(TTĐN) - Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi thức văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian hàng năm của nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nghi thức này không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ, tri ân những người lính năm xưa vâng lệnh vua ra Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền.
|
Trước khi tổ chức Lễ khao lề, Ban tế tự đình làng tổ chức lễ tế thần vào đêm hôm trước và lễ cầu an cho vong linh các chiến sĩ đội Hoàng Sa. Trong Lễ khao lề, ông cả làng và các chức sắc trong làng tham gia làm bồi tế. (Ảnh: Tuấn Anh)
|
Lần đầu tiên, ngay tại Thủ đô Hà Nội, đoàn nghệ nhân đến từ huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa khi về tham gia hoạt động tháng 10 với chủ đề “Biển, đảo trong lòng đồng bào” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Với hoạt động này, người dân Hà Nội được chứng kiến những nghi thức cúng tế sống động nhằm tưởng nhớ những hùng binh đã bỏ mạng trong quá trình cắm mốc, dựng bia chủ quyền biển, đảo Tổ quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo truyền thống, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được nhân dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức trang nghiêm, thành kính vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch với nhiều nghi thức cúng tế như: Lễ yết, Lễ cung nghinh, Lễ thả thuyền... Do yêu cầu về thời gian, buổi lễ tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được rút gọn, lược bớt một số nghi thức nhưng vẫn khái quát đầy đủ trình tự, các nghi thức chính của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để người xem có cái nhìn đúng nhất về nghi lễ linh thiêng mang sắc thái văn hóa riêng của cư dân Lý Sơn. Thầy pháp thực hiện buổi lễ tái hiện là Huyền Không đại pháp sư đời thứ 5 trực truyền của pháp sư cúng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn.
Sau hồi trống hiệu, những người tham gia buổi lễ bắt bắt đầu nhập Lễ khao lề. Trước đó, các lễ vật không thể thiếu của buổi lễ đã được các nghệ nhân chuẩn bị chu đáo là mô hình thuyền câu và bài vị của các binh phu. Thầy pháp thực hiện nghi thức bắt ấn từ tà, tế lễ trước bài vị các hùng binh Hoàng Sa, sau đó thực hiện các nghi thức thế lính an vị các vong linh đã chết khi đi làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa và đọc văn tế trước khi thả thuyền ra biển.
Trong tiếng ốc u trầm hùng, các thanh niên trong làng rước mô hình 5 chiếc thuyền câu cùng bài vị các dân binh Hoàng Sa ra thả xuống biển tái hiện lễ tiễn đưa các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Kết thúc buổi lễ, Huyền Không đại pháp sư tự hào chia sẻ: “Lễ khao lề thế lính hùng binh Hoàng Sa là nghi lễ rất thiêng liêng tại đảo Lý Sơn. Nó vừa nói lên chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, cũng là cách tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn của đời sau đối với các hùng binh năm xưa đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa”.
Huyền Không đại pháp sư cho biết thêm: “Nghi thức cúng tế trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được truyền qua rất nhiều đời, từ đời ông tới đời cha, đời con nên chúng tôi đều quen thuộc những nghi thức và bài tế lễ. Bản thân tôi đã trải qua 5 đời làm chủ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nên rất thuộc và thuần thục các nghi thức cúng tế”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong lịch sử hình thành và phát triển, đảo Lý Sơn hiện còn lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử phản ánh quá trình cư dân đến định cư ở đây cũng như những đóng góp của ngư dân Lý Sơn trong việc giữ gìn, bảo vệ ngư trường truyền thống và xác lập chủ quyền biển đảo như đình An Vĩnh, đình An Hải, Âm linh tự và hàng trăm ngôi mộ gió thờ những người lính đã gửi thân mình ở đất mẹ Hoàng Sa...
Người dân Lý Sơn hàng trăm năm qua vẫn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - một nghi lễ phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thủy quân Hoàng Sa - Trường Sa vào dịp tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Sử sách ghi lại rằng, triều đình nhà Nguyễn đã thành lập các đội Hoàng Sa 70 suất dân binh khỏe mạnh, giỏi bơi lội, lấy người xã An Vĩnh bổ sung vào đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Tháng 2 hằng năm, đội nhận lệnh cưỡi sóng đi ra quần đảo Hoàng Sa, mang đủ lương thực ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ. Mỗi dân binh mang theo 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán. Đội đi 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, chủ yếu là thu nhặt sản vật, đồi mồi, hải ba, hải sâm... rồi đem về cống nộp. Đến khi Gia Long lập quốc (năm 1802), những đội dân binh Hoàng Sa được triều đình giao thêm nhiệm vụ do đạc thủy trình, tuần phòng trên biển, đảo, dựng dựng bia, cắm mốc, đo đạc bản đồ để xác lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
|
Các thanh niên thả thuyền tế ra biển cầu cho vong linh những người lính trong đội Hoàng Sa xưa được siêu thoát và cầu mong cuộc sống yên bình cho mỗi cá nhân, cộng đồng. (Ảnh: Tuấn Anh)
|
Cũng theo sử sách và gia phả của các dòng họ truyền lại, trên đảo Lý Sơn có nhiều dòng họ tham gia trong các đội dân binh Hoàng Sa như Võ Văn, Trần, Dương, Đặng, Phạm Văn... Trong đó, nhiều người đã được ghi tên trong sử sách như cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Phú, Võ Văn Khiết, Đặng Văn Xiểm...
Kết quả nghiên cứu các sử liệu, hiện vật còn sót lại và nghi thức cúng tế Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho thấy, lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh, An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn. Hàng trăm ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn là một minh chứng cho sự hy sinh của những dân binh trên đảo vì chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Cho đến nay, người dân Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng Hai, Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Có thể khẳng định, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thủy quân Hoàng Sa - Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết cho các thế hệ người dân trên đảo Lý Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với những ý nghĩa thiêng liêng và giá trị lịch sử, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng từ tháng 4/2013./.
Thu Hằng
Nguồn: bienphong.com.vn