Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Bài cuối: Sức mạnh đại đoàn kết
Trên 40 kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Trên 40 kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Điều quan trọng nhất là tạo một không gian mở, đổi mới tư duy để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trở về Tổ quốc, trở về quê hương và cống hiến.

Hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý

Năm 2024 đánh dấu 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36) - nghị quyết đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong việc phát huy, huy động nguồn lực to lớn của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước.

Trong 20 năm qua, Đảng, Nhà nước đã chủ trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, quy định theo hướng tạo thuận lợi cao nhất cho kiều bào về thăm quê hương, thân nhân, sinh sống, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ… Điển hình như Luật Đất đai, Luật Căn cước, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục đại học và các biện pháp tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh và lưu trú cho kiều bào.

Cùng với đó là các sáng kiến, cơ chế, chiến lược, đề án quan trọng như thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức, đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024”, Đề án phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ đất nước trong tình hình mới…

Những chủ trương, chính sách, cơ chế đúng đắn này đã đi vào cuộc sống, cơ bản đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kiều bào như với các doanh nghiệp trong nước, giúp kiều bào an tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào, tháo gỡ vướng mắc, chủ động giúp doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào kết nối.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Nghị quyết 36 mang dấu ấn bước ngoặt của công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Những tư tưởng đột phá, cởi mở của Nghị quyết như “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”; “công tác người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”… thể hiện tư duy đổi mới của Đảng ta trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Trong đó, công tác phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, thành lập các cơ chế để người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học; triển khai huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Chung một niềm tin, ý chí

Đất nước đang tập trung dồn lực, “bứt tốc” để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, dấu mốc quan trọng, mốc son của thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Qua đó phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và để đạt được được mục tiêu đó, sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng.

Mới đây nhất, trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, dự Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc như Bác Hồ đã nói với bà con kiều bào khi Người thăm Pháp năm 1946: “Mỗi kiều bào phải là một Đại sứ nhân dân của Việt Nam, thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, những người có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với công nghệ hiện đại, tri thức tiến bộ, tiếp tục đem trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức của mình để hiến kế xây dựng, phát triển quê hương đất nước; mong các bà con không chỉ về nước đầu tư mà còn phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối mang hàng hóa, thương hiệu Việt ra khắp thế giới; quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với bạn bè quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn chào đón, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm thân, du lịch, đầu tư sản xuất, kinh doanh; hết sức cầu thị, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế xây dựng đất nước của bà con.

Thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực quý báu của kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập và phát triển mạnh trong đời sống xã hội nước sở tại.

Nhấn mạnh tinh thần “nghe cho thấu, thấy cho rõ và hiểu cho hết” tâm tư nguyện vọng của bà con kiều bào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay”.

Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ ‘đồng’ và từ ‘đồng bào’ ở đây có nghĩa là anh em cùng một bọc, điều đó đã bao hàm ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn kết, về nguồn cội".

Ở những chặng đường mới, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, chắc chắn không thể thiếu sự chung sức, đồng lòng nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có những đóng góp quý báu của kiều bào ta ở nước ngoài - nguồn lực quan trọng để xây dựng đất nước hùng cường.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất