Lắng nghe câu chuyện Việt Nam trên đất nước Lào anh em (bài 3)
Đối với vợ chồng ông Ba Lê, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay luôn là người thân. (Ảnh: Nguyễn Hòa Bình)

Đối với vợ chồng ông Ba Lê, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay luôn là người thân. (Ảnh: Nguyễn Hòa Bình)

Bài 3: Cùng nhân lên những giá trị của tình hữu nghị Việt Nam - Lào

Chẳng phải họ hàng, sống ở hai quốc gia, mang hai quốc tịch nhưng lại trở thành người một nhà - câu chuyện không hề hiếm ở các bản làng giáp biên giới Việt Nam - Lào mà chúng tôi đã đi qua. Những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc như nhắc nhở mỗi người phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, không chỉ cho bản thân mà cho mọi người, cho hiện tại và mai sau.

Mối lương duyên vượt biên giới

Ông Ba Lê, Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh tế huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan, Lào) vốn là sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương ở Việt Nam. Những năm học tập và sinh sống ở Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam dù còn khó khăn nhưng vẫn luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho các sinh viên Lào. Và đó là những điều khiến ông Ba Lê khắc ghi trong lòng để rồi sau này về nhận công tác ở Sa Muồi - địa phương tiếp giáp với huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), ông luôn nỗ lực, cố gắng gắn kết hai địa phương như một cách đền đáp những gì đã nhận được từ đất nước, con người Việt Nam. Quãng thời gian nâng cấp mở đường, mở cửa khẩu quốc tế La Lay, ông Ba Lê luôn là thành viên tích cực đẩy nhanh tiến độ để người dân hai bên biên giới thuận lợi qua lại, hàng hóa, phương tiện được thông thương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Ba Lê luôn tự hào về việc gia đình mình có mối lương duyên đặc biệt với con người, đất nước Việt Nam. Chúng tôi khá bất ngờ khi biết Thiếu tướng Trần Đình Dũng (nguyên Phó Tư lệnh BĐBP) là cha đỡ đầu của vợ ông Ba Lê. Câu chuyện được bắt đầu từ rất lâu rồi, khi đó Thiếu tướng Trần Đình Dũng còn là chàng y sĩ khám chữa bệnh cho nhân dân ở vùng núi Hướng Hóa, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Lần đó, mẹ vợ của ông Ba Lê sinh khó, đe dọa đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Với sự giúp đỡ của y sĩ Trần Đình Dũng, một bé gái đã chào đời an toàn. Bố vợ của ông Ba Lê cảm kích nên thay mặt gia đình nhận y sĩ Trần Đình Dũng làm cha đỡ đầu cho con gái. Cho tới tận bây giờ, dù sống ở hai đất nước khác nhau, song gia đình ông Ba Lê vẫn luôn nhớ và nhắc đến Thiếu tướng Trần Đình Dũng như người thân đang ở phương xa.

Thực ra, mối nhân duyên giữa gia đình Thiếu tướng Trần Đình Dũng và ông Ba Lê không vì khoảng cách, thời gian mà hẹp lại hay phai nhạt đi. Thượng tá Phan Thanh Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay là anh em con dì của Thiếu tướng Trần Đình Dũng. Ở gần, Thượng tá Phan Thanh Hoàng thay mặt gia đình giữ mối quan hệ "họ hàng" với gia đình ông Ba Lê. Thực ra, những năm qua, ông Ba Lê luôn giữ mối quan hệ thân tình với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay - những người luôn coi người dân Lào là anh em. Chẳng thế mà các anh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân Lào xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế La Lay. Cũng chính cán bộ, chiến sĩ Biên phòng sang sửa chữa đường dẫn nước để bà con bản La Lay A Sói trồng lại lúa. Khi kêu gọi các đoàn thiện nguyện tặng quà, khoan giếng nước cho nhân dân, bà con ở La Lay A Sói cũng luôn có phần... Rõ ràng, đó là tình cảm, việc làm của người người thân dành cho nhau.

Niềm vui của vợ chồng ông Ba Lê đó là các con đều giống cha mẹ - yêu quý đất nước, con người Việt Nam. Điều đó thể hiện qua việc ông bà có 5 người con thì có tới 3 người tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Cô con gái út đang học phổ thông và cũng có dự định sang Việt Nam du học như các anh chị. Như vậy, “thế hệ sau” của gia đình ông Ba Lê cũng có sự kết nối với đất nước, con người Việt Nam và nó như một sự kế thừa, viết tiếp tương lai cho câu chuyện tình hữu nghị Việt Nam - Lào.

“Đầu tư” cho tương lai

Cô gái Hồ Thị Nghin (bản La Lay A Sói, huyện Sa Muồi) được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, thế nhưng em luôn gọi “bố nuôi Biên phòng”. Từ cô bé còi cọc, thiếu ăn, suýt phải bỏ học vì nhà nghèo, nhờ có sự đùm bọc, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay mà nay em đã chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3. Câu chuyện được bắt đầu vào một buổi sáng đầu tháng 8/2017, trưởng bản La Lay A Sói đưa 2 cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La lay đến nhà, nói với cha mẹ Nghin sẽ giúp em đi học.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay thăm và trao quà hỗ trợ cho em Hồ Thị Nghin. (Ảnh: Nguyễn Hòa Bình)

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay thăm và trao quà hỗ trợ cho em Hồ Thị Nghin. (Ảnh: Nguyễn Hòa Bình)

Từ ấy, đều đặn vào ngày 5 hằng tháng, những người lính Biên phòng chuyển tiền cho cha mẹ Nghin để mua sách vở, gạo, muối. Không những vậy, mỗi khi có các đoàn thiện nguyện Việt Nam tới A Lay A Sói, Nghin cũng luôn có phần. Sự quan tâm bằng vật chất, tình cảm của những người lính Biên phòng Việt Nam thực sự đã trở thành động lực để cô gái Hồ Thị Nghin tới trường.

Bước vào cấp 2, Hồ Thị Nghin phải tới trường ở trung tâm huyện Sa Muồi. Nhà cách trường 7km, nếu đi bộ sẽ rất mất nhiều thời gian và rất vất vả vào ngày mưa nắng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã tặng cho Nghin một chiếc xe đạp mới. Và thế là, con đường đến trường của cô học sinh bé bỏng như gần lại. Điều đặc biệt là, chiếc xe đạp của bố nuôi Biên phòng không chỉ đưa cô gái nhỏ tới trường, mà còn “đưa” em tới tận Thủ đô Hà Nội của đất nước Việt Nam. Câu chuyện về chiếc xe đạp của bố nuôi BĐBP đã được Ban tổ chức trao giải Ba tại Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” do Tạp chí Thời đại phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức chào mừng “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”; kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).

Trong niềm hân hoan ấy, nhận được tình cảm của mọi người dành cho mình, cô gái nhỏ đến từ vùng biên giới xa xôi của đất nước Lào chia sẻ: “Cháu rất vui, rất tự hào khi được các bố, các chú Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay nhận đỡ đầu. Nhờ sự giúp đỡ ấy, gần 10 năm qua, gia đình cháu đỡ khó khăn hơn, cháu được đến trường. Cháu tham gia dự thi một phần muốn thay cho lời cảm ơn các bố và các chú. Lần này được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ, được đón nhận tình cảm mà các bác, các cô, chú Việt Nam dành cho, cháu rất vui, hạnh phúc và hứa sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ công của mọi người”. Bằng tình thương và trách nhiệm, những người lính Biên phòng Việt Nam đã làm đổi thay số phận của một cô bé người Lào.

Câu chuyện về gia đình ông Ba Lê, về cô gái Hồ Thị Nghin ở cao nguyên Salavan và mối thân tình với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay chỉ là số ít trong những câu chuyện cảm động mà chúng tôi chứng kiến ở các bản làng người Lào dọc biên giới. Chúng tôi chợt hiểu rằng, tình hữu nghị Việt Nam - Lào không chỉ bền vững vì lịch sử kề vai sát cánh, mà còn vì những câu chuyện nhân văn đã, đang và tiếp tục được mỗi người chăm chút, vun đắp vì tương lai./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất