Đối thoại thường niên lần thứ ba về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm một năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, tại New York hồi tháng Chín vừa qua. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm một năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, tại New York hồi tháng Chín vừa qua. (Ảnh: TTXVN)

Trong hai ngày 11-12/10 (theo giờ Hà Nội), Viện Hòa bình Mỹ (USIP) đã tổ chức Đối thoại thường niên lần thứ ba với chủ đề “Di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đối thoại diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hướng tới kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2025 và đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/9 nhân dịp tham dự các hoạt động của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York.

Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu gồm lãnh đạo USIP, đại diện của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USAID), giới nghiên cứu, các nhóm vận động chính sách, tổ chức phi chính phủ, đại diện ngoại giao của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Đoàn Việt Nam tham dự có đại diện của Học viện Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam (VMFSA), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Nội dung đối thoại năm nay tập trung vào hai chủ đề chính là đánh giá một năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Mỹ và công bố báo cáo của USIP về hòa giải Việt-Mỹ.

Ngoài ra, trong khuôn khổ đối thoại còn diễn ra các cuộc tọa đàm với các chủ đề: Hợp tác khu vực giữa Việt Nam, Lào và Campuchia với Mỹ; Sáng kiến kiểm đếm người thiệt mạng, mất tích trong chiến tranh Việt Nam; Ngoại giao và giao lưu nhân dân; Hỗ trợ người tàn tật và sống sót tại Việt Nam, Lào và Campuchia; Hợp tác trưng bày di sản chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; Tiến triển trong rà phá bom mìn và phục hồi môi trường; Người Mỹ gốc Việt và di sản chiến tranh; Tội phạm xuyên quốc gia, buôn người và lừa đảo trên mạng ở Đông Nam Á.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh sự hợp tác rất hiệu quả giữa hai nước không chỉ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, mà còn sự hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực kể từ khi nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đại sứ cảm ơn phía Mỹ đã chia sẻ những tài liệu giúp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đều nhấn mạnh năm 2025 không chỉ hướng tới kỷ niệm 30 năm hai nước bình thường hóa quan hệ, mà còn kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam nên những kết quả đạt được rất đáng tự hào.

Tác giả cuốn sách về Chiến tranh và Hòa bình tháng 10 năm 1967 David Maraniss phát biểu tại Diễn đàn “Chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam: 50 năm nhìn lại,” diễn ra mới đây ở Burlington. (Ảnh: TTXVN)

Tác giả cuốn sách về Chiến tranh và Hòa bình tháng 10 năm 1967 David Maraniss phát biểu tại Diễn đàn “Chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam: 50 năm nhìn lại,” diễn ra mới đây ở Burlington. (Ảnh: TTXVN)

Thượng nghị sỹ Chris Van Hollen thuộc đảng Dân chủ, thành viên Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, cho biết Ủy ban đã thông qua dự luật cung cấp 73 triệu USD giúp rà phá bom mìn tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ông khẳng định cam kết cùng với các đồng nghiệp trong Quốc hội Mỹ nỗ lực trợ giúp các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam như rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam và trẻ em khuyết tật, tìm kiếm quân nhân của cả hai bên bị mất tích trong chiến tranh..., không chỉ giúp chữa lành các vết thương trong quá khứ mà còn hợp tác với các đối tác Việt Nam để đối mặt với các thách thức chung ở hiện tại và trong tương lai.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Jed Royal cho biết hợp tác quốc phòng và các lợi ích an ninh chung giữa Mỹ với Việt Nam đã và đang gia tăng ngày càng sâu sắc hơn.

Một phần quan trọng của hợp tác quốc phòng là tiếp tục giải quyết hậu quả của Chiến tranh Việt Nam, bao gồm việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến đấu, cả quân nhân Mỹ và bộ đội Việt Nam, cũng như tẩy dioxin và tháo dỡ vật liệu chưa nổ, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về mối nguy hiểm của bom mìn sót lại.

Đến nay, khoảng 700.000 quả bom, mìn chưa nổ đã được loại bỏ, Việt Nam đã giúp xác định danh tính 700 lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh và hỗ trợ hồi hương hài cốt.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự đối thoại và năm nay, đoàn Việt Nam có số lượng đông đảo, tham gia nhiều phiên thảo luận hơn.

So với hội thảo năm ngoái do USIP tổ chức, hội thảo năm nay thu hút được sự quan tâm nhiều hơn, trong số khách mời có các nghị sỹ, đại diện của các bang, cả đại sứ Mỹ và Việt Nam, các giới, các tổ chức… cho thấy mức độ quan tâm của hai bên rất cao.

Hai bên đã có những hiểu biết rõ hơn về những vấn đề còn tồn tại, đều thấy cần phải có những nỗ lực chung trong vấn đề hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn "Chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam: 50 năm nhìn lại” hồi đầu tháng này ở Burlington. (Ảnh: TTXVN)

Hội thảo năm nay tạo không khí lạc quan, tạo đà cho việc thúc đẩy quan hệ song phương và hai bên cũng đặt ra nhiều kỳ vọng hơn trong năm tới.

Đánh giá về báo cáo của USIP về hòa giải Việt-Mỹ, Tiến sỹ Phạm Lan Dung nhận định đây là một trong những báo cáo mang tính tổng hợp và sâu nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu có cách tiếp cận bao gồm phần cơ bản về lý thuyết lẫn thực tiễn, dựa trên phỏng vấn rất nhiều cá nhân từ cả hai phía, đại diện của hai chính phủ, từ đó đem đến một cái nhìn khá cân bằng, xuyên suốt trong lịch sử, giúp hiểu rõ hơn những nỗ lực phi thường của cả hai bên, từ chỗ là kẻ thù trong chiến tranh đến hiểu nhau hơn, xây dựng lòng tin, bình thường hóa và nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Nghiên cứu này là một tài liệu rất tốt phục vụ cho lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu về hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời trở thành mô hình cho những bên liên quan trong các cuộc xung đột trên thế giới nói chung có thể học tập kinh nghiệm.

Theo Tiến sỹ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại USIP, đồng tác giả của báo cáo về hòa giải Việt-Mỹ, năm tới sẽ có rất nhiều sự kiện giữa hai nước như kỷ niệm 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, 30 năm bình thường hóa quan hệ, USIP dự kiến mở triển lãm về quan hệ Việt-Mỹ từ tháng 4-7/2025, nhấn mạnh các thành tựu đạt được trong khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam...

Ngoài ra, USIP cũng tổ chức các hội thảo, nói chuyện chuyên đề về quan hệ Việt-Mỹ, thu hút sự chú ý của công chúng và báo chí Mỹ vì đây là cơ hội lớn nhất để quảng bá những tiến triển của quan hệ Việt-Mỹ, đặc biệt là việc triển khai những cam kết cụ thể sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất