Việt Nam và Mông Cổ sẽ nâng cấp quan hệ song phương

Việt Nam và Mông Cổ đang hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954 - 17/11/2024). Hai nước sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc kiêm nhiệm Mông Cổ với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Tuấn Thanh. (Ảnh: Bích Thuận)

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Tuấn Thanh. (Ảnh: Bích Thuận)

P/v: Xin Đại sứ cho biết sau 70 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ đã gặt hái được những thành tựu đáng chú ý nào?

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Việt Nam và Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 70 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Một là, quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng phát triển tích cực, hai nước đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy cao về chính trị và đặt ưu tiên trong phát triển quan hệ. Hai bên đã thúc đẩy đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, nổi bật nhất là chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1955) và chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ (9/1959) đã đặt nền móng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hai nước. Hai bên đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1961, 1979, 2000) và giành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng. Đặc biệt Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Hiện hai nước đang hướng tới tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Về an ninh, quốc phòng: Hai bên xác định đây là trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ hai nước. Hai bên đã thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, ký kết nhiều văn bản quy định khuôn khổ hợp tác giữa hai bên như dẫn độ tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, cử lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, quân y, kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng… Mông Cổ giúp Việt Nam xây dựng Trung Đoàn cảnh sát kỵ binh cơ động.

Hai là, hai bên đã thiết lập được các cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác, cụ thể:

- Hai nước đã thiết lập được cơ chế Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ và đã tổ chức được 18 kỳ họp từ năm 1979 đến nay (Kỳ họp thứ 19 sẽ diễn ra cuối năm nay, tại Việt Nam), đề ra nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật…. Theo đó hai bên đã ký kết hàng loạt các hiệp định, bản ghi nhớ tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác. Gần đây nhất có Bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại năm 2021, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, bản ghi nhớ về hợp tác về thương mại gạo bền vững năm 2023… Đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ đến Việt Nam năm 2023, hai nước đã ký Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa nhân dân hai nước.

- Hai nước có cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và đã tổ chức được 10 vòng họp (vòng họp thứ 11 sẽ diễn ra ở Mông Cổ trong năm 2024). Qua đó hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường, củng cố lòng tin, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ quan điểm, lập trường trên các diễn đàn khu vực, quốc tế trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, chia sẻ lợi ích.

Ba là, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo được một số dấu ấn nhất định. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện để các Doanh nghiệp hai bên mở rộng quan hệ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác và đầu tư.

Kim ngạch thương mại song phương đã được tăng gấp 2,3 lần trong thời gian qua từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023. Năm 2023, hai nước đã chính thức mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Ulaanbaatar. Hiện đang triển khai đến thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới là Nha Trang, Phú Quốc. Hai nước đã thống nhất mẫu kiểm dịch động vật và cho phép nhập khẩu thịt cừu, thịt dê từ Mông Cổ vào Việt Nam và các sản phẩm thịt, trứng gia cầm từ Việt Nam vào Mông Cổ. Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán trong suốt thời gian dài giữa hai bên.

Bốn là, quan hệ hợp tác về văn hóa, giáo dục phát triển mạnh mẽ, tích cực, Đặc biệt, từ năm 1980 Mông Cổ đã quyết định đặt tên trường số 14 tại Thủ đô Ulaanbaatar mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường là biểu tượng hợp tác giữa hai nước, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa vào những ngày lễ lớn của Việt Nam như: thi vẽ tranh về Việt Nam và Chủ tích Hồ Chí Minh, biểu diễn văn nghệ, nhất là các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm về đất nước, con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra tiếng Mông Cổ như: “Nhật ký trong tù”, “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Truyện Kiều”, “Hòn Đất”…Hai bên cũng thường xuyên triển khai các hoạt động như tuần hoặc ngày văn hóa tại mỗi nước, đưa các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và Mông Cổ.

Về giáo dục, đào tạo: Hai bên thực hiện trao đổi sinh viên từ những năm 1960. Hàng năm Việt Nam dành cho Mông Cổ 15 suất học bổng, Mông cổ dành cho Việt Nam 5 suất học bổng theo diện Hiệp định Chính phủ hợp tác về Giáo dục. Hiện hai bên đang xem xét mở rộng học bổng Chính phủ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng hai nước.

Năm là, hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương không ngừng được phát triển: Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ, Mông Cổ - Việt Nam hoạt động rất tích cực, truyền nhiệt huyết cho các thế hệ tương lai hai nước; hợp tác giữa các địa phương được thúc đẩy với Hà Nội và Thủ đô Ulaanbaatar, tỉnh Hòa Bình với tỉnh Tuv, tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Orkhon và một số quan hệ cấp quận khác.

Góc hữu nghị giữa hai nước tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ. (Ảnh: Bích Thuận)

Góc hữu nghị giữa hai nước tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ. (Ảnh: Bích Thuận)

P/v: Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai bên?

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Trong thời gian tới, hai bên cần tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt các khuôn khổ hợp tác đã có, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Thế mạnh kinh tế của Việt Nam và Mông Cổ không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhau. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ đã có những bước phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử quan hệ và tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi gấp ba trong những năm qua tuy nhiên còn hết sức khiêm tốn.

Mông Cổ có thế mạnh là trữ lượng khoáng sản phong phú, sẽ là lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước, đặc biệt là việc trong lĩnh vực khai thác mỏ, đất hiếm, những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin xe điện, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, với gần 70 triệu đầu gia súc lĩnh vực chế biến các sản phẩm thịt, sữa, chế biến thức ăn gia súc cũng là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên. Việt Nam với thị trường hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng. Từ Việt Nam, các doanh nghiệp Mông Cổ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN cũng như thị trường rộng lớn trên thế giới vì Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với các nước và các khu vực.

Du lịch là một lĩnh vực rất nhiều tiềm năng phát triển, do sự khác biệt về khí hậu, địa lý hai nước có các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách của nhau; hai nước đã miễn visa cho du khách và mở các đường bay thẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ngoài ra, hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thăm dò khai thác dầu khí cũng như các lĩnh vực năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời.

Đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đến dâng hoa tại Tượng đài Hồ Chí Minh ở trường 14. (Ảnh do ĐSQVN tại Mông Cổ cung cấp)

Đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đến dâng hoa tại Tượng đài Hồ Chí Minh ở trường 14. (Ảnh do ĐSQVN tại Mông Cổ cung cấp)

P/v: Vậy trong thời gian tới, trọng tâm hợp tác giữa hai nước là gì?

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Thứ nhất, về chính trị, hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp để tăng cường sự tin cậy chính trị, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chặt và tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên cần tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2024, sớm nâng cấp quan hệ hai nước, tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác và phát triển của hai bên.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và xem đây là trọng tâm trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian tới.

Về hợp tác thương mại, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu hai nước không cạnh tranh, xung đột mà có tính bổ sung đối với thị trường của nhau. Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa song phương, mở cửa cho hàng hóa của nhau trên cơ sở có đi có lại, đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu của mỗi bên; tạo điều kiện cho các mặt hàng nông, thủy, hải sản, dược phẩm thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Mông Cổ; các mặt hàng khoáng sản, than đá, len, dạ vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy mục tiêu nâng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.

Về hợp tác đầu tư, hai bên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hợp tác trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, triển khai hoạt động đầu tư tại mỗi nước. Doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét việc đầu tư tại Mông Cổ trong các lĩnh vực bạn có thế mạnh như khai khoáng, sản xuất chế biến thức ăn gia súc, sản xuất chế biến các sản phẩm thịt, sữa, da… để bán tại thị trường Mông Cổ và xuất khẩu sang các nước xung quanh.

Về giao thông vận tải, việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân hai nước. Hai bên cần tiếp tục tìm giải pháp cơ bản, lâu dài tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực vận tải đường sắt, đường biển và hàng không để giảm thiểu chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.

Về lao động, với đặc điểm đất rộng người thưa, Mông Cổ hiện rất thiếu nguồn nhân lực như lao động lành nghề, kỹ thuật và cả lao động phổ thông để làm việc trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, chế biến thực phẩm và đặc biệt là trong lĩnh vực khai mỏ. Do vậy, hai bên cần tiếp tục xem xét tạo điều kiện để đưa lao động của Việt Nam vào thị trường tiềm năng này.  

Về du lịch cần tiếp tục thúc đẩy quảng bá du lịch tại mỗi nước, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút số lượng du khách, giảm giá thành.

P/v: Được biết, cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ tuy không đông, nhưng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế tại địa phương và luôn hướng về Tổ quốc. Đại sứ đánh giá như thế nào về điều này.

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Cộng đồng người Việt Nam ở Mông Cổ (NVNOMC) chủ yếu là lao động tự do sang làm việc tại các xưởng sửa chữa xe ô tô do chủ Việt Nam đầu tư. Với ưu điểm khéo léo và được đào tạo tay nghề, lao động Việt Nam đang rất được tín nhiệm tại Mông Cổ. Nguồn tiền ngoại hối do doanh nghiệp và lao động Việt Nam tại Mông Cổ chuyển về nước tuy không lớn nhưng tương đối ổn định.

Cộng đồng NVNOMC luôn có thái độ chính trị tốt, tin tưởng cao vào các chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ pháp luật của sở tại; luôn quan tâm, hướng về quê hương, đất nước và có tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay, tại Mông Cổ có 02 tổ chức hội đoàn là Hội Người Việt Nam ở Mông Cổ (thành lập ngày 29/8/2010) và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mông Cổ (thành lập ngày 01/03/2023). Trong thời gian qua, các tổ chức hội đoàn tại Mông Cổ đã tích cực tham gia các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức; tiến hành nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về quê hương, đất nước như tích cực quyên góp, ủng hộ các chương trình, đợt vận động do các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong nước tổ chức.

Với sự đoàn kết và không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ sẽ tiếp tục là một trong những nguồn lực đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

P/v: Xin cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất