|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Brazil. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị, cộng đồng người Việt Nam tại Brazil không đông, với khoảng 300 người, nhưng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, học tập, thực hiện tốt pháp luật sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc và luôn hướng về quê hương, đất nước.
Tại buổi gặp mặt, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Brazil đã bày tỏ biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với cuộc sống của bà con, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu đóng góp, hướng về quê hương đất nước và vun đắp cho quan hệ hai nước; tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai tươi sáng của đất nước, sẵn sàng góp sức thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xúc động trước tình cảm chân thành, ấm áp của bà con, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển tới bà con lời thăm hỏi, chức mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Thông tin về tình hình trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau thời gian dài kháng chiến, khắc phục hậu quả chiến tranh và khó khăn do cấm vận, Việt Nam đã hình thành con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, với 3 trụ cột chính: nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và xuyên suốt quá trình đó không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm về đường lối đối ngoại, phát triển kinh tế, chính sách quốc phòng 4 không, phát triển văn hóa, chính sách an sinh xã hội, xây dựng Đảng; đồng thời thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế pháp luật, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, quy mô GDP của Việt Nam đã tăng từ khoảng 4 tỷ USD lên khoảng 470 tỷ USD trong năm nay, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.600 USD; từ chỗ cả nước đa số là người nghèo, đến nay chỉ còn khoảng hơn 1% người nghèo theo chuẩn đa chiều.
|
Phu nhân Thủ tướng Chính phủ Lê Thị Bích Trân và đại biểu đại diện các bộ, ngành tham dự buổi gặp. (Ảnh: TTXVN)
|
Việt Nam thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, với ký 17 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam hiện cũng có quan hệ với 193 nước trên thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, tăng trưởng nhiều nền kinh tế và đầu tư toàn cầu suy giảm, tăng trưởng kinh tế và đầu tư của Việt Nam vẫn phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP những năm qua gần gấp đôi trung bình thế giới và cao hơn lạm phát. GDP năm 2024 ước tăng khoảng 7%; thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 35 - 40 tỷ USD. Ngoài ra, bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phù, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong những thập kỷ tới, Việt Namphải đạt mức tăng trưởng hai con số mỗi năm, với tầm nhìn và sự phát triển đột phá.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung cho những dự án lớn mang tính biểu tượng, “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm…; đồng thời nhấn mạnh đến đổi mới để bứt phá, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên.
Nhắc lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt chân tới Brazil trên đường đi tìm đường cứu nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam và Brazil tuy ở cách xa nhau nhưng người dân hai nước có nhiều đặc tính tương đồng như sự chân tình, lòng mến khách, thắm tình hữu nghị và cởi mở; hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện; nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương. Brazil hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, chỉ sau Hoa Kỳ. Trong 10 tháng năm 2024, thương mại hai chiều đã đạt 6,58 tỷ USD. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030. Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng, giáo dục đào tạo, lao động giữa hai nước có những tiến triển tốt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn bà con phát huy tinh thần đoàn kết, lập thân, lập nghiệp; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; thực hiện tốt pháp luật và hoà nhập cuộc sống sở tại; luôn hướng về quê hương đất nước; mỗi người là một đại sứ, là cầu nối, vun đắp quan hệ Việt Nam - Brazil.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Brazil. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo Thủ tướng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, có vai trò và đóng góp quan trọng đối với phát triển đất nước và quan hệ giữa Việt Nam với các nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cần chăm lo gắn kết, phát triển cộng đồng lớn mạnh; hỗ trợ, giải quyết các đề nghị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con; đặc biệt giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con nhất là lúc khó khăn, lúc “tắt lửa tối đèn”, với trách nhiệm và bằng tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Cùng với làm tốt công tác cộng đồng, coi bà con như người thân của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Brazil nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thoả thuận cấp cao để quan hệ Việt Nam - Brazil ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững.
Phạm Tiếp
Nguồn: baotintuc.vn