Bắc Kạn: Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản miền núi
Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: congthuong.vn)

Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: congthuong.vn)

Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc hữu của tỉnh ra thị trường, phóng viên báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nông Quang Nhất - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn xoay quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Kạn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn?

Bắc Kạn là tỉnh miền núi ở vị trí trung tâm các tỉnh phía Bắc. Tỉnh có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Do vậy, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty, các hợp tác xã phát triển các mặt hàng của lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Hiện tỉnh đang có nhiều sản phẩm nông sản đặc hữu như: Miến dong, bí xanh thơm, chè hoa vàng, bún phô, phở khô, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, gạo Bao thai, gạo Japonica, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ)… Đến nay, một số sản phẩm của Bắc Kạn đã có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đặc biệt quan tâm và ban hành Đề án hỗ trợ các sản phẩm OCOP. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ cụ thể như: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết, dành những nguồn lực nhất định để hỗ trợ cho các hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp trong việc phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm và một số công đoạn khác để tạo ra các sản phẩm OCOP.

Đến thời điểm này, Bắc Kạn có 182 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao. Đã có 110 chủ thể tham gia chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm: 73 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 22 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp.

- Với nhiều nông sản đặc trưng như vậy, công tác xúc tiến thương mại đã được tỉnh triển khai như thế nào để các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng trên cả nước, thưa ông?

Để hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường, trong thời gian qua, ngoài những nội dung chương trình được các sở, ban, ngành, địa phương chủ động tổ chức tại địa bàn, tỉnh cũng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước; tích cực đưa các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh tiếp cận thị trường trong nước, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, thực hiện các chương trình phối hợp về tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh thành.

Gian hàng của tỉnh Bắc Kạn tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23 năm 2023. (Ảnh: congthuong.vn)

Gian hàng của tỉnh Bắc Kạn tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23 năm 2023. (Ảnh: congthuong.vn)

Mới đây nhất, tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23 năm 2023, từ ngày 10 đến hết ngày 15/11/2023, Bắc Kạn đã có đăng kí gian hàng tham gia giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm như: Các sản phẩm được chiết xuất từ nghệ, các loại chè, đặc biệt là sản phẩm chè hoa vàng và một số sản phẩm khác như gạo, miến dong và các loại sản phẩm đặc trưng đặc hữu của Bắc Kạn. Đây là những dịp rất tốt để các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã của Bắc Kạn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, để liên kết cũng như là kết nối giao thương và có thể kí kết hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã khác trên cả nước và nước ngoài.

- Sắp tới mùa cao điểm mua sắm cuối năm, việc hỗ trợ quảng bá xúc tiến thương mại được tỉnh Bắc Kạn triển khai ra sao, thưa ông?

Trong năm 2023, đặc biệt là thời điểm cuối năm, theo kế hoạch đã được chuẩn bị từ đầu năm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo giao Sở Công Thương chuẩn bị để tới đây (từ ngày 24 - 30/11), tại tỉnh Bắc Kạn sẽ diễn ra Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại năm 2023. Đây là sự kiện thương mại quy mô cấp vùng khoảng 200 gian hàng với 150 - 200 đơn vị, cơ sở công nghiệp, nông thôn tham gia. Chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã vùng Đông Bắc nói riêng và trong cả nước nói chung qua đó giới thiệu, quảng bá về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, các tỉnh vùng Đông Bắc và các địa phương trong cả nước.

Đây cũng là cơ hội để giới thiệu những thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Kạn nói riêng, các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Bắc và của cả nước nói chung; tăng cường mối quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch giữa các tỉnh, thành phố; thúc đẩy hoạt động trao đổi, giao thương, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng hợp tác đầu tư, liên kết trong sản xuất, mở rộng thị trường nội địa qua đó giúp tăng trưởng kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, tìm ra giải pháp hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động xúc tiến thương mại này cũng giúp thúc đẩy kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Đồng thời, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước; tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng Bắc Kạn được tiếp cận, mua sắm sản phẩm có uy tín, chất lượng của các tỉnh trong khu vực và cả nước, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại, góp phần tăng trưởng giá trị tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất