|
Tàu thuyền của ngư dân miền biển hối hả nối đuôi nhau vào cửa Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) sau khi kết thúc chuyến vươn khơi trong những ngày cận dịp Quốc khánh 2/9. (Ảnh: TTXVN)
|
Hàng chục năm qua, mỗi khi đến dịp Quốc khánh 2/9, ngư dân ở các làng biển thường tạm dừng việc ra khơi, khai thác hải sản trước vài ngày để tổ chức những hoạt động mừng ngày lễ lớn, trọng đại, ý nghĩa và thiêng liêng của đất nước. Qua đó, thể hiện tình yêu đất nước, quê hương và lòng tự hào dân tộc.
Sắc thắm cờ Tổ quốc điểm tô làng biển
Toàn huyện Diễn Châu hiện có hơn 550 tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ và hơn 300 bè mảng của ngư dân ở gần 20 làng biển thuộc các xã: Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễm Kim, Diễn Hải, Diễn Hùng. Thông tin từ chính quyền địa phương các xã ven biển, bãi ngang và Ban quản lý cảng cá Diễn Ngọc cho biết, trong chiều 31/8, đa phần các ngư dân đã hoàn tất việc cập bến. Ngoài ra, một số ít thuyền, bè mảng đánh bắt vùng lộng (gần bờ) đi về trong ngày cũng cập bến trong sáng và trưa 1/9.
Kết thúc chuyến ra khơi trước ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, ngư dân đã cho tàu, thuyền neo đậu vào các cảng cá, bến bãi, âu thuyền để dọn dẹp, làm sạch boong, khoang và trang trí tàu thuyền, thu dọn ngư lưới cụ. Trên mỗi phương tiện tàu thuyền, bè mảng, cờ Tổ quốc đã được thay mới và cắm ở vị trí trang trọng như mũi thuyền, cột giương buồm, trên buồng lái.
|
Dịp Quốc khánh 2/9, trên các phương tiện tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, ngư dân đã thay mới cờ Tổ quốc và cắm trên những vị trí trang trọng. (Ảnh: TTXVN)
|
Anh Lê Hồng Phi, ngư dân xóm Quyết Thắng (xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) cho biết, trong tâm thức của ngư dân nơi đây, lá cờ Tổ quốc là niềm tự hào dân tộc. Việc treo cờ Tổ quốc trên tàu, thuyền đã trở thành truyền thống của bao thế hệ ngư dân, thể hiện tình yêu đất nước, quê hương, biển cả và khẳng định chủ quyền trên biển trong mỗi chuyến vươn khơi. Sắc thắm của cờ Tổ quốc giúp các đoàn viên trong Nghiệp đoàn nghề cá dễ dàng nhận ra nhau khi hoạt động khai thác trên biển. Do vậy, mỗi dịp Tết cổ truyền, dịp 30/4, Quốc khánh 2/9, ngư dân nơi đây đều thay mới và cắm cờ Tổ quốc lên tàu, thuyền tại các vị trí trang trọng.
Diễn Châu có những điểm, khu vực neo đậu tàu, thuyền tập trung lớn như: Điểm cuối sông Bùng chảy qua địa bàn 2 xã Diễn Bích và Diễn Kim, sông Diễn Thủy chảy qua địa bàn xã Diễn Bích và Diễn Ngọc, cảng cá Lạch Vạn thuộc xã Diễn Ngọc, cửa sông Đập Tràn - Yên Quang thuộc xã Diễn Ngọc và gần 20 điểm thuộc các làng biển nằm dọc bờ biển. Từ sáng 1/9, cờ Tổ quốc đã rợp đỏ tại các điểm, khu neo đậu tàu, thuyền trên các cửa sông, cửa biển Lạch Vạn, sông Bùng… Đặc biệt tại sông Diễn Thủy, cờ Tổ quốc trên hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân hai xã Diễn Bích, Diễn Ngọc neo đậu hai bên bờ đã “vẽ” lên trên gần 1 km của sông một màu đỏ thắm.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu) cho biết, địa phương là xã ven biển có 8 xóm; ngành nghề chính chủ yếu là khai thác, chế biến hải sản. Phát huy truyền thống nghề biển 70 năm qua của quê hương, những năm gần đây, ngư dân đã năng động, cần cù, là lực lượng lớn, đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Ngư dân trong xã có truyền thống cắm cờ Tổ quốc trên tàu, thuyền trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước, để thể hiện tinh thần, tình yêu, lòng tự hào về đất nước, quê hương, dân tộc.
Xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu) là địa phương có gần 7 km đường bờ biển với 5 làng biển, hơn 140 bè mảng chuyên khai thác hải sản gần bờ. Từ sáng và trưa 31/8, ngư dân tại các làng biển này đã kết thúc chuyến hành trình khai thác ruốc, cá trích vụ chiêm; tất bật, nhộn nhịp gỡ cá, kéo phương tiện lên bãi, thay mới cờ Tổ quốc và cắm lên bè mảng chắc chắn để kịp nghỉ lễ. Trong ánh nắng ban mai khi mặt trời ló rạng, hàng trăm lá cờ Tổ quốc bừng lên, điểm tô sắc thắm cho làng biển.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Về các xã ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu dịp lễ Quốc khánh 2/9 có thể bắt gặp khung cảnh đường làng, ngõ xóm được người dân cắm rợp cờ Tổ quốc. Điều đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ chung của cả nước, ngư dân ở các làng biển, xã thuần ngư cũng tạm dừng hoạt động ra khơi khai thác hải sản. Lao động thuộc các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá cũng tạm nghỉ để dành thời gian chung vui, gần gũi bên gia đình, đi thăm hỏi bạn bè, họ hàng và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ chính quyền địa phương, cụm dân cư tổ chức.
Các cơ sở chế nước mắm, ruốc khô, sứa tươi, mực và cá khô, cơ sở sửa chữa tàu, thuyền, dệt lưới, sản xuất ngư cụ trên địa bàn các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích… dừng hoạt động, tạo điều kiện cho lao động, nhân công về nghỉ lễ, chung vui với gia đình. Các cơ sở chế biến, nướng cá biển truyền thống chuyên cung cấp sản phẩm lên các chợ vùng Yên Thành, Đô Lương, Con Cuông, Anh Sơn… cũng tạm nghỉ dịp này.
Tại xã Diễn Bích, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho các Chi đoàn trình diễn nghi thức Đội vào ngày 1 và 2/9 tại sân vận động xã. Nghi thức Đội gồm các hoạt động rước cờ, rước ảnh Bác Hồ, cử nhạc, hát Quốc ca, đi đều, diễu hành qua khán đài... Mỗi Chi đoàn có sự sáng tạo trong các tiết mục biểu diễn, cách thể hiện để tạo nên sức hấp dẫn, ấn tượng cho người xem. Trước đó, thiếu niên, nhi đồng các Chi đoàn đã dành nhiều buổi luyện tập dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ xóm, xã, các anh chị phụ trách Đoàn, Đội. Hoạt động này đã trở thành phong trào truyền thống từ hàng chục năm qua; là tâm điểm được hàng ngàn ngư dân ở các xã ven biển, bãi ngang mong đợi, đón chờ và tham gia cổ vũ nhiệt tình, tạo nên không khí hào hứng, phấn khởi trong những ngày nghỉ lễ.
Theo anh Trần Trung Hải (công chức văn hóa xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu), toàn xã có 8 đội (mỗi đội từ 130 đến 170 thiếu niên, thiếu nhi) tham gia thực hiện nghi thức, thuộc 8 Chi đoàn của 8 xóm. Hoạt động nghi thức Đội là dịp để các cháu rèn luyện sức khỏe và kỹ năng sống; thể hiện tinh thần, trách nhiệm và ý thức kỷ luật, tư thế, tác phong và tinh thần tập thể; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” và lòng tự hào dân tộc. Trong các buổi trình diễn Nghi thức Đội, hàng ngàn người dân nô nức mang theo cờ Tổ quốc kéo về sân vận động để động viên, cổ vũ các cháu thiếu nhi.
|
Trên khắp đường làng, ngõ xóm của các làng biển, cờ Tổ quốc được ngư dân cắm trang trọng trước cổng nhà. (Ảnh: TTXVN)
|
Để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương còn tổ chức Hội trại với sự tham gia của 8 chi đoàn. Mỗi trại được dựng trên một diện tích quy định nhưng phần trang trí cổng trại đều tập trung về màu sắc, tạo hình khối, để làm nổi bật các chủ đề, thông điệp: Tuổi trẻ tiến bước dưới cờ Đảng; Tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; Quê hương, đất nước đổi mới; Tình yêu biển đảo…
Trong đêm 1/9 tại sân vận động xã, hàng trăm thiếu niên, nhi đồng của 8 chi đoàn xóm cùng tham gia chương trình văn nghệ chào mừng Quốc khánh 2/9. Gần 20 tiết mục ca múa nhạc, kịch hình thể, sân khấu, đạo cụ với lời dẫn đã tái hiện lại những chặng đường lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc; tinh thần, phẩm chất kiên cường, đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Qua đó, thể hiện một Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ tiến vào tương lai trong xu thế hội nhập; trách nhiệm của thế hệ trẻ trong phát huy truyền thống quý báu của cha ông; vẻ đẹp bản sắc văn hóa đa dạng, sinh động của cộng đồng các dân tộc, vùng miền…
Xuân Tiến - Hoàng Phương
Nguồn: baotintuc.vn