50 năm quan hệ Việt Nam - Malaysia: Nhiều triển vọng hợp tác mới
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, hội thảo đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới giữa hai nước với những thế mạnh riêng của mỗi nước. Các doanh nghiệp quân đội đã nhanh chóng tìm được các nhà phân phối, nhập khẩu các sản phẩm thuộc các ngành như vật liệu nổ công nghiệp, dệt may, da giầy, cao su thô, hợp tác sâu trong lĩnh vực quân sự, nhiệt đới, xây dựng…

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia - đã thông tin đến các đại biểu về đặc điểm thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Malaysia. Ông nhấn mạnh Malaysia là thị trường có hơn 33 triệu dân (trong đó hơn 61% là người Hồi giáo) với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 đạt 377,69 tỷ USD, tăng trưởng 8,7%. Malaysia là nền kinh tế mở, trong đó thương mại và đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và tăng thu nhập. Theo số liệu chính thức, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia trong năm 2022 đạt 5,57 tỷ USD (tăng 26,1%), trong khi kim ngạch nhập khẩu là 9,1 tỷ USD, tăng tới 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Điểm đáng khích lệ là nhập siêu từ Malaysia trong 8 tháng đầu năm mặc dù lên tới 1,6 tỷ USD, nhưng chỉ chiếm 49,4% so với kim ngạch xuất khẩu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Toàn Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, đại diện cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam gồm 28 thành viên là những lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng (do Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng là đại diện và 9 doanh nghiệp Quân đội Việt Nam) tham dự hội thảo - cho biết hiện Bộ Quốc phòng đang quản lý khoảng 104 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam như tài chính ngân hàng, viễn thông, dệt may, da giầy, dược phẩm và xây dựng. Ông nhấn mạnh kết hợp kinh tế và quốc phòng là một nét rất đặc trưng của Quân đội Nhân dân Việt Nam thông qua hoạt động lưỡng dụng sản xuất. Trong đó, một số doanh nghiệp của quân đội đã vươn tầm ra khu vực và quốc tế như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (dịch vụ khai thác cảng biển)… mở ra nhiều cơ hội hợp tác triển vọng giữa hai nước. Thông qua hội thảo, nhiều doanh nghiệp của bộ đã khai phá nhiều triển vọng hợp tác mới nhiều tiềm năng giữa hai nước.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Triển lãm và xúc tiến thương mại quân đội (CETPA) và Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia (NCCIM)

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Triển lãm và xúc tiến thương mại quân đội (CETPA) và Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia (NCCIM)

Trong khuôn khổ cuộc hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký 2 Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến Thương mại quân đội (CETPA) và Trung tâm Triển lãm và Thương mại quốc tế Malaysia (MITEC) và giữa CETPA và Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (NCCIM). Đây là dấu ấn quan trọng trong việc cam kết thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia nói chung và giữa các cơ quan quản lý nhà nước nói riêng.

Bà Lee Pang - thành viên Hội đồng Kinh doanh Quốc tế của NCCIM - cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh tại khu vực Đông Nam Á và có quan hệ thương mại lâu năm với Malaysia. Bà kỳ vọng trong tương lai, hai nước sẽ tiếp tục khám phá những thế mạnh riêng và cùng phát triển thịnh vượng. NCCIM cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi liên kết kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh sôi động và ổn định giữa hai nước.

Là một trong những đoàn đại biểu lớn tham dự hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh thuộc Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, ông Hambali Mukhlas bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực Halal, vốn là lĩnh vực Malaysia có thế mạnh về cơ sở hạ tầng, trong khi Việt Nam có tiềm năng về nguyên liệu và nhân công. Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất