(TTĐN) - Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Mumbai (Ấn Độ) Lê Quang Biên khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ gần đây đã đạt được những bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại quan trọng mà hai nước đang nỗ lực phấn đấu đưa kim ngạch song phương lên 20 tỷ USD.
|
(Ảnh minh họa: TTXVN)
|
Theo ông Lê Quang Biên, cả Việt Nam và Ấn Độ đều là những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với thế mạnh đa dạng nên tiềm năng tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư song phương là rất lớn. Trong khi Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột chính trong chính sách “Hành động hướng Đông” và là đối tác quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho chính sách thúc đẩy hợp tác toàn diện với Ấn Độ, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư với mục tiêu ngày càng thực chất và hiệu quả.
Dựa vào những điều kiện thuận lợi nêu trên và thế mạnh bổ sung của hai nền kinh tế, các lĩnh vực dưới đây hứa hẹn nhiều cơ hội tăng cường hợp tác. Cụ thể như sau:
Đối với lĩnh vực sản xuất: Hiện nay, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở Đông Nam Á, tập trung mạnh vào các ngành công nghiệp điện tử, dệt may và ô tô... trong khi Ấn Độ cũng có năng lực sản xuất ngày càng phát triển cùng với nguồn nguyên liệu dồi dào và lực lượng lao động lành nghề, đây là sự bổ sung phù hợp cho các lĩnh vực sản xuất thế mạnh của Việt Nam. Bằng cách tận dụng vị trí chiến lược của Việt Nam trong vai trò là cửa ngõ quan trọng vào ASEAN và hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn không chỉ trong ASEAN mà còn trên toàn thế giới.
Đối với lĩnh vực công nghệ: Cả Việt Nam và Ấn Độ đều tự hào về hệ sinh thái công nghệ sôi động với hàng loạt công ty khởi nghiệp đang phát triển và tập trung vào đổi mới. Hai bên nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này bằng cách mở rộng các liên doanh nghiên cứu và phát triển chung, sáng kiến chuyển giao công nghệ và quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, thương mại điện tử và năng lượng tái tạo. Bằng cách kết hợp chuyên môn và nguồn lực, hai quốc gia có thể đẩy nhanh tiến bộ công nghệ, từ đó mở ra những phương thức tăng trưởng mới.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Hai bên nên trao đổi các phương thức thực tiễn tốt nhất về chuyển giao công nghệ và đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm và cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Bằng cách tận dụng thế mạnh của nhau, hai bên có thể tăng năng suất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao cả trong nước và quốc tế. Kết hợp các vùng khí hậu nông nghiệp đa dạng của Ấn Độ và trình độ nông nghiệp nhiệt đới của Việt Nam sẽ mở ra con đường hợp tác đa dạng hóa cây trồng và chia sẻ kiến thức.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo: Do sớm nhận thấy vai trò quan trọng của ngành năng lượng tái tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường nên Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp và đạt được những bước tiến đáng kể trong tiến trình thúc đẩy các sáng kiến năng lượng bền vững, bao gồm những chính sách hỗ trợ, nỗ lực xây dựng năng lực và phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực tìm kiếm hợp tác quốc tế và Ấn Độ là đối tác đầy triển vọng trong nỗ lực này. Chuyên môn của Ấn Độ về công nghệ năng lượng tái tạo mang đến những cơ hội hợp tác quý giá.
Thông qua chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và các sáng kiến nghiên cứu và phát triển chung, Ấn Độ có thể hỗ trợ Việt Nam khai thác tiềm năng sản xuất điện Mặt Trời, điện gió và thủy điện. Bằng cách tận dụng thế mạnh tương ứng và thúc đẩy hợp tác, Ấn Độ và Việt Nam có thể đạt được những bước tiến đáng kể trong quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Cùng nhau, hai nước có thể góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời giải quyết nhu cầu cấp thiết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Đối với lĩnh vực du lịch: Hai nước đều sở hữu những thế mạnh riêng và cũng đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch quan trọng tại các địa phương của nhau, thể hiện nỗ lực, quyết tâm và chủ động kết nối, thúc đẩy hợp tác song phương giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch của hai nước. Bên cạnh đó, hai bên cũng không ngừng phát triển các hình thức du lịch độc đáo, phù hợp với nhu cầu thị hiếu du khách của nhau.
Đối với lĩnh vực kết nối: Kết nối hàng không giữa Ấn Độ và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch giữa hai nước. Kể từ khi khai trương đường bay thẳng đầu tiên kết nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với New Delhi vào năm 2019, các chuyến bay kết nối hai nước đã tăng lên nhanh chóng. Hiện có tới 70 chuyến bay thẳng mỗi tuần kết nối Ấn Độ và Việt Nam do các hãng hàng không của Ấn Độ (Indigo, Air India) và Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air) khai thác, cho thấy nhu cầu đi lại, du lịch giữa hai nước không ngừng tăng lên.
Những chuyến bay trực tiếp này đã tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho hoạt động đi lại của khách du lịch, doanh nhân và cá nhân muốn khám phá các cơ hội kinh doanh, các điểm tham quan văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của cả hai đất nước. Có nhiều chuyến bay thẳng mỗi tuần giúp du khách linh hoạt hơn trong việc lên kế hoạch cho chuyến đi, cũng như tăng cường giao lưu nhân dân thường xuyên hơn giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cũng là yếu tố góp phần tăng cường giao lưu nhân dân giữa Ấn Độ và Việt Nam./.
Ngọc Thúy
Nguồn: baotintuc.vn