|
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
|
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8.
Dự kiến chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm tới Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam lần này là tỉnh Quảng Đông.
Nhân dịp này, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về điểm đến đặc biệt này, cũng như những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Đông.
Xin Tổng Lãnh sự cho biết ý nghĩa của sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và chọn tỉnh Quảng Đông làm điểm dừng chân đầu tiên?
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này diễn ra ngay sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Đây là chuyến thăm nước ngoài cấp Nhà nước đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta tới Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước được củng cố và phát triển hơn bao giờ hết, đặc biệt là hai bên đã nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc tháng 10/2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tập Cận Bình tháng 12/2023 đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác sâu sắc, toàn diện và thực chất giữa các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân và doanh nghiệp hai nước.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc một lần nữa khẳng định phát triển quan hệ ổn định, bền vững, lâu dài, không ngừng củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hợp tác với Trung Quốc luôn là chủ trương nhất quán, lựa chón chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.
Chặng dừng chân đầu tiên của Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước tới tỉnh Quảng Đông thể hiện tình cảm và sự coi trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông, một tỉnh không chỉ gần gũi về mặt địa lý mà còn có lịch sử gắn bó sâu sắc với Việt nam.
Cách đây đúng tròn 100 năm (1924-2024), thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Lý Thụy, trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản trong phái bộ của cố vấn Borodin, bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn, chọn làm điểm dừng chân, một địa bàn hoạt động, một “căn cứ địa quốc tế” của Cách mạng Việt Nam.
Đây cũng chính là nơi nhiều bậc tiền bối cách mạng Việt Nam từng sinh sống và hoạt động cách mạng, là nơi có những di tích lịch sử cách mạng như nhà lưu niệm Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, mộ anh hùng liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Đây cũng chính là nơi tờ Báo Thanh Niên, cơ quan Ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên phát hành số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, sau này được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Do đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ là nguồn động viên lớn lao để thúc đẩy quan hệ giữa tỉnh Quảng Đông với Việt Nam, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác toàn diện, thực chất, hiệu quả và cùng thắng trên tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, theo phương châm “16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt” giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương biên giới và doanh nghiệp hai nước.
Tổng Lãnh sự có thể chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Đông và quan hệ của địa phương với Việt Nam?
Quảng Đông nằm ở phía Nam Trung Quốc, là địa phương có vị trí quan trọng với diện tích 179,800 km2, dân số khoảng 130 triệu người, có đường biển dài khoảng 4000 km. Liên tục trong nhiều năm liền, Quảng Đông đứng đầu Trung Quốc về tổng sản phẩm quốc nội (GDP năm 2023 đạt 1911 tỷ USD) so với các đơn vị cấp tỉnh khác, dự kiến trong năm nay đạt mức tăng trưởng 5%.
Quảng Đông gồm 21 thành phố trong đó Quảng Châu và Thâm Quyến là những thành phố (cấp phó tỉnh) trung tâm của Vùng vịnh lớn, có nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất Trung Quốc.
Tỉnh Quảng Đông là địa phương thực hiện cải cách mở cửa với bên ngoài sớm nhất Trung Quốc, có đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu được xây dựng và phát triển thành công. Tỉnh này đang thực thi chiến lược của Trung Quốc phát triển khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macao, đồng thời có nhiều tiềm năng từ các khu thương mại tự do Hoành Cầm – Tiền Hải – Nam Sa.
Tỉnh này sẽ đi đầu Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược phát triển chất lượng cao với trọng tâm là phát triển ngành chế tạo và là một trong những trung tâm chế biến, chế tạo hàng dệt may, đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng, cơ điện, điện tử, viễn thông, hàng tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc.
Quảng Đông và Việt Nam có quan hệ thân thiết, chặt chẽ, gắn bó toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại. Tỉnh có khối lượng trao đổi thương mại lớn nhất với Việt Nam trong số các địa phương của Trung Quốc, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Năm 2023, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Quảng Đông đạt 48,24 tỷ USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 22,89 tỷ USD, tăng 6,66% so với cùng kỳ và nhập khẩu 24,35 tỷ USD, giảm 1,85% so với cùng kỳ.
Đầu tư của doanh nghiệp Quảng Đông vào Việt Nam cũng ngày càng tăng. Trong thời gian qua, trung bình mỗi năm doanh nghiệp địa phương đầu tư trên 500 triệu USD vào Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Huwei, Byd, Mindray…
Giữa Việt Nam và Quảng Đông có cơ chế Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác song phương (được thiết lập năm 2009) và họp định kỳ hàng năm do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Phó Tỉnh trưởng Quảng Đông đồng chủ trì với một trong những nội dung trong tâm là hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư. Đây hiện là cơ chế hiệu quả để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông.
Quảng Đông là tỉnh có nhiều thành phố kết nghĩa với các địa phương của Việt Nam như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ… Đồng thời, tỉnh cũng là điểm đến xúc tiến đầu tư thương mại của nhiều địa phương Việt Nam.
Có thể lạc quan khẳng định rằng, về tổng thể quan hệ Việt Nam-Quảng Đông còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác.
Xin cảm ơn Tổng Lãnh sự!
Thu Trang
Nguồn: baoquocte.vn