Đơm hoa kết trái cho quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Riyadh Daily mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng đưa ra cái nhìn tổng quan về quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia.

Thời gian qua, những nỗ lực chiến lược của Việt Nam và Saudi Arabia đã thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới, thể hiện bằng sự gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động. Quốc gia Trung Đông Saudi Arabia giàu tài nguyên và quốc gia Đông Nam Á Việt Nam đã củng cố và vun đắp quan hệ ngày càng phát triển nhờ tìm thấy lợi ích chung trong một số lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế.

Bước tiến trong nhiều lĩnh vực

Đại sứ Đặng Xuân Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vượt qua 6,5% mỗi năm, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Cụ thể, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã tăng hơn 95 lần, từ 4,5 tỷ USD vào năm 1986 lên 430 tỷ USD vào năm 2023, đứng thứ 35 trên thế giới.

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 4%/năm, giảm so với mức tăng vọt 3 con số vào đầu thời kỳ đổi mới”, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 681 tỷ USD vào năm 2023.

Đáng chú ý, Việt Nam đã có thặng dư thương mại trong 8 năm liên tiếp và nằm trong top 20 quốc gia về kim ngạch thương mại. Từ một quốc gia thiếu lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với hơn 8,1 triệu tấn gạo được xuất khẩu vào năm 2023, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Về đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hơn 39,4 tỷ USD vào năm 2023 và 23,2 tỷ USD đã giải ngân, lọt vào top 20 quốc gia đầu tư FDI hàng đầu thế giới.

Về quan hệ quốc tế, từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận trong 30 năm, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác toàn diện với 30 quốc gia.

Đề cập đến mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Saudi Arabia, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết: “Sau 25 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1999, Saudi Arabia đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia đã có những bước phát triển đáng kể về ngoại giao, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân”.

Lãnh đạo thành phố Riyadh đón Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC và thăm Saudi Arabia tháng 10/2023. (Nguồn: TTXVN)

Lãnh đạo thành phố Riyadh đón Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC và thăm Saudi Arabia tháng 10/2023. (Nguồn: TTXVN)

Theo đó, chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 10/2023, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng thân Faisal Bin Farhan Al Saud vào tháng 3/2022 và Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao tại Riyadh vào tháng 2/2023, đã giúp củng cố hơn nữa quan hệ song phương.

Bên cạnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Du lịch Saudi Arabia Ahmed bin Aqil Al-Khateeb vào tháng 8/2023 và Chương trình hành động trong lĩnh vực du lịch được ký vào tháng 10/2023 đã mở ra những cơ hội mới cho sự hợp tác văn hóa giữa hai nước.

Trong lĩnh vực thương mại, hợp tác song phương đã phát triển qua nhiều năm, với kim ngạch thương mại hai chiều vượt 2,7 tỷ USD vào năm 2023. Tính đến tháng 8/2024, kim ngạch thương mại hai chiều ước tính là 1,94 tỷ USD, tăng nhẹ 6,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Saudi Arabia bao gồm các sản phẩm nông nghiệp như hải sản, hạt điều, gạo, cà phê, hạt tiêu, mì, gia vị, bánh kẹo, dệt may, giày dép, máy móc, đồ nội thất, phụ tùng ô tô, điện thoại và thiết bị điện tử.

Tiềm năng du lịch và giao lưu nhân dân

Trả lời câu hỏi về hợp tác trong lĩnh vực du lịch, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, định vị Việt Nam là “Điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu tại Đông Nam Á” và củng cố thương hiệu du lịch và khả năng cạnh tranh của đất nước.

Chiến lược này xác định các nước GCC là một thị trường du lịch tiềm năng. “Chất lượng dịch vụ, nguồn cung cấp thực phẩm và các sản phẩm Halal ở đất nước chúng tôi đang được cải thiện từng ngày, phù hợp với thói quen, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch Hồi giáo, bao gồm cả khách du lịch từ các nước GCC”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết.

Để đạt được mục tiêu này, Đại sứ Đặng Xuân Dũng đề cập đến quy trình cấp thị thực đơn giản cho người nước ngoài. Theo đó, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả công dân Saudi Arabia và GCC, với thời gian lưu trú lên đến 90 ngày, cho phép nhập cảnh một lần và nhiều lần.

“Tôi cũng muốn cập nhật với các bạn rằng trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 8,832 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19”, Đại sứ lưu ý.

Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết Việt Nam có kế hoạch tổ chức một loạt các sự kiện Ngày Việt Nam tại Saudi Arabia vào cuối năm nay trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Saudi Arabia là đối tác thân thiết của Việt Nam và chính phủ Saudi Arabia, thông qua Quỹ Phát triển Saudi Arabia (SFD) từ năm 2011, đã cung cấp các khoản viện trợ và vốn vay phát triển trị giá 179 triệu USD cho 13 dự án tại Việt Nam kể từ năm 2011. Trong đại dịch Covid-19, Saudi Arabia cũng chia sẻ với Việt Nam bằng cách cung cấp viện trợ y tế trị giá 500.000 USD thông qua Trung tâm cứu trợ và nhân đạo Quốc vương Salman.

Trong lĩnh vực hợp tác nhân lực, hai nước đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn. Hiện có hơn 6.000 lao động Việt Nam tại Saudi Arabia trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, kỹ thuật, khách sạn và nội trợ. Hơn nữa, Việt Nam và Saudi Arabia đang làm việc để thông qua một thỏa thuận hợp tác lao động mới dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần. Thỏa thuận lao động này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.

“Việc thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư Saudi Arabia hợp tác với Việt Nam và tạo cơ hội để người dân Saudi Arabia tìm hiểu thêm về đất nước hình chữ S luôn là thách thức lớn nhất đối với tôi, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng mối quan hệ của chúng ta có tiềm năng to lớn để phát triển toàn diện hơn nữa, phục vụ tốt hơn lợi ích chung của chính phủ và nhân dân hai nước trong thời gian tới", Đại sứ Đặng Xuân Dũng bày tỏ kỳ vọng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất