(TTĐN) - Nằm trên đỉnh Trường Sơn quanh năm mây phủ, Tây Giang (Quảng Nam) hiện lên với những khu rừng nguyên sinh xanh mát và những ngôi làng đẹp như tranh. Ở đó, trong những làng tái định cư, đồng bào Cơ Tu vẫn giữ nếp sống thuần hậu với thiên nhiên, gắn kết với rừng như chính sinh mệnh của mình.
|
Khu tái định cư Achoong, xã Ch’Ơm, Tây Giang sạch đẹp và hiện đại giữa núi rừng Tây Giang
|
Làng bình yên, dân an toàn
Ở độ cao hơn 1000 mét, khu tái định cư Achoong, xã Ch’Ơm, Tây Giang nằm lọt giữa trập trùng mây trắng, nơi những đám mây ôm ấp lấy bản làng. Làng có 32 hộ dân, 132 nhân khẩu, 100% là người Cơ Tu. Ở đây, nhà được dựng thành vòng tròn lớn, đầu làng là một khoảng sân rộng và gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng) cho trẻ chơi đùa, đá bóng, đạp xe, cũng là nơi bà con tụ tập những ngày lễ hội, ngày Tết.
Tiếp chúng tôi trong gươl, trưởng thôn trẻ tuổi Alăng Lơ (35 tuổi) mơ màng nhìn ra ngoài khung cửa gỗ, nhớ lại, trước đây người dân có thói quen sống biệt lập giữa rừng. Họ dựng nhà sàn dọc theo triền đồi núi gần con suối, luôn phải đối diện với nguy cơ sạt lở.
Hơn 10 năm trước, chính quyền vận động bà con bỏ tập quán du canh, du cư về nơi ở ổn định, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, làng từ đó mà lập nên. Trong đó, có nhiều hộ dân hy sinh hoa màu, cây cối hiến cả ha đất để làm mặt bằng cho bà con thôn Achoong đến ở. Riêng Amế (mẹ) Tơ Ngôl Chín đã hiến 20.000m2 đất để làm mặt bằng. Có làng rồi,những rẫy sắn, nương ngô được quy hoạch thành những đồi cây cao-su. Những khoảng đất trống nơi ở cũ gần nguồn nước được cải tạo thành ruộng trồng lúa. Khi người dân dựng nhà mới xong, cũng là lúc huyện “đưa” đường ô-tô về tận nơi, rồi lần lượt hệ thống điện chiếu sáng, nước tự chảy, trường học, trạm y tế... mọc lên. Ðời sống người dân Achoong khá hẳn lên.
Là một trong số 32 hộ dân dựng nhà trên đất làng mới, Tơ Ngôl Nhang (33 tuổi, ở thôn Achoong), không giấu được niềm vui khi kể về cuộc sống mới ở nơi này. Nhang cưới vợ sớm nhưng không có đất riêng, phải sống chung với bố mẹ cùng đàn em trong căn nhà nhỏ chỉ vài chục mét vuông ở sườn núi. Nhiều lần mưa lớn, đất lở vào sát vách, anh và người thân chỉ biết cõng nhau đi nơi khác lánh nạn. Kể từ khi về sống ở khu tái định cư rộng rãi, gia đình sinh hoạt thoải mái hẳn.
|
Người dân Tây Giang được an cư trong những ngôi làng an toàn
|
“Năm ngoái nghe tin lở núi ở nhiều nơi vùng cao Quảng Nam vùi lấp nhiều nhà dân, bà con ở đây sực nhớ lại cảnh mình từng sống ở những triển đồi mà không khỏi kinh sợ. Bây giờ người dân ở Achoong đã yên tâm làm ăn”, Nhang trải lòng.
Rời Achoong, chúng tôi tiếp tục vượt những cung đường núi quanh co để đến với những bản làng xa xôi như Aur (xã A Vương), Rabhươp (xã A Tiêng) hay Ga’nil (A xan)…đều là những điểm sáng trong công tác sắp xếp dân cư miền núi Tây Giang. Ngoài tác dụng phòng chống thiên tai thì hiệu quả rõ nhất là bộ mặt các thôn, làng trở nên khang trang, đường bê tông, điện, nước sinh hoạt đầy đủ, các điều kiện sinh hoạt của người dân ổn định hơn. Có nơi ở ổn định, người dân sống với nhau gắn kết keo sơn, chăm chỉ làm ăn, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn và có một niềm tin sắc son với Đảng và Nhà nước.
Giữ màu xanh của đại ngàn
Song song với công tác sắp xếp dân cư để giảm nhẹ thiên tai, Tây Giang đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ rừng. Lãnh đạo huyện luôn nghiêm túc thực hiện phương châm: Rừng còn thì Tây Giang còn; rừng suy tàn thì Tây Giang cũng suy tàn.
Dưới tán rừng, người dân gắn với bảo vệ rừng là khai thác các lâm đặc sản quý hiếm để phát triển kinh tế. Bởi thế ở Tây Giang, độ che phủ rừng lên đến 73%, trong đó quần thể pơ mu cổ ở núi Zi’liêng nhiều cây có độ tuổi từ khoảng 300 đến 1.000 tuổi, được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Vào mỗi dịp đầu năm mới, đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang lại hân hoan tổ chức Lễ Tạ ơn rừng với nhiều nghi thức thiêng liêng để tạ ơn Mẹ thiên nhiên đã che chở, nuôi nấng họ.
|
Người Cơ Tu ở Tây Giang bảo vệ rừng như chính sinh mệnh của mình
|
Ứng xử văn minh với rừng, bà con Cơ Tu ở Tây Giang còn nhắc nhở nhau thực hiện cuộc vận động "người Cơ Tu dùng đồ truyền thống - nói không với rác thải nhựa", tránh phương hại trực tiếp đến môi trường rừng. Hoạt động nêu trên xuất phát từ việc Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" đến từng hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn 10 xã của huyện. Các cơ sở hội ở từng xã, thôn cũng chủ động xây dựng, đăng ký thực hiện mô hình bảo vệ môi trường và nhân rộng trên địa bàn. Khuyến khích hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon. Đồng bào Cơ Tu sống dựa vào thiên nhiên, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để làm ra nhà cửa, giường, kể cả chiếc cốc để uống nước…
Ông A Lăng Sen, Trưởng thôn Ta Lang, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang chia sẻ: Bà con đã ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, để tạo thiện cảm với du khách ngay từ đầu, đồng thời giữ gìn cho thôn bản còn nét hoang sơ, trong lành vốn là thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây. “Việc hạn chế, nói không với rác thải nhựa không chỉ tạo sự thiện cảm, đảm bảo môi trường sạch sẽ cho du khách khi đến với Tây Gang mà về lâu dài cũng là để giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên, hoang sơ, trong lành vốn là thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây”- già làng cho biết.
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, “không điện, đường, trường, trạm”, đến nay huyện Tây Giang đã vượt khó vươn lên trở thành hình mẫu về công tác sắp xếp dân cư và quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng.
Từ mô hình điểm ở Pơr’ning, đến nay, huyện Tây Giang tiếp tục lập quy hoạch, lựa chọn mặt bằng bố trí tập trung cho 63 thôn với 117 điểm dân cư có mặt bằng ổn định tại 10 xã. Bước đột phá này đã mang lại cho hơn 4.690 hộ dân có nhà ở kiên cố, những làng treo bên núi, hốc rừng đều được bóc ra nơi an toàn. Việc quy hoạch tập trung dân cư giúp quy tụ ruộng đất, tập trung được nguồn lực lao động để triển khai tốt các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Lan Anh
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn