(TTĐN) - Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng đánh giá cao sứ mệnh ngoại giao khoa học công nghệ quy mô toàn cầu của IIASA và kết quả hợp tác với Việt Nam.
 |
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng và Giáo sư Hans Joachim Schellnhuber, Tổng giám đốc IIASA.
|
Ngày 14/2, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng đã đến thăm và làm việc với Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA) nhân dịp được bổ nhiệm làm Đại sứ và Trưởng Đại diện của Việt Nam tại các Tổ chức quốc tế ở Áo.
Giáo sư Hans Joachim Schellnhuber, Tổng giám đốc IIASA cùng các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực vật lý lượng tử, công nghệ sinh học, nhân khẩu học, kinh tế, môi trường và năng lượng đã đón tiếp Đại sứ và giới thiệu về tổ chức này.
Tổng giám đốc Schellnhuber cũng là thành viên của Hội đồng giám khảo giải thưởng VinFuture của Việt Nam từ năm 2024.
IIASA có trụ sở tại Áo được thành lập từ năm 1972 với sứ mệnh ngoại giao khoa học công nghệ giúp xây dựng lòng tin giữa các nước lớn thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tổ chức này tiếp tục phát triển sau Chiến tranh lạnh với quy mô hợp tác mở rộng toàn cầu theo tinh thần của Tuyên bố Vienna về ngoại giao khoa học.
IIASA được coi như một tổ chức Liên hợp quốc về nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên phân tích hệ thống và mô hình hoá giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, cung cấp dữ liệu và thông tin khoa học để hỗ trợ các nước ra quyết định chính sách trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và tài nguyên, kinh tế và phát triển bền vững, già hóa dân số và y tế.
Việt Nam là một trong 19 nước thành viên của IIASA, trong đó có các cường quốc khoa học công nghệ như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Áo.
Hiện tổ chức này có hơn 500 nhà nghiên cứu đến từ 57 quốc gia, quan hệ đối tác với 159 cơ quan nghiên cứu ở 91 quốc gia, xuất bản 727 bài báo và tạp chí quốc tế.
 |
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng làm việc với Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA).
|
Tại cuộc làm việc, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng đánh giá cao sứ mệnh ngoại giao khoa học công nghệ quy mô toàn cầu của IIASA, vừa kết nối, quy tụ mạng lưới các nhà khoa học uy tín quốc tế hàng đầu nghiên cứu giải pháp cho các vấn đề toàn cầu đang nổi lên gay gắt, vừa là cầu nối hữu nghị, xây dựng lòng tin, đóng góp thiết thực cho hòa bình, hợp tác, phát triển của các nước trên thế giới.
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Việt Nam (cơ quan đầu mối là Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) và IIASA từ khi gia nhập năm 2013, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ chuyên gia khoa học công nghệ của Việt Nam.
Đại sứ nêu bật tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thức hóa khát vọng trong kỷ nguyên mới đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao năm 2045. Những trọng tâm nghiên cứu thế mạnh của IIASA là rất phù hợp với ưu tiên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
Tổng giám đốc Schellnhuber bày tỏ vinh dự được mời thăm Việt Nam tháng 12/2024 làm giám khảo cho giải thưởng VinFuture danh giá, đồng thời cũng ấn tượng với những bước tiến mạnh mẽ, năng động về kinh tế - xã hội của Việt Nam.
IIASA đã thực hiện 262 dự án có liên quan đến Việt Nam, tiêu biểu như dự án về quản lý ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, dự án về đánh giá tác động kinh tế, môi trường, nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Schellnhuber đánh giá cao tầm nhìn đột phá về khoa học công nghệ của Lãnh đạo Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả thực chất hơn nữa quan hệ hợp tác giữa IIASA và Việt Nam, giúp kết nối, huy động nguồn lực, công nghệ và tri thức cho sự phát triển của nền khoa học công nghệ Việt Nam, phối hợp đào tạo chuyên gia, nghiên cứu chung, xuất bản chung, tìm giải pháp khoa học hiệu quả cho các thách thức về biến đổi khí hậu, quản lý môi trường và tài nguyên ở Việt Nam.
Chu An
Nguồn: baoquocte.vn