Việt Nam-Campuchia: An ninh, ổn định của nước này là an ninh ổn định của nước kia
Ngày 11/10/2023, tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng dẫn đầu đoàn công tác đến chào xã giao Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet, sau khi Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII thành lập. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 11/10/2023, tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng dẫn đầu đoàn công tác đến chào xã giao Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet, sau khi Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII thành lập. (Nguồn: TTXVN)

Tình đoàn kết, hữu nghị mãi trường tồn

Trong không khí kỷ niệm 57 năm Ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2024), những ngày qua, Hãng thông tấn quốc gia AKP của Campuchia và các phương tiện truyền thông sở tại liên tục đăng tải nhiều chủ đề bài viết đề cao mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, gắn bó lâu đời giữa hai quốc gia hạ nguồn sông Mekong, qua đó tiếp tục lan tỏa thông điệp, khẳng định giá trị trường tồn của mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam-Campuchia trong suốt chiều dài lịch sử, từ góc nhìn của truyền thông, qua lăng kính chuyên gia địa bàn, cũng như lãnh đạo hai nước.

Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam và AKP nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia những năm gần đây đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng.

Cụ thể, hai nước luôn coi trọng và đề cao việc tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên, qua đó đạt nhiều thỏa thuận chiến lược định hướng cho tổng thể quan hệ.

Hai bên khẳng định tôn trọng và thực thi đầy đủ các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết, quyết tâm xây dựng quan hệ theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia mãi trường tồn.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhắc lại thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong hai năm 2020 và 2021, trong bối cảnh Việt Nam và Campuchia đều phải nỗ lực ứng phó và ngăn chặn đại dịch, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và tổ chức quần chúng vẫn thường xuyên điện đàm thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với nhau, dành cho nhau sự hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như vaccine phòng, chống dịch.

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, năm 2022 được xem là năm đặc biệt ý nghĩa đối với quan hệ hai nước khi Campuchia giữa vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, năm diễn ra sự kiện kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” ở Campuchia, cũng là năm được lãnh đạo hai nước xác định là “Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia” và “Năm hữu nghị Campuchia -Việt Nam”.

Trên tinh thần đó, trong năm 2022, hai bên đã phối hợp tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao tại Hà Nội, cùng nhiều sự kiện quan trọng khác và kết thúc bằng hai chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Campuchia trong tháng 11/2022.

Ở chiều ngược lại, sau khi Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII và thành lập Chính phủ nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã thăm chính thức Việt Nam. Đầu năm 2024 này, hai bên đã tổ chức trang trọng hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng 7/1 lịch sử ở mỗi nước.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Campuchia (AKP) nhân kỷ niệm 57 năm Ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Campuchia (AKP) nhân kỷ niệm 57 năm Ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. (Nguồn: TTXVN)

Trở thành quy luật và nhân tố bảo đảm phát triển

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, nhân dân hai nước cùng uống chung dòng nước sông Mekong, có quan hệ gắn bó truyền thống, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng nhau đấu tranh chống kẻ thù chung, cùng nhau giành thắng lợi và cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng quan hệ đoàn kết, gắn bó Việt Nam-Campuchia đã trở thành quy luật và nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi nước.

“Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt là sự cạnh tranh địa chính trị quyết liệt giữa các nước lớn, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với mỗi nước cũng như quan hệ hai nước, càng đòi hỏi hai đất nước, hai dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau, vì điều kiện địa chính trị khách quan khiến vấn đề an ninh, ổn định của nước này cũng chính là an ninh, ổn định của nước kia", Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh.

Đánh giá hai nước vẫn còn dư địa và nhiều cơ hội để tăng cường mở rộng các lĩnh vực hợp tác tiềm năng có thể bổ sung cho nhau, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho biết Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ VII đã đề ra nhiều chính sách ưu tiên cải cách mạnh mẽ toàn diện, tạo thông thoáng cho phát triển kinh tế, trao đổi thương mại sẽ là cơ sở thuận lợi mở ra cơ hội đầu tư mới.

Theo Đại sứ Nguyễn Huy tăng, ngoài củng cố các lĩnh vực hợp tác sẵn có, hai bên vẫn có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực có thể bổ sung cho nhau và những lĩnh vực mới; khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác và thế mạnh trong quan hệ giữa các tỉnh giáp biên, gia tăng biên mậu, du lịch.

Ngoài việc tạo thuận lợi của Chính phủ hai nước, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng, một mục tiêu quan trọng là cần quan tâm hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giúp đỡ các địa phương giáp biên đẩy mạnh hoạt động giao lưu thương mại.

Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh cần sớm xây dựng và định hình “Cơ chế hợp tác du lịch giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam”, đa dạng hóa các hình thái du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh, du lịch trải nghiệm; kết nối vận tải đường bộ, đường không, đường sắt.

Ngoài ra, hai nước còn có cơ hội thúc đẩy hợp tác trong trong lĩnh vực khoa học, công nghệ xanh, sạch, công nghiệp chế biến xuất khẩu, công nghệ cao, hợp tác về y tế; tranh thủ các cơ chế đa phương mà Việt Nam và Campuchia cùng tham gia để tăng cơ hội và khả năng hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam, Campuchia với nước thứ 3.

Trên tinh thần tích cực, chủ động, nhanh nhạy của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cơ hội hợp tác giữa hai nước sẽ rộng mở hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam-Campuchia, gia tăng kim ngạch thương mại song phương như mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai nước./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất