Xây dựng chính sách phù hợp để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển
Ông Võ Ngọc Tùng (bên trái) mong muốn Nhà nước hỗ trợ tiền dầu cho tàu đánh bắt xa bờ theo quý để kịp thời động viên ngư dân. (Ảnh: Bích Nguyên)

Ông Võ Ngọc Tùng (bên trái) mong muốn Nhà nước hỗ trợ tiền dầu cho tàu đánh bắt xa bờ theo quý để kịp thời động viên ngư dân. (Ảnh: Bích Nguyên)

Chìm nổi theo sóng biển

Tàu vừa cập cảng Hòn Rớ, thuyền trưởng Đồng Xuân Tùng rổn rảng nói chuyện: “Chuyến này, tàu tui bắt được 9 tấn cá, chủ yếu là cá sọc dưa, cờ giòn, cam, thu đen. Cá sọc dưa hiện có giá 26.000 đồng/kg, còn thu đen khoảng 70.000 đồng/kg. Tổng thu của chuyến này được khoảng 200 triệu đồng".

Anh Đồng Xuân Tùng là ngư dân phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, năm nay 38 tuổi nhưng đã có 24 năm làm bạn với sóng gió biển khơi. Anh hiện là thuyền trưởng tàu QNg 94884 TS, công suất 520CV thường xuyên cập cảng Hòn Rớ để tiêu thụ hải sản đánh bắt được. Tàu của anh Tùng làm nghề lưới rê bay. Ngư trường chủ yếu ở quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). “Tết xong là chúng tôi đi biển khai thác từ vùng biển Đà Nẵng tới Cà Mau, nhưng chủ yếu vẫn là ở vùng biển, đảo Song Tử Tây. Mùa biển thường kéo dài đến tháng 10, 11. Mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi kéo dài khoảng 20 ngày. Ở đây, chúng tôi có bạn hàng quen, mình điện trước nên tàu vào bến là bạn hàng đã chờ sẵn để cân hàng” - Anh Tùng kể chuyện.

Chia sẻ về nghề biển, anh Tùng bảo: “Từ đầu năm đến nay, tôi đi được 8 chuyến biển. Sản lượng cá có chuyến nhiều, chuyến ít nhưng nói chung là có lãi. Mấy năm trước, được giá, thu nhập của ngư dân có ổn hơn năm nay. Nhìn cả lại mấy chục năm gắn bó với nghề biển, dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng nói chung là nghề mang lại thu nhập đủ để vợ chồng tôi nuôi con ăn học, có đồng ra, đồng vào”.

Ngồi vá lưới trên cảng, ông Nguyễn Ngọc Văn, trú tại phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, làm nghề lưới rút thở dài nói như than với chính mình: “Năm nay biển chán!”. Ông Văn làm nghề lưới rút, đánh ở vùng lộng. “Mỗi chuyến tôi đi 3 ngày, tiền dầu hết 7 triệu đồng rồi. Các chi phí khác cộng vào nữa là khoảng 10 triệu đồng phí tổn một chuyến. Hiện, cá sọc dưa giá khoảng 40.000 đồng/kg. Nếu mỗi chuyến đánh được 1 tấn cá sọc dưa thì tạm ổn. Chuyến nào thu hoạch 500kg cá thì không đủ tiền dầu”. Gương mặt ông Văn trở lên vui vẻ khi nhắc lại những chuyến ra khơi khi trở về, cá đầy khoang thuyền: “Có những chuyến tàu tôi bắt được 3 tấn cá. Thu hoạch được như thế, cả mình và bạn thuyền đều mừng”. Rồi ông bộc bạch: “Tôi cũng muốn làm nghề đánh bắt xa bờ nhưng không có vốn nên đành chịu”.

Ông Võ Ngọc Tùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang trò chuyện với chúng tôi ngay trên cầu cảng, trong khi chỉ đạo thợ thuyền sửa chữa tàu. Ông Tùng là chủ tàu KH 97179 TS, công suất 820CV, làm nghề lưới cản ở khu vực quần đảo Trường Sa. “Tàu tôi có 12 lao động. Mỗi chuyến đi biển của tàu tôi kéo dài khoảng 25 ngày. Năm 2023, làm ăn được, tôi thu được khoảng 1 tỷ thì sửa chữa, tu bổ tàu mất 500 triệu đồng. Năm nay làm ăn không có mấy vì nguồn lợi thủy sản ít hơn, ghe nào cũng khó khăn. Tôi đi 3 chuyến, lỗ mất 30-40 triệu đồng" - ông Tùng trầm giọng kể.

Ông Tùng cho biết, Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng hiện có 34 tàu, công suất từ 300CV đến 800CV. “Bà con lập thành các tổ tàu thuyền tự quản, cùng nhau bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển, đảo. Bà con cũng kịp thời giúp đỡ nhau mỗi khi có hoạn nạn, sự cố trên biển" - ông Tùng nói.

Mong chính sách sát với thực tế hơn

Trong câu chuyện của mình, các ngư dân còn hay nhắc đến vấn đề thời sự hiện nay là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ngư dân Đồng Xuân Tùng quả quyết: “Tôi đồng tình với việc chống khai thác IUU để bảo đảm nghề biển bền vững. Tôi không bao giờ vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản. Ngay từ năm 2019, thực hiện chủ trương của Nhà nước, tôi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu. Thiết bị VMS có cái hay là thông tin hiện đại, có máy liên lạc đường dài, có thể điện về nhà khi cần, hoặc có thể báo vào bờ nếu gặp sự cố cần hỗ trợ. Ở trong bờ có thể biết tàu đang ở vị trí nào trên biển”.

Không khí lên cá diễn ra nhộn nhịp ở cảng cá Hòn Rớ. (Ảnh: Bích Nguyên)

Không khí lên cá diễn ra nhộn nhịp ở cảng cá Hòn Rớ. (Ảnh: Bích Nguyên)

Tuy nhiên, anh Tùng cũng nêu lên một thực tế mà ngư dân hay gặp phải liên quan đến sự cố mất tín hiệu VMS: “Nhà cung cấp dịch vụ thực hiện lắp thiết bị VMS trên tàu và chúng tôi có trả tiền thuê bao hàng tháng nhưng rất hay bị sự cố mất kết nối. Điều này dẫn tới chủ tàu là chúng tôi có thể bị phạt rất nặng, nếu không chứng minh được đó là lỗi khách quan”.

 
“Mong ước lớn nhất của ngư dân chúng tôi bây giờ là muốn khai thác hải sản bền vững, đầu ra ổn định, ít khâu trung gian, không phải rơi vào cảnh được mùa, mất giá” - anh Đồng Xuân Tùng chia sẻ.

Cũng theo anh Tùng, năm nay, nghề biển khó khăn hơn vì chính sách chưa sát với ngư dân, mà cụ thể là quy định về khai thác cá ngừ vằn, ngư dân thường gọi là cá sọc dưa, cá dưa gang. Theo quy định, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500mm. Ý nghĩa của quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, nhưng thực tế, cá ngừ có kích cỡ như vậy chỉ chiếm số lượng ít trong một mẻ lưới. Điều đó gây khó cho ngư dân. Một thực tế nữa là nghề khai thác hải sản phải làm theo ngư trường, theo luồng cá. Một năm có hai mùa, cá Nam và cá Bắc.

“Cá Nam đến mùa di cư, có khi chúng di chuyển vào vùng lộng, chúng tôi chạy theo luồng cá, nhưng chỉ đứng nhìn vì không được phép đi vào vùng lộng khai thác. Điều này là chưa phù hợp với thực tiễn, vì lưới dùng cho nghề của tôi là lưới thưa, không đánh bắt được cá nhỏ, chỉ bắt cá lớn nên không ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản của vùng lộng. Do đó, Nhà nước chỉ nên quy định cấm khai thác trong vùng lộng đối với nghề lưới kéo (nghề giã cào), lưới đèn" - anh Tùng nêu vấn đề.

Có chung ý kiến về vùng khai thác, ông Võ Ngọc Tùng cho rằng, hầu hết ngư dân luôn tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, thực tế là có những luồng cá ở ngoài khơi, theo mùa, chúng di cư vào vùng lộng, nếu ngư dân theo luồng cá vào vùng lộng đánh bắt thì sẽ bị phạt, còn nếu không vào thì tàu sẽ về không và cầm chắc chuyến biển đó lỗ. Ông Tùng cho biết thêm, nhằm giúp người dân yên tâm bám biển, hiện, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền dầu cho tàu đánh bắt xa bờ. “Hiện nay, việc hỗ trợ này được thực hiện theo năm, tức là cứ qua năm mới chi tiền hỗ trợ. Tôi cho rằng, làm như thế là không hợp lý. Chúng tôi mong được hỗ trợ theo quý để kịp thời bù đắp chi phí cho những chuyến biển không có kết quả như ý” - ông Tùng đề xuất./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất