|
Mộc Bài hiện là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia. (Ảnh: Giang Phương)
|
Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, là 1 trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm đã được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có, cần thêm động lực mới chờ cơ hội “thay áo mới”.
Những “điểm nghẽn” cần khơi thông
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh, với tiềm năng, lợi thế cùng vị trí chiến lược, Tây Ninh được Chính phủ thành lập 2 Khu Kinh tế cửa khẩu là Mộc Bài và Xa Mát; trong đó, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được được thành lập tháng 10/1998 có diện tích 21.284ha nằm trên địa bàn huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.
Đặc biệt, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - cửa khẩu đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia được xác định là cực tăng trưởng trọng điểm trên hành lang phát triển phía Tây Bắc, dọc Quốc lộ 22-Quốc lộ 22B của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài không chỉ là cửa ngõ của Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm thương mại quốc tế, thực hiện chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mekong trong chiến lược phát triển kinh tế ở phía Nam Việt Nam.
|
Du khách nhập cảnh vào Việt Nam tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) phần lớn là khách du lịch. (Ảnh: Giang Phương)
|
Đặc biệt, Mộc Bài chính là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam với Thủ đô PhnomPenh, Campuchia.
Bà Phạm Vũ Anh Thi, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, để triển khai quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã tổ chức quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch được 105ha từ nguồn ngân sách nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng, làm tiền đề để thu hút các dự án đầu tư thương mại, dịch vụ phục vụ cho khu vực cửa khẩu.
Tính đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 59 dự án đầu tư; trong đó, có 25 dự án vốn nước ngoài và 34 dự án có vốn đầu tư trong nước.
Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 457,78 triệu USD và 8.502 tỷ đồng. Hiện tại, có 33 dự án đang triển khai hoạt động gồm 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 21 dự án có vốn đầu tư trong nước. Tạo việc làm ổn định cho 10.460 lao động.
Tuy nhiên, bà Phạm Vũ Anh Thi cũng nhìn nhận thực tế sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa phát triển được như kỳ vọng của tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu. Trong khi đó, đóng góp của Mộc Bài vào nền kinh tế của tỉnh không đáng kể so với quy mô được duyệt.
Thống kê cho thấy tổng diện tích đất các dự án đăng ký sử dụng 1.797ha; trong đó chỉ có 15% trên tổng diện tích được đưa vào sử dụng, khai thác (chủ yếu là các dự án sản xuất và thương mại, dịch vụ).
Các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất (khoảng 1.636ha) trong nhiều năm liền không triển khai được do đền bù không liền thửa, làm lãng phí tài nguyên, gây nhiều khó khăn trong quản lý đất nhà nước, cũng như khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, ban đầu, định hướng phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là lấy thương mại, dịch vụ làm động lực phát triển.
Trong số đó, chọn khâu đột phá là thực hiện chính sách kinh doanh bán hàng miễn thuế để thu hút du khách, tạo tiền đề cho sự phát triển. Mục tiêu này dựa vào chính sách là chính, khi chính sách thay đổi đã tác động rất lớn, làm cho khu kinh tế mất động lực phát triển.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến nay không còn phù hợp nhưng chưa có định hướng phù hợp để điều chỉnh kịp thời. Mặt khác, vốn ngân sách bố trí đầu tư hạ tầng tương đối ít so với quy mô Khu kinh tế, dẫn đến đầu tư hạ tầng không đồng bộ.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, trước thực trạng này, tỉnh đang tổ chức lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Mộc Bài đến năm 2045. Trong đó, định hướng phát triển theo hướng công nghiệp-đô thị-dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Trong Danh mục các dự án dự kiến ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện kèm theo Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 về Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tại Mộc Bài sẽ ưu tiên các dự án Trung tâm logistics cửa khẩu Mộc Bài (vốn ngoài nhà nước) và Dự án Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài từ nguồn vốn ngoài nhà nước, FDI.
Theo ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, trước mắt, tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025.
Đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu và thương mại trong tỉnh, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Động lực mới
Đầu tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 760/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) đã mở ra một cơ hội “thay áo mới” sớm cho Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 51km, dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2027, với sơ bộ tổng mức đầu tư là 19.617 tỷ đồng.
|
Du khách nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Giang Phương)
|
Dự án khi hoàn thành sẽ kết nối từ Khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh để tạo thành một mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại, trở thành cửa ngõ ra vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng lưu ý, mục tiêu chính của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 22; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp-đô thị Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Cảng Cái Mép-Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh nói riêng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối vùng cũng đang được Tây Ninh đầu tư ngày càng hoàn thiện, đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành trong vùng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, hiện tỉnh đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng, phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp dọc tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, dự án nâng cấp mở rộng đường Đất Sét-Bến Củi, tuyến đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, dự án Cao tốc Gò Dầu-Xa Mát giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh, dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh với quy mô 259ha./.
Giang Phương
Nguồn: vietnamplus.vn