(TTĐN) - Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh các nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình cần lấy con người làm trung tâm, ưu tiên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột...
|
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
|
Ngày 21/8, tại New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức Phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Xây dựng hòa bình và duy trì hòa bình: Chương trình nghị sự mới cho hòa bình - giải quyết các khía cạnh toàn cầu, khu vực và quốc gia về phòng ngừa xung đột”.
Phiên họp do Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Sierra Leone (nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 8/2024) chủ trì, với sự tham dự, phát biểu của đại diện hơn 73 nước và một số tổ chức quốc tế liên quan.
Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ quan ngại về các thách thức lớn đang đe dọa hòa bình và ổn định toàn cầu, nhất là các nguy cơ do leo thang cạnh tranh địa chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, kém phát triển, biến đổi khí hậu...
Trước tình hình đó, các nước đánh giá cao Chương trình Nghị sự mới cho Hòa bình do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra tháng 7/2023, nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả của các thế chế đa phương, tăng cường nỗ lực ở cấp độ toàn cầu, khu vực cũng như quốc gia để ngăn ngừa xung đột, xây dựng và duy trì hòa bình bền vững.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, thách thức đan xen và chịu tác động của các yếu tố địa chính trị, kinh tế xã hội và khí hậu, Liên hợp quốc cần có cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ trong các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, có sự gắn kết giữa các trụ cột hoà bình-phát triển-nhân đạo, phát huy được vai trò của các cơ chế liên quan, nhất là Hội đồng Bảo an và Ủy ban Xây dựng hòa bình.
Trong đó, Hội đồng Bảo an cần tận dụng hiệu quả các công cụ sẵn có như ngoại giao phòng ngừa, xây dựng lòng tin, trung gian hòa giải... trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc cũng như chủ quyền và hoàn cảnh đặc thù của mỗi quốc gia liên quan.
Đại sứ nhấn mạnh các nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình cần lấy con người làm trung tâm, ưu tiên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và tạo việc làm, đồng thời khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và thanh niên để bảo đảm tính bao trùm, toàn diện và bền vững của các giải pháp.
Bên cạnh đó, Liên hợp quốc và các nước cũng cần chú trọng xây dựng và củng cố năng lực cảnh báo sớm để ngăn chặn kịp thời các rủi ro trước khi chúng leo thang thành khủng hoảng.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc ngăn chặn, giải quyết từ sớm và từ xa các thách thức đe dọa đến hòa bình, trong đó đề cao phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy đoàn kết và thống nhất dân tộc, hợp tác quốc tế, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực song phương và đa phương nhằm duy trì hòa bình và ngăn ngừa xung đột.
Chương trình Nghị sự mới cho Hòa bình là sáng kiến do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres giới thiệu vào tháng 7/2023, trong đó đề ra tầm nhìn hợp tác đa phương vì mục tiêu duy trì hoà bình và an ninh toàn cầu trong bối cảnh mới trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản như lòng tin, đoàn kết, ngoại giao phòng ngừa, vai trò trung tâm của Hiến chương Liên hợp quốc và hành động quốc gia.
Chương trình Nghị sự mới cho Hoà bình đề xuất 12 giải pháp tham vọng và toàn diện trên các lĩnh vực và khía cạnh khác nhau để ứng phó các thách thức đa diện và đan xen đối với hòa bình và an ninh toàn cầu./.
Thanh Tuấn
Nguồn: vietnamplus.vn