(TTĐN) - Trong hai ngày 22-23/7, dọc theo chiều dài của đất nước, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2024 đã có những hoạt động ý nghĩa và tìm hiểu lịch sử tại đất võ Bình Định.
|
Đoàn Trại hè Việt Nam 2024 dâng hương tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc-Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. (Ảnh: Tuấn Việt)
|
Trong khuôn khổ chương trình, 120 thanh niên, sinh viên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2024 đã thành kính dâng hương tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Các kiều bào trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nho yêu nước, ở một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người sớm hun đúc hoài bão cứu nước cứu dân. Trên hành trình tìm đường cứu nước, khoảng trung tuần tháng 5/1909, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ấy lấy tên là Nguyễn Tất Thành, vào Bình Định. Tới khoảng tháng 8/1910, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bình Định đi Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận làm giáo viên trường Dục Thanh...
|
Đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Người. (Ảnh: Tuấn Việt)
|
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, bạn Trương Gia Linh, kiều bào từ Bulgaria nói, đây là cơ hội quý báu để em có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời gian khó nhưng đầy hào hùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Trong suốt hành trình của Trại hè Việt Nam 2024, em và các bạn đã được đến thăm Lăng Bác tại Hà Nội, thăm Nhà sàn nơi Bác ở, đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên ở Nam Đàn, Nghệ An và bây giờ là mảnh đất võ Bình Định, tất cả những nơi này đều có dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó khiến em thêm biết ơn công lao to lớn của Người trong công cuộc tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc", Gia Linh nói.
Điểm dừng chân tiếp theo trên mảnh đất Bình Định của đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào là Bảo tàng Quang Trung - nơi thờ và tưởng niệm anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Bảo tàng Quang Trung là một trong những khu di tích bảo tàng lịch sử nổi tiếng ở tỉnh Bình Định, là nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - một trong những cuộc khởi nghĩa dân tộc thành công nhất ở nước ta. Bảo tàng được xây dựng để ghi nhớ công ơn cũng như tưởng nhớ người anh hùng Quang Trung ngay tại chính quê hương Bình Định của ông.
|
Kiều bào trẻ thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. (Ảnh: Tuấn Việt)
|
Trong không khí trang nghiêm, các thanh niên, sinh viên kiều bào đã thành kính dâng hoa tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung; dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để tưởng nhớ, tri ân công đức của Hoàng đế Quang Trung và các văn thần, võ tướng Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Tại đây, các thanh niên, sinh viên kiều bào đã được tham quan những hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cũng như các giá trị di sản văn hóa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, bạn Trần Thu Trà, kiều bào từ Lào khẳng định, hoạt động tại tỉnh Bình Định giúp em hiểu thêm về truyền thống lịch sử của đất nước và con người Việt Nam. "Khi đến Bảo tàng Quang Trung, em được nghe những câu chuyện ý nghĩa và xem các hiện vật lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Đối với em, cuộc khởi nghĩa như minh chứng rõ nét về sự mưu lược, ý chí kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam", Thu Trà nói.
Bên cạnh những hoạt động tìm hiểu về lịch sử của dân tộc, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đã đến thăm và tặng quà các em nhỏ tại Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm, tỉnh Bình Định. Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 80 trẻ em mồ côi và người khuyết tật.
Các hoạt động từ thiện trong chương trình Trại hè thể hiện tấm lòng chia sẻ, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam.
Trước đó, ngày 22/7, các bạn trẻ kiều bào có dịp tới thăm Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) – một địa chỉ khoa học danh giá của Việt Nam và châu Á. Tại đây, các bạn đặc biệt thích thú khi được tìm hiểu và biết thêm nhiều kiến thức khoa học mới mẻ, hữu ích.
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, bạn Nguyễn Phương Anh, kiều bào từ Belarus cho biết rất thích thú khi được tham quan ICISE. Phương Anh nói: "Bình thường, những kiến thức như này, em đều học bằng tiếng Nga. Nhưng hôm nay em được nghe thuyết minh bằng tiếng Việt, em thấy thực sự rất dễ hiểu và bản thân đã học được nhiều kiến thức bổ ích".
Dự kiến, ngày 24/7, đoàn Trại hè Việt Nam 2024 di chuyển tới tỉnh Khánh Hòa và có nhiều hoạt động ý nghĩa tại đây./.
Tuấn Việt
Nguồn: baoquocte.vn