(TTĐN) - Chiều 6/9, các địa phương gấp rút thực hiện công tác kiểm tra, lên phương án trực 24/24 giờ, nhằm chủ động bảo đảm an toàn cho người dân, công trình, tài sản trước diễn biến phức tạp của bão số 3.
|
Đoàn công tác kiểm tra việc ứng phó với bão số 3 tại khu neo đậu tàu thuyền huyện Thái Thụy. (Ảnh: TTXVN)
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra ứng phó bão số 3 tại Thái Bình
Chiều 6/9, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại tỉnh Thái Bình.
Kiểm tra tại công trình xây dựng Nhà máy Goodway Việt Nam, trạm bơm Mai Diêm (Khu công nghiệp Liên Hà Thái) và Khu neo đậu tàu thuyền thuộc huyện Thái Thụy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận, đánh giá cao các biện pháp chủ động, quyết liệt của địa phương trong công tác ứng phó với bão số 3; đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo ứng phó bão số 3 tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 và Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng lưu ý chủ đầu tư phải bằng nhiều biện pháp bảo đảm an toàn công trình, tài sản và an toàn cho công nhân, người lao động; khẳng định, đây là cơn bão rất lớn, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, do vậy chính quyền địa phương cần tích cực thông tin tuyên truyền, kịp thời cập nhật diễn biến của cơn bão đến người dân, doanh nghiệp, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là; chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn hệ thống đê điều cũng như công tác thủy lợi tiêu thoát nước, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra. Tỉnh Thái Bình khẩn trương hoàn thành việc kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn; di chuyển người dân từ các chòi canh bãi nuôi thủy sản, bãi bồi ven sông, ven biển, vùng úng trũng, người dân sinh sống trong khu vực nhà yếu... đến nơi an toàn.
Thái Bình có 995 tàu thuyền với gần 3.000 lao động làm ăn trên biển; trong đó phần lớn tàu thuyền hiện đã neo đậu tại các bến trong tỉnh. Toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh, coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển. Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thái Bình có 74.327 ha diện tích lúa mùa đã gieo cấy, trong đó khoảng 26.000 ha diện tích lúa đã trổ bông, khoảng 5.000 ha diện tích cây màu Hè Thu đã thu hoạch (đạt 58% diện tích đã trồng)…
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành 1 công điện khẩn; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 3 công điện hỏa tốc, yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống bão với phương châm không chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, vật tư, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Tỉnh Thái Bình yêu cầu trước 18 giờ ngày 6/9, các địa phương phải di dời các hộ dân sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Từ 5 giờ ngày 6/9, tỉnh Thái Bình cũng đã thực hiện lệnh cấm biển.
Hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú bão
Ngày 6/9, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm kiểm tra tình hình neo đậu của tàu thuyền ở Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Gianh, huyện Bố Trạch. (Ảnh: TTXVN phát)
|
Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão tại Trạm Kiểm soát Biên phòng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh, Hải Đội 2 và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Gianh (huyện Bố Trạch).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng thường xuyên giữ liên lạc với tàu cá đang trên đường vào nơi tránh trú bão, hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền tại bến an toàn; tuyệt đối không được chủ quan, không được tranh thủ đánh bắt thủy sản trong điều kiện mưa bão diễn biến phức tạp. Các lực lượng bố trí túc trực 24/24 giờ và thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy, nổ khi neo đậu.
Kiểm tra tình hình thực hiện Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động theo dõi tình hình thời tiết và mức độ ảnh hưởng của bão, thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ an toàn nhằm hạn chế thiệt hại đối với các hạng mục đang thi công; sau khi thời tiết thuận lợi, cần đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Đến 13 giờ ngày 6/9, tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi 7.259 tàu cá vào nơi tránh trú bão an toàn, hiện còn 54 tàu cá với 361 lao động đang trên đường vào nơi tránh trú bão an toàn. Các tàu này đều đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thường xuyên liên lạc để hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú bão.
|
Tàu thuyền đang neo đậu tránh bão số 3 tại Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Gianh, huyện Bố Trạch. (Ảnh: TTXVN phát)
|
Để ứng phó bão số 3, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Các đồn Biên phòng Roòn, Nhật Lệ, Cửa khẩu Cảng Gianh tổ chức bắn 36 phát pháo hiệu báo bão theo quy định.
Học sinh nghỉ học để tránh bão
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 3, ngày 6/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào ngày thứ Bảy 7/9, không tổ chức các hoạt động trong hai ngày 7, 8/9.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trưởng Phòng giáo dục đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy 7/9, không tổ chức các hoạt động vào ngày 7, 8/9.
Sở Giáo dục vào Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc thực hiện kế hoạch triển khai ứng phó với cơn bão số 3, đề phòng thiệt hại do mưa to, gió lớn và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trường học trong mùa mưa bão. Các cơ sở giáo dục tổ chức ứng trực 24/24 giờ, giữ liên hệ thường xuyên với cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, theo phân cấp quản lý, báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Sở khi có tình huống bất thường xảy ra./.
Phóng viên TTXVN các địa phương
Nguồn: baotintuc.vn