụ, hoặc tự tay làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống. Dân bản Chiềng Đi 1 ai cũng chăm chỉ làm lụng cả tuần, mong ngóng đến ngày cuối tuần để đi chợ phiên gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện cùng với mọi người”.

Để đến với chợ phiên, bà con bản Chiềng Đi 1 phải dậy từ lúc trời còn sẩm tối. Họ đến chợ chỉ với hành lý đơn sơ, giản dị là chiếc gùi đựng vài cân gạo, mớ rau hay nải chuối...; là chiếc bao tải nhỏ đựng vài lưỡi cuốc, con dao, liềm, xẻng, kiềng bếp... hay dắt theo vài con bò, ngựa, mang theo vài con lợn, gà, ngan... Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, cũng là những sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc làm ra. Hàng hóa mang đi rất đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ - đó là những tấm bạt trải ra giữa đất, nơi nào tốt hơn chút thì là những chiếc lán nhỏ được dựng lên bằng tre, nứa, tuy đơn sơ nhưng nơi đây là nơi bày bán đủ thứ của ngon vật lạ từ núi rừng.

Chị Nguyễn Thị Thanh, du khách ở Cà Mau cho biết: “Điều tôi thích nhất ở chợ phiên Chiềng Đi 1 đó là các sản phẩm đều thô mộc, giản dị, tự nhiên như chính con người vùng cao vậy. Có thể nói, từ đồng bằng đến miền núi thì văn hóa chợ chính là tấm gương phản chiếu, thể hiện rõ nhất văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, miền, vì mỗi sản phầm của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng đều được trưng bày và được trao đổi, mua bán tại đây”.

Bảo tồn văn hóa chợ phiên

Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tại huyện Vân Hồ, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã phối hợp với UBND huyện Vân Hồ tổ chức lớp tập huấn về bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa truyền thống trong chợ phiên của đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Chiềng Đi 2, huyện Vân Hồ, với sự tham gia của 76 người là nghệ nhân, trưởng thôn, bản, người có uy tín, đại diện hộ sản xuất kinh doanh là người dân tộc thiểu số thuộc các xã trên địa bàn Vân Hồ.

Bình minh trên cao nguyên Vân Hồ. (Ảnh: Thủy Lê)

Bình minh trên cao nguyên Vân Hồ. (Ảnh: Thủy Lê)

Tại lớp tập huấn này, các học viên đã được các báo cáo viên là chuyên gia, nhà quản lý trình bày các chuyên đề về thực trạng, kết quả và hiệu quả chợ phiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chợ phiên đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước thách thức của kinh tế thị trường; tổ chức không gian chợ phiên phù hợp phong tục, tập quán vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tái hiện mô hình chợ phiên của đồng bào các dân tộc vùng cao. Các báo cáo viên đã sử dụng phương pháp gợi mở, lấy ý kiến của các học viên về đề xuất các giải pháp để xây dựng mô hình bảo tồn chợ phiên trong đời sống thực tiễn, phát huy hiệu quả trong cộng đồng.

Tại đây, các học viên còn được chia sẻ, trao đổi các nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là việc vận dụng đúng đắn việc bảo tồn chợ phiên, các di sản văn hóa đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Nhiều năm qua, huyện Vân Hồ luôn đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống gắn với các hoạt động của chợ phiên, khuyến khích đồng bào các dân tộc tham gia các đội văn nghệ truyền thống, đồng thời, tạo ra không gian các phiên chợ truyền thống giàu bản sắc để du khách đến trải nghiệm, khám phá. Hiện nay, huyện Vân Hồ đã và đang duy trì, phát triển mô hình chợ phiên truyền thống với các hộ gia đình là người dân tộc thiểu số, vừa tạo nên không gian văn hóa mang tính cộng đồng cao, vừa góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập bằng cách phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cho người dân. Chợ phiên không chỉ góp phần làm đa dạng thêm các hoạt động thương mại, mà giờ đây còn trở thành một “sản phẩm” du lịch có sức hút mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất