Cách làm sáng tạo giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Cán bộ Hội phụ nữ tỉnh thường xuyên đến tận nhà hỗ trợ, tư vấn cách chăn nuôi.

Cán bộ Hội phụ nữ tỉnh thường xuyên đến tận nhà hỗ trợ, tư vấn cách chăn nuôi.

Theo đó, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, tại 40 thôn của 6 huyện (Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Nghĩa Hành). 4 nội dung tập trung thực hiện là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, người có uy tín trong cộng đồng.

Huyện miền núi Trà Bồng có khoảng 80% hội viên phụ nữ huyện là người dân tộc thiểu số. Trước đây, đa số sản xuất theo tập quán canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm làm ra chưa đạt yêu cầu, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi Dự án 8 được triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế; hỗ trợ sinh kế để chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương; hỗ trợ vốn đối ứng để hội viên xây dựng các tổ hợp tác, mô hình liên kết sản xuất.

Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số Trà Bồng tự tin trong làm kinh tế. Chị Hồ Thị Hoa, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng cho biết: Trước đây, chị đã từng chăn nuôi gà nhưng chỉ nuôi số lượng ít để ăn thịt, ăn trứng. Từ khi được sự tuyên truyền, hỗ trợ của Hội, chị không những biết cách chăn nuôi mà còn biết cách phòng bệnh cho vật nuôi. Hơn nữa, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, chị mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại để thả nuôi hàng trăm con gà thịt hàng chục con lợn. Đến nay, gia đình chị có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trà Bồng Nguyễn Thị Hằng, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường có tâm lý lo sợ, e ngại, không tự tin, mạnh mẽ trong các hoạt động kinh tế cũng như giao tiếp xã hội. Từ khi triển khai Dự án 8, ngoài việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, Hội còn mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực của phụ nữ trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số; góp phần tạo nên sự đổi mới mạnh mẽ trong tất cả hoạt động. Đối với phụ nữ miền núi, muốn triển khai hiệu quả, cán bộ Hội phải “cầm tay chỉ việc”, phải thường xuyên đến từng hộ để hướng dẫn họ cách chăn nuôi, trồng trọt.

Tại xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, chị Phạm Thị Lan (người Hre), thôn Trũng Kè 1 đã chọn mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt để khởi nghiệp. Đến nay, mô hình của chị Lan không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn hỗ trợ các chị em khác trong thôn cách làm ăn, tăng thêm thu nhập. “Trước đây, tôi cũng đi làm thuê như nhiều chị em khác trong thôn. Dù chăm chỉ làm việc nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Từ khi được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ về các kiến thức làm ăn, vay vốn, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại để sản xuất. Tôi còn được các chị chỉ cho cách ủ phân bón cho cây trồng, đầu ra sản phẩm được hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Từ ngày kinh tế gia đình ổn định, tôi cố gắng giúp đỡ những chị em khác. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng tư vấn cho nhau cách chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình”, chị Lan chia sẻ.

Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn vay vốn mở rộng các mô hình chăn nuôi.

Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn vay vốn mở rộng các mô hình chăn nuôi.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, từ khi Dự án 8 được triển khai đã có nhiều mô hình được thực hiện thành công như khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhiều hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số do phụ nữ làm chủ đã được hỗ trợ toàn diện. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ngãi Lê Na cho biết: Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế không chỉ giúp có thu nhập để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, mà còn giúp họ có được tiếng nói trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện bình đẳng giới, giúp chị em có cơ hội nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Tuy nhiên, việc triển khai Dự án 8 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những định kiến đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều phụ nữ. Để thực hiện tốt hơn Dự án trong thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đề ra các giải pháp như tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp, giới thiệu sản phẩm ra thị trường; phát huy nguồn lực của hội viên để xây dựng các mô hình, tổ hùn vốn quay vòng hỗ trợ nhau về ngày công, con giống..., Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ngãi Lê Na nhấn mạnh./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất