|
Huyện Diễn Châu (Nghệ An) hiện có hơn 550 phương tiện tàu, thuyền có chiều dài từ 6m trở lên chuyên khai thác hải sản. (Ảnh: TTXVN)
|
Chung tay cùng cả nước trong thời gian cao điểm triển khai khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU và Luật Thủy sản năm 2017, Nghệ An đã và đang tăng cường giải pháp nhằm nâng hiệu quả khắc phục các khuyến nghị.
Tích cực vào cuộc
Diễn Châu có 25km đường bờ biển với 8 xã ven biển, bãi ngang. Hiện toàn huyện có hơn 550 phương tiện tàu, thuyền khai thác hải sản, tập trung ở các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Thành… Lực lượng lao động trực tiếp tham gia khai thác hải sản là gần 900 người và gần 3.000 lao động nghề chế biến hải sản và hậu cần nghề cá. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc chống khai thác IUU, chủ các phương tiện tàu, thuyền đã chấp hành tốt các quy định này.
Là chủ của 2 tàu có tổng công suất hơn 1.000C, ngư dân Vũ Sơn Hải (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) cho biết: Mỗi khi xuất bến, ngư dân đều làm thủ tục đầy đủ ở Trạm kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An). Các đoàn viên trong các tổ khai thác của Nghiệp đoàn nghề cá cũng tuyên truyền, nhắc nhở nhau phải thực hiện, tuân thủ, chấp hành các nội dung tại Luật Thủy sản 2017, mang theo đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên... Đặc biệt, phải có thiết bị giám sát hành trình và thiết bị hoạt động liên tục 24/24 sau khi rời bến.
Ngư dân Trần Văn Tâm (xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) chủ tàu NA-90724-TS chia sẻ, thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, ngư dân đã thực hiện nghiêm quy định để không vi phạm về khai thác bất hợp pháp. Trong đó, các tàu, thuyền phải trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; chấp hành nghiêm việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, không khai thác trái phép ở quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích thông tin: Xã có hơn có hơn 150 phương tiện tàu, thuyền có công suất 90CV/chiếc. Đồng hành cùng ngư dân trong việc chống khai thác IUU, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, giúp ngư dân hiểu, nắm rõ các quy định về Luật Thủy sản, Luật Biển Việt Nam, khai thác đúng lãnh hải, chống khai thác bất hợp pháp trên biển. Qua nhiều đợt tuyên truyền tại các cuộc họp, hoặc trực tiếp phổ biến tại bến bãi, khu neo đậu tàu thuyền đã giúp ngư dân nắm chắc và thực hiện nghiêm các quy định.
Là lực lượng quản lý, kiểm tra các phương tiện tàu thuyền ra, vào cửa Lạch Vạn, Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, kiểm soát góp phần giúp ngư dân thay đổi nhận thức, hành động để tuân thủ các quy định IUU.
Thiếu tá Nguyễn Cảnh Sĩ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Diễn Thành, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: Cùng với tuyên truyền lưu động, trực tiếp tại các khu neo đậu trong cảng cá... đơn vị còn chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ra, vào, khai thác hải sản trên biển; kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ thủ tục giấy tờ theo quy định; kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển. Đơn vị thường xuyên cập nhật kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý theo quy định. Những năm gần đây, ngư dân là chủ các phương tiện tàu thuyền trên địa bàn đã chấp hành tốt các quy định về phòng chống IUU.
Hiện, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang triển khai 4 tổ công tác với 15 cán bộ ở các đơn vị tăng cường tại các đồn biên phòng tuyến biển, duy trì 1 tổ công tác của Bộ Chỉ huy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện chống khai thác IUU. Từ tháng 1-7/2024, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tổ chức tuần tra, kiểm soát được gần 300 đợt với hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; đăng ký, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến được gần 29.600 lượt phương tiện với hơn 148.400 lượt lao động ra, vào cửa sông, cửa lạch đúng quy định. Đơn vị phối hợp với Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Ban Quản lý cảng cá tuyên truyền, phổ biến phần mềm quản lý thông tin đánh bắt (CDT VN) và các văn bản hướng dẫn sử dụng cho ngư dân quản lý, hiểu được ý nghĩa, hiệu quả khi sử dụng phần mềm trong việc xuất, nhập lạch và khai báo nguồn gốc thủy, hải sản…
Xử lý nghiêm vi phạm
|
Tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) trên đường cập bến tại cảng cá Lạch Vạn. (Ảnh: TTXVN)
|
Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 6636/UBND-NN yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng tàu cá và đảm bảo 100% đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy, hải sản phải được sơn đánh dấu tàu cá, kẻ số đăng ký theo đúng quy định. Tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với tàu cá đang hoạt động; cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Tỉnh chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp với chính quyền địa phương và các đồn Biên phòng tuyến biển triển khai các bước để đăng ký đối với nhóm tàu cá “3 không” theo đúng quy định, hoàn thành trước ngày 30/9/2024, đồng thời tăng cường tuần tra liên ngành quản lý hoạt động tàu cá trên biển. Các đoàn kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại cảng cá, tổ liên ngành và các đơn vị có liên quan cùng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chi cục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách để siết chặt quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề cho ngư dân, đảm bảo chống khai thác IUU và phát triển bền vững...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động ngư dân không đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; chỉ đạo các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và khi hoạt động trên biển. Đồng thời đăng ký, kiểm chứng, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện xuất, nhập cửa lạch; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Đơn vị điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền 100% các trường hợp vi phạm khai thác IUU, trọng tâm là tàu cá gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác, tàu vận chuyển VMS của tàu cá khác; tàu cá ngắt kết nối VMS; xác minh, làm rõ phương thức tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, vi phạm vùng biển nước ngoài để có phương án ngăn chặn hiệu quả.
Công an tỉnh tăng cường nắm bắt tình hình, điều tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; các hành vi liên quan tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình tàu cá; gian dối, hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản để xuất khẩu. Đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, đấu tranh và xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm liên quan đến khai thác IUU tại các cảng cá, bến cá của tư nhân…
Nghệ An có 4 cảng cá lớn, trong đó có 3 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Hiện toàn tỉnh có gần 3.400 phương tiện tàu, thuyền khai thác thủy sản, trong đó số phương tiện có chiều dài từ 6m trở lên là gần 2.500 tàu thuyền, tập trung chủ yếu ở thị xã Hoàng Mai (gần 980 phương tiện), huyện Quỳnh Lưu (gần 570 phương tiện), huyện Diễn Châu (hơn 550 phương tiện), thị xã Cửa Lò (hơn 210 chiếc)… Tổng số tàu thuyền đã cấp phép đang còn hạn là hơn 2.150 phương tiện (đạt hơn 89%).
Hải An
Nguồn: baotintuc.vn