Cán bộ dân vận vùng DTTS Quảng Nam: Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin
Ông Nguyễn Văn Quận, Chủ tịch UBMTTQVN xã Trà Mai, huyện Nam Trà My

Ông Nguyễn Văn Quận, Chủ tịch UBMTTQVN xã Trà Mai, huyện Nam Trà My

Mặt trận và các đoàn thể lựa chọn những nội dung cụ thể gắn liền với lợi ích của Nhân dân, phù hợp với tình hình của từng địa phương, tập trung vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình này.

Thôn 4 là thôn đặc biệt khó khăn cuối cùng của xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Năm nay, các đoàn viên Thanh niên, Hội Phụ nữ trong xã này cùng nhau xây dựng công trình nước sạch phục vụ đồng bào. Cuối năm, công trình nước sạch hoàn thành, ai nấy đều vui mừng.

Thời gian qua, cùng với việc giúp bà con thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban MTTQVN xã Trà Mai và các tổ chức thành viên niêm yết công khai danh sách hộ dân được thụ hưởng các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại các cuộc họp, sinh hoạt hội đoàn thể, Mặt trận và các tổ chức thành viên đều lồng ghép tuyên truyền chương trình này. Hiện, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã Trà Mai tập trung giúp các nhóm hộ liên kết lập dự án trồng cây sâm Ngọc Linh, cây dược liệu dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Văn Quận, người dân tộc Ca Dong, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thực hiện các nội dung cấp cây giống, con vật nuôi, chúng tôi thông báo về thôn, thôn lập danh sách gửi lên xã xác nhận. Đề án của cấp trên về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì bắt buộc là phải làm theo mô hình nhóm chứ không thể cấp về từng hộ mà theo nhóm hộ tập trung, ít nhất mỗi nhóm hộ gồm 10 hộ trở lên một mô hình. Vấn đề này, khi họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã chúng tôi đã thống nhất triển khai theo mô hình nhóm. Việc này phải do xã trực tiếp làm hồ sơ giúp cho nhóm hộ chứ với trình độ, năng lực của bà con thì hồ sơ sẽ không đảm bảo”.

Họp dân phổ biến chương trình Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My

Họp dân phổ biến chương trình Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My

Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ huyện Phước Sơn tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép nhiều nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Việc kết hợp giữa tuyên truyền miệng, tờ rơi và sân khấu hoá đã thu hút đông đảo người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phước Sơn tham gia.

Bà Hồ Thị Hồng Đào, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2023, một số xã vùng cao tại huyện Phước Sơn đã thành lập mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” và sẽ còn mở rộng trong thời gian tới. “Phối hợp với những người có uy tín, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, anh em trong hội đoàn thể, của thôn tổ dân phố, cùng đi tuyên truyền vận động. Những trường hợp có hiện tượng sẽ xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì sẽ đến từng hộ đó vận động tuyên truyền cho họ không làm như vậy nữa”.

Cũng như huyện miền núi cao Phước Sơn, huyện miền núi cao Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với từng dự án trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đông Giang đều có kế hoạch cụ thể giao cho từng tổ chức đoàn thể tham gia hoặc chủ trì thực hiện từng dự án.

Cụ thể, Lãnh đạo huyện Đông Giang giao Hội Phụ nữ huyện chủ trì thực hiện dự án 8 về những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện này đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, các xã thị trấn triển khai nội dung. Bước đầu, Hội Phụ nữ thực hiện tốt công tác truyền thông về phụ nữ, trẻ em, giải quyết tốt mối quan hệ bình đẳng giới. Huyện cũng chỉ đạo các hội đoàn thể tham gia thực hiện dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Dự án này đã giúp cho các hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Hay như đối với dự án 7 về “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”, Lãnh đạo huyện giao Văn phòng HĐND - UBND huyện phối hợp với Trung tâm Y tế và các hội đoàn thể khảo sát đánh giá thực trạng trẻ em trên địa bàn huyện, tuyên truyền vận động nâng cao kiến thức về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Ông Đỗ Hữu Tùng, người dân tộc Cơ Tu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, HĐND huyện cũng đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch. UBMTTQVN huyện và các tổ chức Hội, Đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động để người dân tham gia giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa này. Trong thời gian vừa qua đã làm rất tốt công tác phối hợp. Hàng tháng, hàng quý đã có phiên giao ban giữa các hội đoàn thể để nắm lại tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt là chương trình thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn đến năm 2030”.

Các tổ chức đoàn thể tuyên truyền đến phụ nữ, trẻ em gái về xóa bỏ hủ tục

Các tổ chức đoàn thể tuyên truyền đến phụ nữ, trẻ em gái về xóa bỏ hủ tục

Thời gian gần đây, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền nội dung về “người có uy tín nói chuyện về phát triển kinh tế - xã hội miền núi”… UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam chủ trì lấy phiếu xin ý kiến người dân các huyện Phước Sơn và Nam Giang về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương. Qua kết quả tổng hợp phiếu và đề xuất của các ngành liên quan, đơn vị đã tổng hợp gửi báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, phục vụ cho nội dung hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam với người có uy tín các huyện miền núi. Ban Thường trực UBMTTQVN thành lập đoàn giám sát, giám sát trực tiếp Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện Nam Giang, UBND huyện Đông Giang và giám sát qua báo cáo tại Sở Giáo dục và Đào tạo về phát triển giáo dục đào tạo của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam cho biết, qua giám sát, Mặt trận tham gia nhiều ý kiến thực hiện dự án 5 của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: “Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh chỉ đạo các địa phương miền núi quan tâm giám sát tiến độ, kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những nội dung thi đua mà UBMTTQVN các huyện chú trọng thực hiện trong năm 2023. Cùng với các giải pháp cụ thể, sự vào cuộc đồng bộ, hy vọng rằng, chương trình mục tiêu quốc gia này sẽ cùng tích hợp với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới mang lại hiệu quả để tạo động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Một trong những kết quả nổi bật là các hoạt động kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam được duy trì thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Đến nay, 94 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh này đã nhận kết nghĩa với 66 xã miền núi; 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh. Từ năm 2018-2022, các cơ quan, đơn vị đã vận động hơn 85,6 tỷ đồng hỗ trợ nhiều loại giống cây trồng, con vật nuôi, phân bón, làm đường giao thông, xây dựng công trình, xây nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương; chuyển giao kỹ thuật, nhất là trực tiếp nhận hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả đối với hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất