Người Việt tại Nhật Bản nhập gia tùy tục - Bài 2: Tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp
Ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản trò chuyện với lao động Việt Nam tại xưởng bánh mì Asanoya. (Ảnh: TTXVN)

Ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản trò chuyện với lao động Việt Nam tại xưởng bánh mì Asanoya. (Ảnh: TTXVN)

Chiếm khoảng một nửa cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, các thực tập sinh được cho là giúp quốc gia này giải quyết bài toán thiếu lao động ở các ngành nghề không yêu cầu tay nghề cao, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Đại đa số thực tập sinh Việt Nam đều nhận được đánh giá tích cực từ những doanh nghiệp sử dụng lao động.

Ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết mặc dù trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện thông tin về những vụ việc liên quan đến du học sinh, thực tập sinh người Việt Nam, nhưng đó chỉ là một số vụ việc đơn lẻ, không phản ánh được hết đại bộ phận người Việt Nam, trong đó các thực tập sinh chăm chỉ làm việc, tuân thủ quy định của công ty, pháp luật của Nhật Bản, tôn trọng phong tục tập quán của địa phương nơi cư trú.

Quốc gia nào cũng có những điều luật tương tự nhau để ngăn chặn những hành vi xâm phạm, gây hại lợi ích công và lợi ích tư như cướp giật, trộm cắp…. Vì vậy, không cần hướng dẫn thì người nước ngoài đến bất cứ quốc gia nào cũng biết đó là những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, ngoài những điều luật tương tự đó, mỗi nước cũng có những điều luật, quy định riêng phù hợp với đặc trưng văn hóa, tính cách của quốc gia, dân tộc mình.

Mới đây, một thực tập sinh Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình. Do đất nông nghiệp ở Nhật Bản để hoang khá nhiều nên anh quyết định thuê một mảnh đất gần nơi ở với mục đích trồng rau. Vườn rau cạnh bờ sông nên anh quyết định bơm nước từ sông lên để tưới. Thế nhưng, sau hai ngày sử dụng nước sông tưới rau, cảnh sát đã đến gặp anh để nhắc nhở rằng không thể sử dụng nước sông nếu như anh chưa nộp phí sử dụng. Mặc dù có ngỡ ngàng với quy định này nhưng anh nhanh chóng tiếp thu lời nhắc nhở và tháo gỡ máy bơm.

Một vấn đề mà các lao động Việt Nam hay mắc phải khi mới đến Nhật Bản là tiếng ồn. Nơi ở của các thực tập sinh, lao động Việt Nam thường ở những khu vực yên tĩnh, nên tiếng ồn từ các buổi tụ tập của các đồng hương sẽ phiền hà cư dân địa phương. Chính vì vậy, khi biết được những quy định của địa phương về hạn chế tiếng ồn, nhiều thực tập sinh đã cẩn trọng hơn trong việc tụ tập như giảm bớt số người tham gia và không tổ chức vào những khoảng thời gian mọi người cần nghỉ ngơi, yên tĩnh.

Để không xảy ra những vi phạm do chưa nắm rõ kiến thức về pháp luật Nhật Bản, ngoài các buổi cung cấp kiến thức trước khi sang nước bạn, các công ty tuyển dụng lao động nước ngoài đều có những buổi giới thiệu và hướng dẫn cho thực tập sinh vừa mới đến về các quy định của công ty cũng như pháp luật của Nhật Bản. Ban Quản lý Lao động Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng thường xuyên sâu sát cùng với các nghiệp đoàn đến các xưởng, nhà máy có lao động Việt Nam làm việc để nắm tình hình, đồng thời giải đáp thắc mắc cũng như hướng dẫn các kiến thức cần thiết.

Xưởng làm bánh mì Asanoya ở ngoại ô thủ đô Tokyo hiện có hơn 30 lao động Việt Nam, bao gồm cả thực tập sinh và lao động đặc định. Nơi đây đã tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam từ năm 2014 nhưng chưa hề xảy ra một vụ việc vi phạm pháp luật nào liên quan đến lao động Việt Nam. Trong số 4 lao động Việt Nam tại Asanoya mà chúng tôi gặp gỡ, có 2 anh Nguyễn Quang Hòa và Lê Văn Sáng sau khi kết thúc thời gian thực tập sinh đã quay trở lại công ty làm việc với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định 1 (lao động có tay nghề cấp 1).

Tổng cộng thời gian làm việc của Quang Hòa tại Asanoya tính từ khi là thực tập sinh cho đến khi trở thành lao động đặc định là 9 năm còn Văn Sáng là 7 năm. Bên cạnh các quy định về giờ giấc làm việc, Hòa cho biết công ty có quy định nghiêm về vệ sinh vì đây là xưởng thực phẩm và yêu cầu cao bảo mật nội dung công việc. Cho đến nay, chưa có trường hợp lao động Việt Nam bị kỷ luật do vi phạm các quy định của công ty.

Đại diện công ty Asanoya, ông Taira Kazuo đánh giá cao kỷ luật lao động và kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện công ty Asanoya, ông Taira Kazuo đánh giá cao kỷ luật lao động và kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện công ty Asanoya, ông Taira Kazuo, cho biết vì đây là xưởng sản xuất bánh mì, là đồ ăn trực tiếp cho khách hàng nên mọi người cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm như mặc đồ bảo hộ, tẩy trùng tay trước khi vào nơi sản xuất… Ông cho rằng dù là người Nhật hay người nước ngoài, đều cần phải tuân thủ những điều luật được quy định chung cho xã hội và công ty đã tổ chức những buổi hướng dẫn về vấn đề này cho lao động nói chung. Đối với lao động nước ngoài, ông luôn nhắc nhở rằng “mọi người đang sống và làm việc tại Nhật Bản nên việc tuân thủ luật pháp của nước sở tại là điều tất yếu. Vì vậy mọi người cần phải nâng cao hiểu biết của mình về luật pháp tại đây."

Ông Kazuo cho biết Hòa và Sáng là thợ làm bánh mì nên làm ca đêm và đến sáng, sau khi nướng xong thì đem bánh mì đến các cửa hàng. Đánh giá về tay nghề của lao động Việt Nam, ông nói: “Các bạn ở đây đều là người chịu trách nhiệm xếp bánh mì tại các cửa hàng. Tôi phải công nhận các bạn rất chăm chỉ, cẩn thận, kỹ năng nghề nghiệp rất tốt, nướng bánh ngon và sắp xếp bánh mì rất đẹp. Kỹ năng nghề của các bạn giỏi đến mức mà tôi nhiều lúc cảm thấy như không có các bạn này thì công ty tôi không làm được như vậy”.    

Hòa và Sáng được công ty thuê cho một căn hộ cách nơi làm việc khoảng 12 phút đi xe đạp. Căn hộ được dọn dẹp gọn gàng và sạch sẽ. Vì làm ca đêm nên ban ngày là thời gian hai người được nghỉ ở nhà. Hòa tâm sự ca làm việc từ 21h đến 6h sáng nên khi về nhà hai người thường đi ngủ đến 11h trưa. Sau khi tỉnh dậy, họ cùng nhau chuẩn bị bữa ăn cho cả ngày và phân công nhau dọn dẹp nhà cửa.

Khi chúng tôi hỏi về việc liệu có quy định, điều luật nào của Nhật Bản tại nơi ở làm các em bối rối nhất, cả hai đều cho rằng đó chính là quy định về việc đưa rác ra điểm thu gom theo đúng ngày. Nhật Bản có quy định về phân loại rác thải và đem xuống bãi rác theo từng ngày. Ví dụ, thứ Hai sẽ dành cho rác là thùng cartoon cỡ lớn, rác không đốt được cỡ lớn, thứ Ba và thứ Sáu là ngày vứt rác thực phẩm hay còn gọi là rác tươi. Thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu là vứt rác đốt được và rác không đốt được loại nhỏ… Hòa thật thà chia sẻ vi phạm duy nhất mà em mắc phải khi mới sang Nhật là vứt rác sai ngày. Sau đó, Hòa cẩn thận ghi chú ngày phân loại rác dán ngay trên tường phía trên thùng rác để tránh mắc lỗi lại.

Thời gian thư giãn trong ngày của Hòa và Sáng là sau bữa ăn trưa. Vào ngày chúng tôi đến, Hòa đang xem lại buổi duyệt binh mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ còn Sáng mải mê đọc sách.

Đối với Hòa và Sáng, sống và làm việc tại Nhật Bản không hề khó khăn khi cả hai đều là những lao động cần cù, nỗ lực và chấp hành nghiêm túc quy định của công ty cũng như pháp luật Nhật Bản. Tinh thần hòa đồng, sẵn sàng học hỏi để hòa nhập, tôn trọng những khác biệt về văn hóa và tuân thủ luật pháp của nước sở tại, Hòa và Sáng đã tự tạo lại cho mình cơ hội được làm việc lâu dài tại Nhật Bản./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất