|
PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
|
Ngày 31/10, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)."
Dự hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ, Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cùng đông đảo các nhà khoa học, tăng ni, phật tử.
Đây là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận, cung cấp nguồn thông tin, tư liệu phong phú, hữu ích, có giá trị thiết thực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Giang, nhất là Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Đồng thời, Hội thảo góp phần làm sáng tỏ vai trò của Phật giáo đối với xã hội đương đại, những vấn đề mới phát sinh, những thách thức đối với sự phát triển trong tương lai của Phật giáo Bắc Giang, là cơ sở để hoạch định chính sách, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, những ghi chép trong thư tịch cổ và các kết quả nghiên cứu khảo cổ đều cho thấy, những dấu chân truyền pháp, hoằng pháp đạo Phật đầu tiên vào Việt Nam có trên mảnh đất Bắc Giang.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 940 ngôi chùa, tự viện Phật giáo phân bố ở hầu khắp 10 huyện, thành phố. Các cơ sở tự viện Phật giáo Bắc Giang chủ yếu thuộc hai dòng Phật giáo tiêu biểu, có sự ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Việt Nam là: Phật giáo Lâm Tế và Phật giáo Trúc Lâm.
Trong đó, nhiều ngôi chùa là di sản hay mang trong mình những di sản Quốc gia và thế giới như: chùa Bổ Đà (chốn tổ của Phật giáo Lâm Tế ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (chốn tổ của Phật giáo Trúc Lâm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng).
Đặc biệt, Bắc Giang (Tây Yên Tử) còn là một trong những vùng đất ghi dấu ấn sự phát triển và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là chặng đường quan trọng trên con đường hoằng dương Phật pháp của vị Sơ tổ của Phật giáo Trúc Lâm - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Những giá trị văn hóa, bao gồm cả giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của Phật giáo Bắc Giang được hình thành, kết tinh từ một không gian với những điều kiện tự nhiên, bối cảnh lịch sử, con người hết sức đặc biệt. Ngày nay, không gian tự nhiên - xã hội địa linh nhân kiệt này tiếp tục đem lại những giá trị mới cho Phật giáo Bắc Giang, tạo ra những tiềm năng mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung gồm: Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam; Di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang; Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử).
Các ý kiến đều khẳng định, giá trị văn hóa Phật giáo đặc sắc vùng Tây Yên Tử. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, không gian văn hóa khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử chứa đựng những tiềm năng lớn về phát triển du lịch tâm linh nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng.
Nơi đây là một bộ phận không tách rời khu du lịch tâm linh Đông Yên Tử; được ghi nhận ở 3 giá trị gồm: Tính nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của quần thể di tích - danh thắng và tính xác thực. Đây cũng là quần thể di tích và danh thắng duy nhất trên cả nước đáp ứng gần như hầu hết các tiêu chí của một di sản vật thể, phi vật thể và di sản danh thắng.
|
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
|
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Bắc Giang đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo nói chung, di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói riêng gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn thông tin, tư liệu liên quan đến Phật giáo và văn hóa Phật giáo Bắc Giang qua các thời kỳ lịch sử còn ít và chưa mang tính hệ thống. Những công trình, tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Phật giáo Bắc Giang còn ở số lượng khiêm tốn, nhất là những công trình nghiên cứu về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; việc đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo gắn với phát triển du lịch còn hạn chế.
Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang như: Tỉnh cần kiểm kê, phân loại, đánh giá thực trạng, tiến hành mã hóa, số hóa nguồn di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang; chú trọng công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị tiềm ẩn của văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong đời sống nhân dân; tập trung nguồn lực đầu tư, tôn tạo và tu bổ, phục dựng các di tích Phật giáo.
Địa phương cần coi không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử là nguồn lực văn hóa đầy tiềm năng; từ đó, xây dựng chương trình quy hoạch du lịch cụ thể, lâu dài, bền vững. Tỉnh xây dựng các tour du lịch tâm linh liên tuyến giữa các di tích vùng Tây Yên Tử với các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn; phục hồi, chấn hưng và tôn vinh các giá trị văn hóa Phật giáo thời Trần.
Cùng với đó, Bắc Giang cần nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới cho phát triển du lịch tâm linh Phật giáo Tây Yên Tử mang màu sắc riêng biệt như: Trải nghiệm lịch sử văn hóa qua không gian 3D; thực cảnh, trải nghiệm đời sống chốn Phật môn; thực hành, thực tập các nghi lễ Phật giáo; sức khỏe dưỡng sinh chốn Phật môn; ẩm thực Phật giáo.../.
Đồng Thúy
Nguồn: vietnamplus.vn