|
Bộ đội Biên phòng trạm cửa khẩu Cát Lở kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, của gia đình ông Nguyễn Thành Lợi ở phường 12, thành phố Vũng Tàu, trước khi ra khơi khai thác thủy sản. (Ảnh: TTXVN)
|
Sắp tới kỳ kiểm tra của Ủy ban châu Âu, nghề cá Việt Nam cũng ráo riết chuẩn bị các thủ tục để tiếp đón đoàn kiểm tra, cũng như kỳ vọng có thể tháo gỡ "thẻ vàng IUU" để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Không dung túng hành vi vi phạm
Nhiều địa phương có biển cũng đang ráo riết triển khai các hoạt động chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Điển hình như tỉnh Kiên Giang mới đây đã ban hành công văn đến các địa phương về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU và làm việc với Đoàn thanh tra châu Âu lần thứ 5.
Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, tỉnh luôn xác định tầm quan trọng của việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Chính vì vậy, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các sở, ngành và địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của châu Âu và đã đạt được một số kết quả quan trọng và có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các đơn vị địa phương, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Kiên Giang khẩn trương thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, cấp giấy phép khai thác, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định và cập nhật đầy đủ thông tin tàu cá trên cơ sở dữ liệu Nghề cá Quốc gia (VNfishbase) và Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) đảm bảo kịp thời, đồng bộ và thống nhất.
Cùng với đó, thường xuyên nắm rõ tình hình biến động tàu cá tại địa phương, đặc biệt tàu cá đăng ký mới, xóa đăng ký trên VNFishbase từ thời điểm tháng 10/2023 đến tháng 9/2024; đồng thời, hàng tuần lập và đăng tải danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, lập cơ sở dữ liệu trên Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) để các cơ quan thực thi pháp luật biết, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tàu cá ra vào cửa sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: TTXVN)
|
Còn tại Cà Mau, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Tỉnh Cà Mau cũng đã thiết lập tổng đài tự động tiếp nhận thông tin khi tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi CallBot (tổng đài tự động) đưa vào vận hành, thực hiện.
Khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi, CallBot sẽ gọi điện thoại, gửi tin nhắn SMS thông báo, cảnh báo cho chủ tàu, thuyền trưởng được biết qua số điện thoại02903 582 588.
Với những nỗ lực này Cà Mau đã phát hiện và xử phạt 199 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến hơn 7,5 tỷ đồng; trong đó, có 108 vụ vi phạm về IUU với số tiền phạt là hơn 6,3 tỷ đồng.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết với những thiết bị và nỗ lực của cơ quan chức năng Cà Mau, tỉnh cũng đã khởi tố ba vụ án hình sự liên quan đến việc tổ chức, môi giới người xuất cảnh trái phép và khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Đây là những biện pháp mạnh tay nhằm răn đe và nâng cao tính tự giác của ngư dân trong việc tuân thủ quy định pháp luật về khai thác hải sản.
Tất cả vì quyền lợi ngư dân
Việc tháo gỡ thẻ vàng IUU hiện nay không còn là trách nhiệm của Nhà nước, đây còn là nghĩa vụ của chính cộng đồng ngư dân vì bảo vệ quyền lợi sinh nhai, cũng như sự bền vững của nghề cá.
Mặc dù, có sự quản lý chặt chẽ của thiết bị giám sát, lẫn đội ngũ biên phòng, nhưng chính vì vẫn còn một số tàu cá vi phạm IUU đã ảnh hưởng không nhỏ đến những ngư dân sẵn sàng tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Ông Dương Văn Kết, ngư dân tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, chia sẻ nhà nước cần xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU, bởi chính những người vi phạm đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngư dân khác.
Nhiều ngư dân tuân thủ đúng nguyên tắc và pháp luật rất cần được bảo vệ vì đây là nghề nghiệp sinh sống cả đời.
Quyết liệt với hoạt động chống khai thác IUU, ông Dương Xuân Dũng, Chính ủy Hải đoàn 42, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết Lực lượng cảnh sát luôn duy trì sự kết nối chặt chẽ với các địa phương, Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau để hỗ trợ tài liệu phổ biến pháp luật, cũng như các quy định liên quan đến biển, đảo.
Đồng thời, đơn vị cũng triển khai các tổ công tác trực tiếp đến các cảng cá có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ, gặp gỡ và tư vấn tận nơi cho ngư dân, giúp họ hiểu rõ hơn về pháp luật và nâng cao ý thức phòng, chống IUU.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng quyết liệt chống khai thác IUU để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân và nghề cá bền vững.
Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 8/2023 đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xóa đăng ký 413 tàu bị cháy, chìm, mục nát, xả tàu bán phế liệu…
Hiện cả tỉnh còn 4.398 tàu cá; trong đó tàu hoạt động vùng khơi là 2.598 tàu, chiếm 59,1%.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 1.140 tàu cá "3 không": không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép. Toàn bộ số tàu này đã được cấp và vẽ số tạm; khảo sát thực tế, kiểm tra kỹ thuật 749 tàu; hướng dẫn chủ tàu kê khai thuế trước bạ trước khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 286 tàu.
Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thành lập 3 tổ công tác tại Thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ kịp thời kiểm tra, hỗ trợ đăng ký tàu cá "3 không" cho các địa phương và dự kiến, hoàn thành trong tháng 11 tới./.
Hồng Nhung
Nguồn: vietnamplus.vn