Thành quả xây dựng khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc hữu nghị, hợp tác và phát triển
Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang (Việt Nam) phối hợp với Đồn Công an biên giới Đổng Cán; Phân trạm Mã Lâm (Trung Quốc) tuần tra liên hợp từ mốc 411 đến mốc 413, thuộc địa bàn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Tiến Thắng)

Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang (Việt Nam) phối hợp với Đồn Công an biên giới Đổng Cán; Phân trạm Mã Lâm (Trung Quốc) tuần tra liên hợp từ mốc 411 đến mốc 413, thuộc địa bàn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Tiến Thắng)

Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc đã nối lại đàm phán về biên giới lãnh thổ. Kết quả là Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 30/12/1999. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2008, hai bên triển khai công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Kết quả, hai bên đã phân giới toàn tuyến biên giới dài 1.449,566km, cắm 1.971 cột mốc, bao gồm 1 cột mốc ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, 1.548 cột mốc chính và 442 cột mốc phụ. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Ngày 18/11/2009, Chính phủ hai nước đã ký ba văn kiện pháp lý (gồm Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc) để ghi nhận toàn bộ thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên thực địa, xác lập các quy định pháp lý để phối hợp thực hiện hiệu quả và thông suốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, quản lý, phát triển cửa khẩu giữa hai nước.

Việc Việt Nam - Trung Quốc hoàn thành phân giới cắm mốc trên thực địa và ký kết ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền, kết thúc 36 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước là sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, pháp lý và ngoại giao. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam - Trung Quốc có một đường biên giới trên đất liền được xác lập và đánh dấu rõ ràng trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới hiện đại; công tác phối hợp giữa hai bên trong quản lý, bảo vệ biên giới được triển khai một cách hiệu quả và khoa học trên cơ sở hệ thống văn kiện pháp lý cơ bản hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế. Ba văn kiện pháp lý đã mô tả chi tiết toàn bộ đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và vị trí các mốc giới; quy định về chế độ quản lý đường biên giới, nguyên tắc, biện pháp cụ thể trong giải quyết từng vấn đề liên quan đến biên giới trên đất liền giữa hai nước; quy định về quy trình, thủ tục mở các cửa khẩu mới và qua lại biên giới...

Việc ký kết ba văn kiện pháp lý về biên giới đã tạo ra khung pháp lý để hai nước Việt Nam - Trung Quốc thực hiện mở, nâng cấp các cửa khẩu, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, giao thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương biên giới cũng như cả nước. Từ năm 2009 đến nay, hai bên đã nâng cấp hai cửa khẩu: Thanh Thủy - Thiên Bảo, Trà Lĩnh - Long Bang từ cửa khẩu song phương lên cửa khẩu quốc tế; mở mới 5 cửa khẩu song phương: Hoành Mô - Động Trung, Chi Ma - Ái Điểm, Sóc Giang - Bình Mãng, Xín Mần - Đô Long, Săm Pun - Điền Bồng; mở 8 đường chuyên dụng lối thông quan vận chuyển hàng hóa và 2 lối mở: Km3+4 Móng Cái - Bến Biên mậu Đông Hưng, khu vực mốc 834/1 Bản Giốc - Đức Thiên.

Nội dung ba văn kiện pháp lý về biên giới cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tăng cường quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, tạo ra diện mạo mới ở khu vực biên giới, góp phần tích cực vào việc xây dựng khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực sự hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực, động triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo ba văn kiện pháp lý về biên giới; nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tình hình, âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng, tội phạm; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những chủ trương, đối sách phù hợp trong giải quyết các sự kiện biên giới; phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

BĐBP Lào Cai (Việt Nam) và BĐBP khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức ra quân khởi động tuần tra song phương. (Ảnh: Trung Dũng)

BĐBP Lào Cai (Việt Nam) và BĐBP khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức ra quân khởi động tuần tra song phương. (Ảnh: Trung Dũng)

BĐBP cũng đã tích cực nghiên cứu, đổi mới toàn diện các biện pháp công tác biên phòng; từng bước hiện đại công tác quản lý, bảo vệ biên giới cả về con người, trình độ, trang thiết bị...; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới với các quốc gia trong khu vực và thế giới; tăng cường phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu theo ba văn kiện pháp lý về biên giới và các thỏa thuận có liên quan mà hai bên đã ký kết; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của BĐBP trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Giải quyết thành công vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc còn có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển giữa hai nước. Quan hệ giữa nhân dân hai bên thực sự trở thành nhịp cầu nối và là sợi dây gắn kết, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đi vào thực chất và ngày càng phát triển. Các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên được tổ chức định kỳ, hiệu quả và thực chất. Hoạt động đối ngoại Quốc phòng, đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Đặc biệt, Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới mà BĐBP là nòng cốt tiếp tục là điểm sáng, là nền tảng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, được lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hai nước rất quan tâm, ủng hộ và đạt hiệu quả thiết thực.

Có thể khẳng định rằng, thành tựu trong 15 năm thực hiện ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới; đồng thời là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để duy trì thúc đẩy tăng cường quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai bên biên giới./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất