(TTĐN) - Trong những ngày đầu Xuân, tôi đến 3 làng chài ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định để chứng kiến không khí mở biển và nghe bà con kể chuyện về những năm tháng cùng lính Nhà giàn DK1 canh giữ thềm lục địa.
 |
Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa của Tổ quốc. (Ảnh: Văn Chương)
|
Ký ức Nhà giàn DK1
Đêm ngày 10/1/2025, tàu Trường Sa 21 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân buông neo ở bãi ngầm Ba Kè. Giữa sóng gió mù mịt, trên biển vẫn thấy thấp thoáng ánh đèn từ ngọn hải đăng Ba Kè. Trong bảng thông báo của Tổng Công ty Hàng hải miền Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải thông báo ngọn hải đăng này có chu kỳ phát sáng 12 giây, chớp nhóm 3+1. Tôi chợt nhớ đến lời kể của ngư dân Nguyễn Văn An ở cửa biển Tam Quan (nay thuộc phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) về những ngày tháng ra Ba Kè đánh bắt hải sản.
Năm 1995, chiếc tàu có thân vỏ chỉ dài 17m, do ngư dân Nguyễn Văn An cùng 10 ngư dân đi bạn vượt sóng ra Ba Kè. Ông An đã đi qua các bãi Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân và nơi nào cũng được bộ đội Hải quân hỗ trợ. Những người lính quê ở tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hưng Yên... chỉ cho ông An rằng, chạy theo hướng Đông Nam thì sẽ tới bãi ngầm rất nhiều cá, có nơi khi thủy triều rút thì độ sâu chỉ còn hơn 3-4m. Ông An mở hải đồ ra và cho tàu tiến tới Ba Kè.
Ngày đầu Xuân, tôi tìm đến làng chài xã Bình Chánh, nơi mà ngư dân và lính Nhà giàn DK1 từng gắn bó như anh em. Từ sông Trà Bồng, những con lạch soi bóng cây mù u len sâu vào trong xóm, trên mặt nước dập dềnh những chiếc thúng câu mực từ biển khơi về đất liền sau gần 10 tháng bám biển. Lão ngư dân Bùi Thanh Đạo, người có thâm niên gần 30 năm làm nghề câu mực thốt lên: “Chu cha, lính Nhà giàn DK1 như con em mình, thời đi câu khổ cực, ngư dân thân thiết lính Nhà giàn DK1, vì cứ gặp nhau là tặng rau xanh”.
Mắt biển DK1
Trong chuyến công tác ra thềm lục địa của Tổ quốc vào dịp cuối năm vừa qua, nhìn Nhà giàn DK1/18, tôi nhớ đến lời kể của nhiều ngư dân thuật lại chuyện đi câu mực bị gió lốc đẩy trôi thúng, các ngư dân nhìn về hướng ngọn hải đăng Phúc Tần và chèo chống về phía đó để thoát nạn. Ngư dân Nguyễn Mến, quê ở xã Bình Châu kể, trên bãi Phúc Tần có những điểm chỉ có độ sâu gần 4m. Có lần, tàu ra tới đó đánh cá thì gặp áp thấp nhiệt đới, do nằm cách rất xa đất liền nên ngư dân quyết định trụ lại ngay trên bãi ngầm và thả neo.
Khi đồng hành cùng tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ra Nhà giàn DK1, tôi mới hiểu thêm về cách thức bám trên bãi ngầm khi sóng biển cao từ 3-5m của bộ đội Hải quân và ngư dân khác nhau. Tàu của Hải quân thả mỏ neo nặng hàng tấn xuống bãi cạn và tàu có thể bị đẩy trôi lùi vài hải lý/đêm. Riêng ngư dân Bình Định thì thả phao dù nổi, con tàu cứ thế đi lùi, còn ngư dân cứ việc thả câu.
 |
Ngư dân câu mực ở xã Bình Chánh đưa thúng xuống tàu để mở biển. (Ảnh: Văn Chương)
|
Ngư dân Nguyễn Mến cho biết, khi ra tới vùng biển xa xôi này, mỗi khi nhìn thấy Nhà giàn DK1, thấy hải đăng nhấp nháy trên biển là ngư dân cảm thấy mình đang được bảo vệ. Bà con yên tâm bám biển, nếu quá trình đánh bắt có ngư dân bị ốm hoặc thương tích thì cho tàu chạy về hướng Nhà giàn DK1 và vẫy cờ liên tục ra hiệu cần cấp cứu.
Một số chủ tàu ở xã Bình Chánh cho biết, có khi chuyến đầu tiên sẽ đi về hướng quần đảo Hoàng Sa và phiên biển được rút ngắn, nhưng sau đó, nhiều tàu sẽ đi về hướng quần đảo Trường Sa và các bãi ngầm, nơi có các Nhà giàn DK1.
Thiếu tá Ninh Thế Quyền, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9, Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã cấp cứu 2 ngư dân, trong đó có anh Trần Văn Vinh, quê ở xã An Phú, thành phố Quảng Ngãi, đi trên tàu QNg92604TS, bị gãy chân. |
Quân dân gắn bó máu thịt
Kết thúc mùa biển năm 2024 và bước vào mùa biển năm 2025, ngư dân ở các làng chài câu mực thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đón một mùa Xuân nhiều niềm vui. Tại lăng vạn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, ngư dân Nguyễn Văn Trung và vợ tranh thủ đến vái tạ thần Nam Hải đại tướng quân vì một năm bôn ba trên biển, thu nhập của anh được hơn 200 triệu đồng. Anh Trung cho biết, trong làng có nhiều ngư dân câu rất giỏi, mình câu được 1kg thì họ câu được gần 2kg.
Đầu năm 2024, khi các ngư dân mở biển phiên đầu, con số thu nhập cao đến bất ngờ. UBND xã Bình Chánh chia sẻ thông tin, tổng thu phiên đầu tiên của bà con chuyên làm nghề câu mực ở làng chài ước tính là 251 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Các tàu cá đứng đầu bảng thu nhập là tàu QNg95422TS của ngư dân Trần Tức câu được 80 tấn mực (trị giá gần 10 tỷ đồng); tàu QNg95234TS của chủ tàu Lê Thị Lành được 63 tấn mực (trị giá 8,3 tỷ đồng); tàu QNg95769TS của ngư dân Nguyễn Tấn Dũng câu hơn 45 tấn mực (trị giá hơn 6 tỷ đồng)... Giá mực đầu năm được thu mua dao động ở mức 135.000 đến 145.000 đồng/kg mực khô.
Trong không khí ra quân nghề cá tại cửa biển Cổ Lũy, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, lão ngư dân Huỳnh Văn Minh ở làng chài bên cạnh sông Phú Thọ, thuộc xã An Phú, thành phố Quảng Ngãi tâm sự: “Tất cả các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, từ Tốc Tan, Đá Lát, Tiên Nữ, Đá Lồi, Bom Bay, Bạch Quy và các bãi Ba Kè, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường..., tôi đều từng thả neo đánh bắt cá. Bây giờ thấy bộ đội được ở trong Nhà giàn DK1 thế hệ mới, vững chắc, tôi rất mừng. Qua bao nhiêu năm gắn bó, ngư dân và lính Nhà giàn DK1 rất thân thiết và thương yêu nhau như anh em ruột thịt”./.
Lê Văn Chương
Nguồn: bienphong.com.vn