Đại sứ Phạm Trường Giang: Điểm đến đầu tiên tại Đông Nam Á đầy ý nghĩa của Bộ trưởng Ngoại giao Chile
Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren (thứ tư từ trái) cùng Đại sứ Phạm Trường Giang (ngoài cùng bên trái) và Đại sứ các nước Đông Nam Á tại sự kiện giao lưu ẩm thực cao cấp, tháng 8/2023. (Nguồn: ĐSQ VN tại Chile)

Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren (thứ tư từ trái) cùng Đại sứ Phạm Trường Giang (ngoài cùng bên trái) và Đại sứ các nước Đông Nam Á tại sự kiện giao lưu ẩm thực cao cấp, tháng 8/2023. (Nguồn: ĐSQ VN tại Chile)

Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chile Alberto Van Klaveren đang thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 25-27/8) theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Chile Phạm Trường Giang đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm, cũng như tiềm năng và dư địa hợp tác song phương Việt Nam-Chile.

Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren đối với quan hệ Đối tác  toàn diện Việt Nam-Chile?

Quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Chile ngày càng được phát triển và mở rộng theo năm tháng. Trong các cuộc điện đàm, gặp gỡ trao đổi giữa Lãnh đạo cấp cao hai bên cũng như phát biểu của lãnh đạo chính phủ, quốc hội, chính đảng Chile khi tiếp các đoàn Việt Nam sang thăm, phía Chile luôn khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.

Theo đó, việc Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 25-27/8 là một điểm nhấn có ý nghĩa trong quan hệ giữa hai nước.

Về thời điểm, đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Chile kể từ năm 2018, khi Bộ trưởng Roberto Ampuero thăm Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tại Hà Nội, vào tháng 9/2018.

Đây cũng là điểm đến thứ hai tại châu Á và là điểm dừng chân đầu tiên tại Đông Nam Á của Bộ trưởng van Klaveren kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 3/2023. Điều này thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong chính sách của Chile đối với khu vực cũng như uy tín của Việt Nam đối với các nước Mỹ Latinh nói chung.

Về chính trị - ngoại giao, đây là thời điểm phù hợp để hai bên trao đổi về nỗ lực tổ chức các chuyến thăm cấp cao trong thời gian tới. Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên làm rõ quan điểm của nhau về các vấn đề khu vực và thế giới mà hai bên quan tâm, nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương.

Về kinh tế - thương mại, đây là cơ hội tốt để hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại, đặc biệt là các quyết sách nhằm mở rộng thị trường của nhau đồng thời thúc đẩy hợp tác trong thương mại điện tử, ứng dụng chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh.

Về hợp tác đa phương, Việt Nam và Chile sẽ thúc đẩy phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như APEC, RCEP, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón và tiến hành hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto Van Klaveren, ngày 25/8. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón và tiến hành hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto Van Klaveren, ngày 25/8. (Ảnh: Tuấn Anh)

Kể từ thiết lập quan hệ Đối tác  toàn diện vào năm 2007, quan hệ Việt Nam-Chile đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đại sứ hãy nêu những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ song phương thời gian qua?

Kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào tháng 5/2007 trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới Chile, quan hệ truyền thống, hữu nghị Việt Nam-Chile liên tục có những bước tiến toàn diện, thực chất, với nhiều cột mốc đáng nhớ. Hai bên thường xuyên trao đổi chuyến thăm ở các cấp và qua các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nổi bật trong số đó có các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (9/2009), các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (6/2012), Nguyễn Thị Kim Ngân (7/2014) và Trần Quang Phương (9/2023), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (7/2018), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (7/2016), Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (10/2022).

Về phía Chile có Tổng thống Michelle Bachelet (11/2017) và cố Tổng thống Sebastián Piñera (3/2012), các cựu Tổng thống Eduardo Frei (7/2016) và Michelle Bachelet (3/2023) và Chủ tịch Thượng viện Guido Girardi Lavín (3/2012).

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan ngoại giao (25/3/1971-25/3/2021), dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy khó khăn, song Việt Nam và Chile đã cùng nỗ lực tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa đầy ý nghĩa.

Tháng 10/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã phối hợp với chính quyền quận Recoleta tại Santiago cùng Viện Văn hóa hữu nghị Chile-Việt Nam và Hội nghệ sĩ tạo hình Chile tổ chức trưng bày hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quan hệ Việt Nam-Chile qua chặng đường 50 năm quan hệ, cùng các tác phẩm tại cuộc thi vẽ tranh “Việt Nam-Chile: Tình hữu nghị 50 năm”.

Tháng 12/2021, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Chile.

Một điểm nhấn khác là sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa Việt Nam và Chile tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), hay trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chile đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC 2006, công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (2007).

Việt Nam ủng hộ Chile vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2010 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2015; hai bên ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Thống đốc vùng Los Rios Luis Cuvertino tiếp Đại sứ Phạm Trường Giang, tháng 8/2024. (Nguồn: ĐSQ VN tại Chile)

Thống đốc vùng Los Rios Luis Cuvertino tiếp Đại sứ Phạm Trường Giang, tháng 8/2024. (Nguồn: ĐSQ VN tại Chile)

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Chile tại châu Á. Đại sứ có thể đánh giá tiềm năng và dự địa hợp tác kinh tế - thương mại song phương trong bối cảnh hiện nay?

Dù tổng thể kim ngạch thương mại Việt Nam-Chile chưa đạt ngưỡng một số đối tác khác của Việt Nam tại khu vực, song cả Việt Nam lẫn Chile đều nhận thức rất rõ tiềm năng thương mại của nhau.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Chile đi vào hiệu lực từ năm 2014, kim ngạch thương mại Việt Nam-Chile liên tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2022 đánh dấu kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 2,2 tỷ USD, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm kể từ năm 2018. Tuy kim ngạch song phương trong 2023 chịu ảnh hưởng đáng kể từ những thách thức của kinh tế  toàn cầu, song kim ngạch 6 tháng đầu năm nay đã phần nào khởi sắc trở lại khi đạt hơn 843 triệu USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ 2023.

Hiện Chile là một trong bốn đối tác thương mại đạt kim ngạch tỷ USD của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Chile trong khối ASEAN.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Chile có tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có tiềm tăng trở cửa ngõ cho hàng hóa Chile vào thị trường ASEAN, còn thị trường Chile mang lại nhiều cơ hội cho hàng tiêu dùng Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ Latinh.

Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực tại Chile từ tháng 2/2023, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Chile lên một tầm cao mới. Việc CPTPP có hiệu lực giúp mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ Chile vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - một thế mạnh của ngành năng lượng Chile (điện gió, điện mặt trời chiếm 40% tổng sản lượng điện toàn hệ thống).

Đoàn công tác tỉnh Bình Dương, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile cùng lãnh đạo quận Cerro Navia và các đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ khánh thành công trình tôn tạo Công viên Hồ Chí Minh, tháng 5/2024. (Nguồn: ĐSQ VN tại Chile)

Đoàn công tác tỉnh Bình Dương, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile cùng lãnh đạo quận Cerro Navia và các đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ khánh thành công trình tôn tạo Công viên Hồ Chí Minh, tháng 5/2024. (Nguồn: ĐSQ VN tại Chile)

Yếu tố văn hóa và con người có ý nghĩa gì đối với tình hữu nghị Việt Nam-Chile? Thời gian qua, hai nước đã có những hoạt động gì nhằm trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân ngày càng gắn bó, thưa Đại sứ?

Quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Chile liên tục phát triển do được đặt nền móng vững chắc đầu tiên bởi tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Chile Salvadore Allende. Nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Chile luôn khâm phục và ngưỡng mộ sự quả cảm, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước kia cũng như công cuộc đổi mới với nhiều thành tựu nổi bật và kinh tế - xã hội trong suốt mấy thập kỷ qua.

Trong nhiều dịp tiếp các đoàn lãnh đạo các cấp của Việt Nam sang thăm Chile, Chủ tịch Đảng Cộng sản Chile Lautaro Carmona Soto đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã và đang đạt được, cho rằng “Chile và Mỹ Latinh nên tham khảo, học tập mô hình phát triển với tầm nhìn xa, rộng và độc đáo của Việt Nam”.

Nhờ có di sản lớn lao đó mà giao lưu văn hóa và nhân dân luôn đóng vai trò then chốt, góp phần đưa nhân dân Việt Nam và Chile xích lại gần nhau hơn. Hai bên đã có nhiều hoạt động như tổ chức Tọa đàm bàn tròn về nghệ thuật đương đại Việt Nam-Chile tại Hà Nội, triển lãm ảnh “Việt Nam ngày nay và quan hệ Việt Nam-Chile”, triển lãm ảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Chile…

Đặc biệt, minh chứng rõ nét nhất cho sự gần gũi giữa hai nước chính là Công viên Hồ Chí Minh tại quận Cerro Navia thuộc thủ đô Santiago của Chile. Trong suốt những năm qua, kể cả trong thời gian xảy ra các cuộc biểu tình bạo động tại Chile năm 2019, chính quyền và nhân dân Quận đã gìn giữ Công viên sạch sẽ, nguyên vện, không bị xâm phạm hay phá hoại.

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 vừa qua, công trình tôn tạo công viên đã hoàn thành với tài trợ của tỉnh Bình Dương. Bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên không chỉ giúp lưu truyền, lan tỏa di sản hình ảnh vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới của dân tộc Việt Nam, mà còn là địa danh giúp những người con đất Việt đang làm việc, sinh sống tại quốc gia được ví là “Nơi tận cùng của thế giới” cảm thấy luôn có dự hiện diện của một phần Tổ quốc trong trái tim.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất