(TTĐN) - Ông Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, việc bộ đội biên phòng (BĐBP) thường xuyên giám sát chặt chẽ các tàu đánh cá nằm trong danh sách có nguy cơ cao vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã góp phần giảm thiểu hoạt động vi phạm pháp luật của ngư dân khi hành nghề trên biển.
|
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý tuyên truyền về chống khai thác IUU cho các ngư dân. (Ảnh: Văn Chương)
|
Kết thân, giáo dục
Tàu cá BTh 98902 TS, do ngư dân Đỗ Văn Hào (sinh năm 1982, trú tại thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng, chuẩn bị rời bến để ra khu vực quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đánh bắt hải sản. Các ngư dân đi bạn trên tàu chuẩn bị hành lý để tàu rời bến đúng ngày giờ mà người nhà chủ tàu đã ấn định “giờ Hoàng đạo” dựa trên quan niệm truyền thống chiêm tinh của người phương Đông. Còn cán bộ kiểm soát hành chính của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý bên cạnh việc tuyên truyền về pháp luật cho thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu, còn chia sẻ câu chuyện về năng lực đánh bắt, liên kết tổ đội, trang bị các thiết bị hiện đại như máy dò quét Furuno, máy định dạng Haiyang... để chuyến biển không bị lỗ tổn và có tiền chia cho anh em ngư dân đi bạn.
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý được giao theo dõi, quản lý 42 tàu cá trên địa bàn. Để quản lý tốt hoạt động của các tàu này, đơn vị đã giao theo dõi, nắm tình hình tàu cá cho từng cán bộ, chiến sĩ để đảm bảo nắm chắc hoạt động của mỗi tàu khi ra khơi. Thiếu tá Phạm Nguyễn Chiến, nhân viên kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý được đơn vị giao theo dõi, nắm tình hình 2 tàu cá của ông Đỗ Văn Hào và tàu cá BTh 98732 TS, do ngư dân Mai Tấn Hải, sinh năm 1981, quê ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý làm thuyền trưởng cho biết, mỗi khi 3 chiếc tàu nằm trong diện được cấp trên giao đi khơi, Thiếu tá Chiến thường xuyên nắm bắt tình hình thông qua nhiều hình thức, hình thức trực tiếp là đến thăm hỏi gia đình để nắm được tiến độ đánh bắt, sản lượng đánh bắt.
Còn Thượng úy Lương Văn Hiếu, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý được giao quản lý 4 tàu. Thượng úy Hiếu chia sẻ thông tin khá rành mạch về tình trạng bà con đang đánh bắt ra sao, việc nắm bắt chắc như vậy để nhận định sát, đúng tình hình khi một trong 4 tàu cá này bất chợt bị mất tín hiệu giám sát hành trình. Thông thường, mỗi khi tàu của ngư dân bị mất tín hiệu khoảng 1 giờ đồng hồ do những nguyên nhân khách quan như: Hỏng máy, bị sét đánh, bị đứt dây thông tin tín hiệu..., cán bộ địa phương lập tức cùng BĐBP nhận định tình hình để có biện pháp xử lý.
Chuyển biến tích cực
Trên màn hình giám sát tín hiệu tàu cá tỉnh Bình Thuận, rất nhiều tàu đánh cá của bà con ngư dân đảo Phú Quý hiển thị đang đánh bắt ở gần các đảo Phan Vinh, Núi Le, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn, Nhà giàn DK1... Đó là tàu BTh 98942 TS, do ngư dân Tạ Văn Thạch, sinh năm 1969 làm thuyền trưởng, làm nghề câu; tàu BTh 98804 TS, do ngư dân Kiều Văn Trọng, sinh năm 1991 làm thuyền trưởng, cùng quê ở thôn Tân Hải, xã Phú Long. Thượng úy Lương Văn Hiếu là cán bộ được giao phụ trách.
Từ đảo Phú Quý, các tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ đi khoảng 250 hải lý ra quần đảo Trường Sa. Nhiều tàu đánh cá đi tiếp tục đi ra các đảo nằm về hướng Đông của đảo Trường Sa Lớn, đến gần điểm giáp ranh (thiết bị giám sát hành trình hiển thị 12 đường gấp khúc ranh giới được phép đánh bắt trở vào). Những cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát tàu cá có thể theo dõi trực tiếp tàu cá thông qua bản tín hiệu tóm tắt, bao gồm các phần: Tàu kết nối, tàu ra vùng ranh giới, tàu gặp sự cố S.O.S, tàu gần ranh giới, tàu mất kết nối ngoài khơi, tàu mất kết nối trong bờ.
Một số tàu đánh cá ra tới khu vực tọa độ 6 độ 15 phút 40 giây vĩ Bắc - 105 độ 58 phút 21 giây kinh Đông được hiển thị là gần vùng ranh giới, các tàu này thường làm nghề câu khơi hoặc đánh lưới vây. Theo kinh nghiệm của BĐBP và Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, các tàu đánh cá ra gần vùng ranh giới và đột xuất bị mất tín hiệu giám sát hành trình đều là những tàu bị đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Đối với các trường hợp này, BĐBP thường liên lạc trực tiếp với gia đình các ngư dân ở trong đất liền để điện ra ngoài tàu thông qua kênh trực tuyến của Đài Thông tin duyên hải để nắm tình hình; đồng thời, BĐBP và các cơ quan chức năng liên lạc ngay với các tàu đang hiển thị tín hiệu ở cùng tọa độ (nếu có) để nắm thông tin.
Kết quả theo dõi giám sát chặt chẽ, vì vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Bên cạnh đó, BĐBP và Chi cục Thủy sản tỉnh đã kịp thời phát hiện, kêu gọi một tàu cá vượt ranh giới trên biển quay trở lại vùng biển Việt Nam.
|
Ngư dân huyện đảo Phú Quý có thu nhập ổn định, góp phần vào các hoạt động chống khai thác IUU. (Ảnh: Văn Chương)
|
Điểm tựa vững chắc
Mỗi năm, ngư dân đi bạn kiếm được thu nhập bao nhiêu? Đây là câu hỏi thường được BĐBP đặt ra với các ngư dân ở làng chài. Con số “thu nhập cao” của bạn chài là một trong những yếu tố vững chắc trong hoạt động chống khai thác IUU. Bởi thực tế hiện nay, nhiều nơi ngư dân đánh bắt không thành công, bạn chài có thu nhập thấp nên rời bỏ nghề biển, áp lực đó đã thúc đẩy thuyền trưởng khi ra tới điểm đánh bắt, lại toan tính việc vượt ranh giới để bù đắp chi phí.
Lão ngư dân Ngô Văn Chức, 82 tuổi, quê ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý mở smartphone và lướt với vẻ thành thạo nói: “Đó, thằng con trai của tui và đám bạn nó vừa đánh bắt xong ở đảo Trường Sa Lớn, bây giờ di chuyển ra khu vực đảo Tiên Nữ”.
Ông Chức cho biết, năm 2023, bạn chài đi trên tàu có thu nhập gần 200 triệu đồng/người. Là một ngư dân lão luyện, có nhiều kinh nghiệm và tầm nhìn xa, ông Chức cũng thừa nhận rằng, quản lý cách nào đó thì vấn đề bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đánh bắt gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản để ngư dân khai thác bền vững là yếu tố quan trọng nhất để chống khai thác IUU. Nếu ngư dân có thu nhập tốt thì việc vi phạm, vượt tuyến ra vùng biển các nước khác đánh bắt sẽ không còn nữa.
Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa, BĐBP Khánh Hòa chia sẻ và xác nhận, có rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Bình Thuận ra bám biển Trường Sa. Bà con ngư dân ra đảo xa bờ khai thác hải sản, có nơi neo đậu ổn định, được hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ nước ngọt, có các đơn vị hậu cần bán dầu bổ sung cho tàu đánh cá, ngư dân có điểm tựa vững chắc, nên mỗi người cũng tự ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành chống khai thác IUU và xem đó cũng là cách để giữ gìn thể diện của quốc gia, dân tộc./.
Lê Văn Chương
Nguồn: bienphong.com.vn