Thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa các doanh nghiệp Pháp - Việt Nam
Lãnh sự danh dự Nguyễn Công Tốt và Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn chủ trì Diễn đàn

Lãnh sự danh dự Nguyễn Công Tốt và Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn chủ trì Diễn đàn

Tham dự sự kiện, phía Việt Nam có ông Vũ Anh Sơn, trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Công Tốt, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Marseille, cùng Đoàn doanh nghiệp thuộc “Liên minh Tài chính Doanh nhân Việt Nam” (VFA) tham gia trực tuyến ở điểm cầu Việt Nam. Về phía Pháp có ông Federic Ronal, Phó Chủ tịch CCI vùng Aix - Marseille Provence, cùng nhiều lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp địa phương tới tham dự.

Chia sẻ những ý kiến của mình, phía VFA bày tỏ mong muốn hợp tác với các đối tác Pháp trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, hướng tới hợp tác lâu dài và bền vững. VFA đang làm việc và cân nhắc các dự án cụ thể các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, làm ăn tại Pháp trong thời gian tới. VFA khẳng định sẽ sớm tổ chức đoàn công tác doanh nghiệp Việt Nam sang Pháp để làm việc trực tiếp trong thời gian sớm nhất.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Vũ Anh Sơn, trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết Diễn đàn kinh tế tại CCI vùng Aix - Marseilles Provence là một trong chuỗi hoạt động mà Thương vụ Việt Nam tại Pháp phối hợp tổ chức với các đối tác trên toàn nước Pháp. Mục đích của buổi gặp là nhằm tạo cơ hội kết nối trực tiếp để các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam có thể gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề cụ thể, tiềm năng và những khó khăn vướng mắc trong hợp tác, cả với doanh nghiệp Việt Nam đến Pháp và doanh nghiệp Pháp tới Việt Nam.

Trong năm 2024, Bộ Công thương đã tổ chức một đoàn doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam và một đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Pháp. Theo ông Vũ Anh Sơn, qua những cuộc hội thảo như này, các doanh nghiệp Pháp sẽ có đầy đủ thông tin, nắm được thị trường và sự hiểu biết về các doanh nghiệp đối tác ở Việt Nam, đồng thời chuẩn bị tốt hơn nữa cho chuyến công tác sắp tới của đoàn doanh nghiệp Pháp vào năm 2025.

Đông đảo lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp vùng Aix Marseille Provence tới tham dự Diễn đàn

Đông đảo lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp vùng Aix Marseille Provence tới tham dự Diễn đàn

Ông Vũ Anh Sơn cho rằng thành phố cảng Marseille nói riêng và vùng Aix - Marseille Provence nói chung là khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh với đa dạng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động trao đổi thương mại quốc tế. Hàng hóa Việt Nam có điều kiện tiếp cận với thị trường Pháp và châu Âu thông qua cửa ngõ là cảng Marseille. Vì vậy cần tận dụng tốt cơ hội để xây dựng lòng tin và quan hệ bền vững với các đối tác tại khu vực này.

Về phần mình, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Pháp Nguyễn Công Tốt cho biết diễn đàn là một dịp để các doanh nghiệp Pháp tìm kiếm đối tác hợp tác ở Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực từ công nghiệp, thương mại, giáo dục đến văn hóa. Mục tiêu trước mắt là phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pháp tổ chức một chuyến thăm, có thể là vào tháng 6/2025, cho một đoàn doanh nghiệp của vùng Aix - Marseilles Provence đến Việt Nam để gặp và thiết lập các mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi cho cả hai nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tốt nhận định để xây dựng mối quan hệ đối tác với Việt Nam cần tạo ra “cân bằng” cho tất cả các bên. Nhiều dự án hợp tác sáng tạo đang được đề cập và trao đổi tích cực. Ví dụ như đề án về “Hub thương mại cân bằng”, mà các doanh nghiệp từ hai phía sẽ được điều phối để giữ được cán cân thương mại xuất nhập khẩu tương ứng qua hàng năm.

Ông Federic Ronal, Phó Chủ tịch CCI chia sẻ với phóng viên TTXVN về mong muốn của Pháp là khai thác thị trường Việt Nam để làm bàn đạp phát triển cho các doanh nghiệp Pháp. Không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ trẻ và năng động với hơn 100 triệu dân của Việt Nam, mà còn mở ra cánh cửa tới thị trường châu Á rộng lớn. Ông nhấn mạnh 2 lý do mà Pháp muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Pháp cần có một cầu nối để thâm nhập vào thị trường châu Á. Hiện Pháp đã có Nhật Bản là một đối tác làm cầu nối nhưng như vậy vẫn chưa đủ và Pháp cần thêm những cầu nối mới, nơi mà Pháp có quan hệ mật thiết và các doanh nghiệp Pháp có thể hoạt động thuận lợi, từ đó mở rộng ra khu vực châu Á. Pháp muốn đến với Việt Nam vì hai nước đã có một mối quan hệ lịch sử rất gần gũi và các doanh nghiệp Pháp nhận thấy những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của họ ở Việt Nam.

Thứ hai, cán cân trao đổi thương mại giữa hai bên đang mất cân đối. Pháp hiện nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ Việt Nam như quần áo, giày dép, thực phẩm,… trong khi hàng hóa Pháp tới Việt Nam còn ít. Do đó, phía Pháp muốn thông qua diễn đàn này để tìm kiếm cơ hội trao đổi quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm tạo sự cân bằng trong trao đổi thương mại giữa hai nước.

Ông Romain Birot, lãnh đạo trường La Cadenelle tại Marseille cho biết, tháng 5/2023, ông đã tham gia cùng đoàn doanh nghiệp Pháp do Lãnh sự danh dự Nguyễn Công Tốt dẫn đầu tới thăm và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, gặp gỡ một số đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, hai bên đã thảo luận, trao đổi về khả năng đào tạo cấp “Bằng song song” về lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch và cả lĩnh vực thương mại quốc tế. Pháp hiện có 2 cơ sở đào tạo đã thiết lập quan hệ hợp tác, trong đó có chuyên ngành kế toán và quản lý. Ông Romain Birot đánh giá việc hợp tác giữa hai nước có vị trí địa lý cách xa nhau là không hề dễ dàng. Thông qua ngôn ngữ chung là tiếng Anh, hai bên đã có điều kiện thuận lợi hơn trong liên hệ, kết nối với nhau.

Diễn đàn kinh tế Marseille là hoạt động trong chuỗi các sự kiện được xây dựng để trao đổi về những vấn đề cụ thể trong hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, tạo động lực cho sự hợp tác phát triển, giúp cân bằng cán cân thương mại và nâng tầm quan hệ Pháp-Việt lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất