|
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra việc vận hành của Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu)
|
Để góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản, các địa phương này đang tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, nâng cao hiệu quả khai thác; đồng thời tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề khai thác IUU trên phạm vi rộng hơn.
Tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc
Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 1.451 tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép. Công tác giám sát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn hạn chế. Từ đầu năm đến nay mới chỉ giám sát được 28.332 tấn/156.430 tấn sản hản bốc dỡ qua cảng, đạt 18,1% tổng sản lượng khai thác. Việc cấp xác nhận, chứng nhận nguồn gốc qua hệ thống eCDT còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa thực hiện được thủ tục cấp giấy SC, giấy CC qua hệ thống eCDT (Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử).
Nguyên nhân chủ yếu là do chủ tàu cá, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác không đúng quy định, không chi tiết đến loài, vi phạm vùng khai thác, hoạt động không đúng nghề theo giấy phép, không cập cảng chỉ định để bốc dỡ sản phẩm, hệ thống phần mềm chưa hỗ trợ khai báo tàu bán sản phẩm qua tàu dịch vụ, doanh nghiệp mua sản phẩm qua nậu vựa,...
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, nhiệm vụ trọng tâm đến ngày 30/9 là địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung cao điểm hoàn thành việc triển khai đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá "3 không". Đồng thời, tăng cường giám sát sản lượng thủy sản khai thác, thống kê tàu cá ra vào cảng cá, đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT; tiếp tục cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa sông, cửa biển, cảng cá, bến tạm, bãi ngang…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để sớm sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, nạo vét khơi thông luồng lạch, đảm bảo vệ sinh môi trường các cảng cá.
Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận cũng còn 1.122 tàu cá hiện chưa được cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản; trong đó, 973 tàu cá chưa thực hiện cấp lại và 149 tàu chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trong số tàu chưa cấp phép lại có 36 tàu từ 15 m trở lên, hiện đang nằm bờ không tham gia khai thác và một số đang bị ngân hàng đấu giá để thu hồi vốn vay.
Ngoài ra, qua rà soát của các địa phương, hiện có 403 tàu cá được xác định không còn hoạt động, không còn tồn tại tại địa phương (hầu hết thuộc nhóm dưới 12 mét), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện quy trình xóa đăng ký theo quy định để xóa các tàu cá này khỏi sổ bộ đăng ký tàu cá Quốc gia.
Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đẩy nhanh tiến độ cấp đăng ký cho tàu cá, Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp địa phương tổ chức làm việc trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép (gồm cả tàu "3 không") và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định mất kết nối VMS, xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm; khẩn trương triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT).
Chung tay phối hợp chống khai thác IUU
|
Lữ đoàn 681 (Vùng 2 Hải quân) tặng cờ Tổ quốc và tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU trước khi xuất bến. (Ảnh: Hồng Hiếu)
|
Với hơn 600 km đường bờ biển chung và là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tăng cường phối hợp để quản lý đội tàu cá đông đảo và chống khai thác bất hợp pháp IUU, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững nghề cá.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh triển khai Kế hoạch hành động tháng cao điểm thực hiện khắc phục hoàn thành triệt để các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU, thành lập các Đoàn thanh tra kiểm tra trực tiếp các địa phương, các cảng cá; chuẩn bị kỹ nội dung, kịch bản đón tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5 đảm bảo chủ động, linh hoạt, chu đáo và hiệu quả cao nhất là góp phần chung tay cùng cả nước gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh, thành phố ven biển và các lực lượng chức năng, chấp pháp trên biển để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt trên biển, hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh và tàu cá của địa phương khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, các lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi thông tin, điều tra, xử lý tàu cá mất kết nối quá 06 giờ và trên 10 ngày trên biển, tàu vi phạm khai thác IUU, tàu cá vượt ranh giới trên biển trái phép, lập hồ sơ xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm. Nếu đủ dấu hiệu vi phạm hình sự, tiến hành khởi tố để tạo sự răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Đối với Ninh Thuận, địa phương đã chủ động xây dựng mạng lưới phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, các tỉnh lân cận Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh, thành ven biển phía Nam thực hiện các biện pháp theo dõi, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá của tỉnh này xuất, nhập bến trên địa bàn tỉnh kia và hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp trên các vùng biển, nhất là vùng giáp ranh với nước ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Phấn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận thông tin: "Hàng năm, đơn vị cử các kỹ sư khai thác hải sản đi cùng ngư dân ra các ngư trường khai thác thuộc vùng biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau... Các kỹ sư đi cùng sẽ hỗ trợ ngư dân kỹ thuật khai thác, phổ biến quy định pháp luật khai thác trên biển đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản và không xâm phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài".
Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững
|
Sơ chế cá tại cảng cá Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) trước khi đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Thành)
|
Hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ tập trung chống khai thác IUU, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận đang nỗ lực chuyển đổi ngành thủy sản theo hướng bền vững và đa dạng. Bằng cách sắp xếp lại nghề cá, ưu tiên phát triển các nghề thân thiện với môi trường, xây dựng các mô hình kinh tế mới và tăng cường quản lý nguồn lợi thủy sản để đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường biển.
Tại Bình Thuận, hàng nghìn ngư dân đã dần thích nghi với những thay đổi mới trong nghề cá bằng việc tham gia thực hiện "Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo kế hoạch, ngành thủy sản tỉnh sẽ giảm mạnh phương tiện khai thác thủy sản vùng ven bờ, góp phần giải quyết bài toán chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng trên biển mang tính bền vững hơn.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết, Bình Thuận đang đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng mô hình đồng quản lý, khuyến khích ngư dân tham gia những mô hình hay trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; triển khai các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái… Đây là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày bị cạn kiệt bởi khai thác quá mức như hiện nay.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng Đề án phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, tổ chức sắp xếp, thực hiện tốt phương án phát triển ngành thủy sản theo định hướng Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi nghề cho tàu cá, tiếp tục phát triển các mô hình nuôi thủy sản trên biển, ven biển theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, phát triển bền vững đi đôi với công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Triển khai kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận cũng đang đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đội tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
|
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương và các loại cá biển trong lồng bè của ngư dân tại khu vực biển Đầm Nại (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành)
|
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận tập trung chuyển đổi các nghề ven bờ, vùng lộng sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển về nghề nuôi biển. Đối với nhóm tàu cá vùng khơi đang hoạt động sẽ hạn chế phát triển nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ, cho phép chủ tàu hoạt động kiêm nghề ít xâm hại môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản để chủ tàu có đủ thời gian và kinh phí tiếp cận với nghề chuyển đổi mới.
Tỉnh Ninh Thuận cũng xây dựng mô hình chợ đầu mối hải sản gắn với cảng cá; xây dựng liên kết chuỗi khai thác-thu mua-bảo quản-tiêu thụ hải sản; dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.
Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản hiệu quả, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá; tuyên truyền để nâng cao ý thức của ngư dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, tăng cường hoạt động nuôi biển, đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy hoạch các khu bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản... Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, các Bộ, ngành Trung ương cũng cần có các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp ngư dân, người lao động chuyển đổi nghề nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho cộng đồng ngư dân ven biển trong thời gian tới./.
Hoàng Nhị - Hồng Hiếu - Nguyễn Thành
Nguồn: baotintuc.vn