(TTĐN) - Mỗi tháng một lần, Ban Tuyên vận xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) lại về một thôn trong xã để trực tiếp đối thoại, giải đáp những thắc mắc của người dân. Việc làm này giúp rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới và hướng tới vùng biên vững mạnh.
|
Hội nghị tuyên vận tại thôn Lao Chải. (Ảnh: Trúc Hà)
|
Nhắc đến Tả Gia Khâu, người ta biết đến nhiều biệt danh, như là một trong 10 xã nghèo nhất của cả nước. Nơi đây cũng được ví von bằng những cái tên như Trường Sa Cạn, Tả Gia Khô vì một năm có tới 7 đến 9 tháng thiếu nước. Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện với ông Cao Xuân Phà, Bí thư Đảng ủy và ông Nguyễn Đức Luân, Chủ tịch UNBD xã Tả Gia Khâu, chúng tôi nhận ra, Tả Gia Khâu không chỉ có những cái “nhất từ dưới lên trên” như vậy, mà ở đây có nhiều thứ đặc biệt được tạo nên bởi sự tâm huyết của lãnh đạo, cán bộ chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm cống hiến của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu.
Xã Tả Gia Khâu có đường biên giới dài 4,53km, tiếp giáp châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cả xã có 460 hộ/2.400 nhân khẩu với trên 90% là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Mường... Kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông-lâm nghiệp với các nông sản, lâm sản như mận, lê, cây thuốc, thảo quả, chè, đậu tương... Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là thiếu nước, năng suất không cao, vì thế mà đời sống của người dân gặp không ít khó khăn. Những năm qua, việc tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Một trong những hoạt động hiệu quả, đó là việc Đảng ủy xã Tả Gia Khâu luân phiên tổ chức hội nghị tuyên vận tại các thôn để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Ban Tuyên vận xã Tả Gia Khâu gồm: Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban; ông Lùng Quáng Phủ, cán bộ tư pháp-hộ tịch giữ chức Phó ban. Mỗi lần xuống địa phương, tùy theo từng nội dung mà thành phần của Ban Tuyên vận được bổ sung. Ví như, những vấn đề liên quan đến đất đai có ông Ly Seo Chính (cán bộ địa chính); vận động phòng, chống tảo hôn (có cán bộ tư pháp, hộ tịch).
Tại hội nghị tuyên vận, bà con được phát huy dân chủ, nói ra suy nghĩ của mình. Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Có những hội nghị có 50 ý kiến nhưng thực ra chỉ tóm lại được 5 nội dung. Thế nhưng, chúng tôi vẫn kiên trì lắng nghe người dân nói ra suy nghĩ của mình. Khi nào trong hội nghị không còn ý kiến, chúng tôi mới kết luận. Những nội dung nào trả lời theo thẩm quyền, chúng tôi giải đáp luôn cho dân. Các ý kiến cần đề nghị lên cấp trên, chúng tôi ghi nhận lại và nhất định phải có câu trả lời cho nhân dân sau đó. Với cách làm này, người dân thấy mình được tôn trọng, lắng nghe. Bởi vậy mà hội nghị thu hút được rất nhiều người tham gia”.
|
Ông Cao Xuân Phà trao đổi về nội dung hoạt động của Ban Tuyên vận với Trung tá Nguyễn Đức Thắng và ông Lùng Quáng Phủ. (Ảnh: Trúc Hà)
|
Trước năm 2020, hội nghị tuyên vận được tổ chức tại xã, mời đại diện các thôn tới dự. Tuy nhiên, từ sau năm 2020, hội nghị được luân phiên tổ chức tại các thôn. Từ ngày 4-6, Đảng ủy xã phải có kế hoạch đăng kí với Huyện ủy Mường Khương về nội dung hội nghị, tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền cho người dân về phương thức hoạt động của tội phạm, nhất là hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, xiết nợ và bán hàng đa cấp, vay tiền qua ứng dụng (App), thủ đoạn lừa đảo bằng “việc nhẹ, lương cao”; vận động quần chúng nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự; hướng người dân vào các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng, chống ma túy, buôn lậu, hàng giả, đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cảnh giác trước những trào lưu độc hại trên mạng xã hội, tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử cho người dân trên địa bàn, nhất là với học sinh.
Theo kế hoạch, mỗi tháng, Ban Tuyên vận tổ chức hội nghị tại một thôn, tuy nhiên, đó là “lịch cứng”, khi có việc, ban sẵn sàng đi tới 2, 3 thôn và nhiều hơn nữa. Ví như thôn Thải Giàn Sán là thôn giáp biên của xã Tả Gia Khâu với 3 điểm dân cư gồm: Lũng Thắng, La Hò và Thải Giàn Sán. Các điểm dân cư này cách nhau khá xa, chưa kể vào những ngày mưa gió hoặc giá rét, người dân gặp khó trong việc đi lại, đặc biệt là những người già. Vậy nên, Ban Tuyên vận đã quyết định tổ chức tại cả 3 điểm dân cư. Có những đợt, ban còn “mang theo” y, bác sĩ của trạm y tế, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu để khám chữa bệnh cho người già, trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc đi lại.
Sau mỗi hội nghị, kết quả được ghi lại cụ thể. Tại thôn Na Măng: Sau hội nghị, nhân dân tổng vệ sinh thôn được 1 buổi; giúp đỡ nhau 66 ngày công chăm sóc cây trồng. Tại thôn Thải Giàn Sán, hội nghị tập trung được 1 buổi với 65 lượt người nghe. Sau hội nghị, nhân dân tổng vệ sinh thôn được 1 lần với 61 lượt người tham gia; 12 người dân tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Tại thôn Sín Pao Chải, tuyên truyền cho nhân dân tổng vệ sinh thôn được 1 lần với 26 lượt người tham gia, nhân dân đóng góp 72 ngày công duy tu bảo dưỡng 1,5km đường giao thông nông thôn. Thôn Vũ Sà, đã tuyên truyền tập trung được 1 buổi với 61 lượt người nghe, nhân dân tổng vệ sinh thôn được 1 lần với 66 lượt người tham gia, nhân dân tham gia tuần tra bảo vệ biên giới 2 lần với 12 lượt người tham gia. Thôn Lao Tô, đã tuyên truyền tập trung được 1 buổi với 32 lượt người nghe, nhân dân tham gia bảo vệ biên giới được 2 lần với 12 lượt người tham gia, nhân dân tổng vệ sinh thôn được 1 lần với 35 lượt người tham gia. Thôn Tả Gia Khâu, tập trung được 1 buổi với 38 lượt người nghe, 66 lượt người tham gia tổng vệ sinh thôn, nhân dân đóng góp 68 ngày công duy tu bảo dưỡng 1,2km đường giao thông nông thôn...
Rõ ràng, từ những việc làm của mỗi người dân, sau mỗi lần hội nghị tuyên vận, có thể thấy, một nếp sống văn minh mới đang hình thành trong suy nghĩ, hành động của người dân ở Tả Gia Khâu - nơi vùng cao biên giới từng chỉ có đói, nghèo, lạc hậu. Tả Gia Khâu giữ vững danh hiệu 29 năm địa phương không có tội phạm, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ai cũng tin rằng, đó là kết quả của việc chủ động nắm bắt tư tưởng và giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người dân và đó cũng là cơ sở vững chắc để huy động sức mạnh lòng dân đưa Tả Gia Khâu vượt khó./.
Trúc Hà
Nguồn: bienphong.com.vn