(TTĐN) - Chuyến thăm chính thức sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Singapore được đánh giá là diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, khi Việt Nam đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và Singapore đang “tạo thêm giá trị bằng cách phát huy thế mạnh của mình” thông qua chiến lược hợp tác đầu tư.
|
Đại sứ Mai Phước Dũng trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore. (Ảnh: TTXVN)
|
Cả Việt Nam và Singapore đều coi trọng “thượng tôn pháp luật”, chính vì vậy, sự hợp tác giữa quốc hội hai nước tạo động lực rất lớn cho triển vọng hợp tác đầu tư song phương trong một số lĩnh vực trọng điểm.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong bài phát biểu mới đây tại Chương trình thuyết giảng thường niên của Edwin L. Godkin tại Trường Chính phủ John F. Kennedy của Đại học Harvard, ông Lý Hiển Long, Bộ trưởng cấp cao, nguyên Thủ tướng Singapore nhấn mạnh tới tính “thượng tôn pháp luật” và xây dựng nền tư pháp độc lập và công bằng.
Ông cho biết các chính sách ở Singapore được quy định thành luật nếu có thể để chính phủ có thể hoạt động minh bạch, hợp lý và có thể dự đoán được ở mọi cấp độ. Singapore quyết liệt giữ cho hệ thống không có tham nhũng và thực hiện các quy tắc để “tách” đồng tiền ra khỏi phạm trù chính trị, đồng thời tránh để các đảng phái chính trị và các nhà lãnh đạo phải “chịu ơn” các nhà tài trợ chính trị và các nhà vận động hành lang.
Những động thái quan trọng này ngay từ đầu trong hành trình xây dựng đất nước đã giúp Singapore xây dựng các thể chế và cơ quan nhà nước hiệu lực và hiệu quả nhằm cung cấp các dịch vụ công chất lượng cao, đồng thời duy trì gánh nặng thuế ở mức thấp. Theo thời gian, Singapore đã củng cố các chuẩn mực hành vi và kỳ vọng trong xã hội để chính phủ và các nhà lãnh đạo thực hiện, đảm bảo hiệu quả các nội dung về kinh tế, gắn kết xã hội, xây dựng quốc gia, thiết lập chính sách đối ngoại.
Tháng 5/2022, Việt Nam và Singapore ký Thỏa thuận Hợp tác giữa hai quốc hội. Từ đó đến nay, lãnh đạo hai nước luôn nhấn mạnh và thực hiện việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hợp tác trong hai lĩnh vực mang tính toàn cầu về kinh tế số và xã hội số. Việt Nam cũng đẩy mạnh việc chia sẻ học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề rất quan trọng như thị trường carbon, huy động tài chính xanh, thuế tối thiểu toàn cầu. Hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ.
Chia sẻ với về những lĩnh vực hợp tác có thể đẩy mạnh giữa Việt Nam và Singapore với sự hỗ trợ của ngoại giao nghị viện thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết trong các năm 2022 và 2023, nhân chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước, hai bên đã ký một loạt thỏa thuận trong các lĩnh vực hợp tác mới.
Đầu tiên là hợp tác đối tác số, tiếp theo là đối tác xanh và phát triển trong lĩnh vực hợp tác về năng lượng tái tạo, cũng như là về tín chỉ carbon. Qua chuyến thăm lần này, lãnh đạo nghị viện hai nước sẽ tìm ra các biện pháp tháo gỡ về mặt pháp lý để giúp cho các hợp tác này thực chất hơn, đi vào hiệu quả hơn và góp phần để các doanh nghiệp Singapore đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và có thể nữa là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Singapore.
Cùng với đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Chính phủ hai bên tiếp tục mở rộng mô hình các Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), đồng thời chuyển đổi theo hướng xanh-sạch-thông minh và tiến tới phát triển hệ sinh thái công nghiệp - đô thị, thảo luận phương hướng mở rộng hợp tác trong lĩnh năng lượng sạch, các dự án phát triển điện gió, xây dựng lưới điện ASEAN, bán dẫn…
Các nhà lãnh đạo Singapore cho biết rất quan tâm phát triển năng lượng tái tạo, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cũng như thảo luận những dự án hợp tác tiềm năng trong lĩnh vực này để có thể xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Singapore. Đặc biệt, tín dụng carbon là lĩnh vực hai bên có thể hợp tác, nhất là khi hai nước đều có mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhận định về tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Singapore, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sản xuất tiên tiến, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu - chia sẻ: “Việt Nam và Singapore nếu kết nối sẽ trở thành một thể kinh tế khá thống nhất trong thu hút đầu tư quốc tế, đặc biệt những ngành công nghệ cao như là năng lượng mới, bán dẫn và sinh học. Rõ ràng là Việt Nam có khả năng tiến rất nhanh trong việc hiện đại hóa nền kinh tế. Và đặc biệt là những vấn đề công nghệ số cũng rất quan trọng”.
Hợp tác về công nghệ sản xuất tiên tiến, về đổi mới sáng tạo cũng là điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam-Singapore, với điển hình là hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Việt Nam và Trung tâm Công nghệ và tái sản xuất tiên tiến (ARTC) của Singapore. ARTC và Viện Công nghệ chế tạo Singapore (SIMTech) là các đơn vị trực thuộc của Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (ASTAR) của Singapore. Mô hình hoạt động của các trung tâm này được xem là có thể phát huy hiệu quả nếu được xây dựng ở Việt Nam, có thể hỗ trợ sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Chris Leck, Giám đốc Quan hệ đối tác của ASTAR, cho biết: “Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á. Hơn nữa, Việt Nam và Singapore cũng là đối tác có quan hệ chặt chẽ. Do đó chúng tôi rất muốn thúc đẩy hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam trong nhiều nhiều lĩnh vực”.
Triển vọng hợp tác đầu tư luôn rộng mở và luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Singapore. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thể hiện sự toàn diện trong quan hệ ngoại giao Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nghị viện, bên cạnh đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho nấc thang mới trong mối quan hệ Việt Nam - Singapore thời gian tới./.
Đỗ Vân - Tất Đạt - Lê Dương
Nguồn: baotintuc.vn