Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Bài 3: Hiến kế phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, ngày 22/8/2024. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, ngày 22/8/2024. (Ảnh: TTXVN)

Cơ hội với trí tuệ nhân tạo

Sinh ra tại Huế và rời quê hương đi du học khi mới 19 tuổi, tính đến nay, ông Lê Viết Quốc (kiều bào Mỹ) đã sống ở nước ngoài 23 năm. Nghĩa là thời gian Tiến sĩ Quốc ở nước ngoài còn dài hơn thời gian sống tại Việt Nam. Thế nhưng, trong những giấc mơ của ông, hình ảnh Việt Nam luôn hiện hữu, thôi thúc ông làm “điều gì đó” cho quê hương. Và ông bắt đầu thực hiện từ chính chuyên môn của mình - hiến kế trong lĩnh vực AI.

Hành trình của Tiến sĩ Lê Viết Quốc với trí tuệ nhân tạo bắt đầu từ năm 2004 và hiện ông là Nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại Tập đoàn Google. Niềm đam mê với khoa học đã khơi dậy trong ông từ thời thơ ấu và ông nhận ra rằng, trí tuệ nhân tạo chính là chìa khóa mở ra những cuộc cách mạng tương lai. “Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để sáng chế ra vaccine chống ung thư hoặc phát triển những vật liệu hiệu quả hơn cho năng lượng mặt trời. Đây chỉ là một vài trong vô số ví dụ về tiềm năng vô hạn của trí tuệ nhân tạo”, Tiến sĩ Lê Viết Quốc nói.

Tiến sĩ Lê Viết Quốc đề xuất, Việt Nam nên nhìn nhận rằng, cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra như một cơn sóng ngầm và trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa. “Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến thẳng lên và phát triển cùng với trí tuệ nhân tạo”, ông Lê Viết Quốc nhận định.

Trong xu thế phát triển chung của ngành trí tuệ nhân tạo, để biến thách thức thành cơ hội, Tiến sĩ Lê Viết Quốc cho rằng, tài sản lớn nhất chính là con người, do đó, nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục trí tuệ nhân tạo, đặc biệt ở bậc đại học. Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.

“Sau khi đã đầu tư vào con người, cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng đều có kẻ thắng, người thua, và cách hiệu quả nhất để tìm ra người thắng cuộc là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ”, ông Lê Viết Quốc nói.

Cùng với đó, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Trong thế kỷ XXI, trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ quan trọng, ai đi sau sẽ bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo đang được cung cấp dưới dạng mã nguồn mở, mở ra cơ hội rất lớn cho các ứng dụng trong tương lai gần. Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.

Ông Quốc cũng đề xuất việc thành lập hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt, để tư vấn đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.

Sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới

Tham gia hiến kế liên quan đến ngành Công nghiệp đóng gói và kiểm thử, ông Dương Minh Tiến (kiều bào Hàn Quốc) nhận định, Việt Nam được đánh giá là nơi thu hút đầu tư cho lĩnh vực đóng gói chip nên cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư của lĩnh vực đóng gói trong 5-10 năm nữa.

“Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút thành công các công ty điện tử lớn đầu tư vào đóng gói chip và substrate (chất nền-bóng lưới chip bán dẫn), cụ thể như Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron... Đây cũng là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm cho nhân lực Việt Nam trong ngành sản xuất chip cũng như phát triển các nhà cung cấp tại địa phương”, ông Dương Minh Tiến nêu.

Theo ông Tiến, Việt Nam nên tận dụng một số lợi thế đặc biệt để đa dạng thu hút đầu tư. Ngoài ra, vị trí địa lý gần “thung lũng silicon của Trung Quốc (Quảng Châu-Thẩm Quyến-Đông Hoản), rất phù hợp cho chiến lược China+1 của các công ty lớn trong giảm rủi ro về địa chính trị và chiến tranh thương mại.

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do và đối tác chiến lược với các cường quốc công nghệ để hàng hóa Việt Nam được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các thị trường lớn; tận dụng cơ hội này để giảm bớt thủ tục hành chính, phân quyền cho cơ sở để sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn trở nên thuận lợi hơn.

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp vi mạch

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành bán dẫn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…, ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh (kiều bào Nhật Bản), chuyên gia phát triển sản phẩm bán dẫn, Tập đoàn Samsung cho rằng, ngành công nghiệp vi mạch toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do dịch chuyển công nghiệp, căng thẳng địa chính trị và sự tập trung của chuỗi cung ứng tại một số khu vực cụ thể.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch hiện dừng lại ở công đoạn gia công và thiếu đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp này.

Kiến nghị một số đề xuất để phát triển ngành này tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực. Theo đó cần tăng cường đào tạo kỹ sư vi mạch; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến về ngành này; thành lập các trung tâm đào tạo chuyên sâu; có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài...

Cùng với đó là tập trung vào khâu thiết kế, đóng gói và kiểm thử; đầu tư vào thiết kế vi mạch Analog và high-speed (lĩnh vực phù hợp với năng lực và sự sáng tạo của giới trẻ, sinh viên Việt Nam, đặc biệt liên quan đến môn Toán, Lý); hỗ trợ bản quyền và sở hữu trí tuệ và hợp tác đồng bộ giữa các tập đoàn công nghệ và viện - trường đại học...

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, kiều bào Nhật Bản, Trợ lý Giáo sư Đại học Tohoku, Nhật Bản cho biết, Việt Nam gần như đang ở khâu R&D (mức độ sơ khai), song có tiềm năng phát triển tốt khâu thiết kế chip và có tiềm năng trong việc cung cấp vật liệu đất hiếm. Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng; chuẩn bị chuỗi cung ứng phù hợp và nguồn nhân lực tốt. “Nếu ký kết các biên bản ghi nhớ với Nhật Bản, sinh viên Việt Nam có thể đến học hỏi và nghiên cứu tại các trường học hoặc công ty tại Nhật Bản; từ đó phát huy được các thế mạnh đáng quý”, bà Nguyễn Thị Vân Anh gợi mở.

Bài 4: Niềm tin ở thế hệ trẻ

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất