(TTĐN) - Ở xã đảo Thổ Châu (quần đảo Thổ Chu), tôi mới nhận ra rằng, vì sao những người lính Biên phòng luôn dõi theo rất kỹ những chiếc tàu đánh cá từ khi xuất hiện cho đến khi rời khu vực đảo. Khung cảnh nơi đây tuyệt đẹp, nhưng ngư trường đã xấu dần đi vì cá tôm cạn kiệt, trong khi khu vực này nằm khá gần ranh giới vùng biển của các nước, nơi còn nguồn hải sản phong phú.
|
Đại úy Đỗ Thành Trung tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân. (Ảnh: Văn Chương)
|
Vựa cá đã cạn...
Vùng biển Tây Nam của Việt Nam nằm tiếp giáp với các nước Malaysia, Campuchia và Thái Lan. Từ quần đảo Thổ Chu (thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam) cắt thẳng về hướng Đông của vịnh Thái Lan là tới các vùng Nakhonsi Thammarat, Ko Samui, Ko Sangan, đảo Koh Tang... của Thái Lan, Campuchia, Malaysia. Cách đây chỉ khoảng 5 năm về trước, quần đảo Thổ Chu là vựa tôm, cá với tàu thuyền tấp nập. Các ngư dân cho biết, trước đây, thậm chí ngư dân ở các nước lén lút sang ngư trường ở Thổ Chu đánh bắt trộm hải sản. Nhưng rồi gần đây, ngư trường ngày càng vắng cá, điều đó cũng là một yếu tố khiến ngư dân rất dễ vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), tỉnh Kiên Giang báo cáo đã nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý hành vi khai thác IUU. 100% tàu cá của ngư dân có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng chỉ định tại 2 cảng cá Tắc Cậu và An Thới được giám sát và truy xuất nguồn gốc, 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng... |
|
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), tỉnh Kiên Giang báo cáo đã nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý hành vi khai thác IUU. 100% tàu cá của ngư dân có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng chỉ định tại 2 cảng cá Tắc Cậu và An Thới được giám sát và truy xuất nguồn gốc, 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng...
Ngư dân Nguyễn Thành Phát chia sẻ: "Nhiều tàu cá ở quần đảo Hải Tặc nằm phía gần bờ đã neo mấy tháng nay, bây giờ nổ máy chạy thêm 200km ra Thổ Chu đánh bắt cũng cảm thấy lo ngại về lợi tức của chuyến biển”. Áp lực thu nhập càng khiến một số chủ tàu đánh bắt xa bờ có gắn thiết bị giám sát hành trình toan tính việc lách luật. Thời gian qua, BĐBP đã bắt giữ một số vụ ngư dân chở theo thiết bị giám sát hành trình của các tàu khác gửi nhờ, sau đó, mang đặt lên các đảo hoang, nếu nhìn trên hệ thống giám sát thì giống như tàu đang neo đậu.
Còn ngư dân Trần Nhật Linh, thuyền trưởng tàu cá KG 90550 TS ngồi trên chiếc tàu vừa cập cảng cá ở xã đảo Thổ Châu, là đảo lớn nhất ở quần đảo Thổ Chu và cho biết: “Ngư dân đánh riết nên cạn sạch cá, càng ngày càng khó khăn hơn, đó là chưa kể tới các tàu làm nghề giã cào banh lông, sử dụng mỏ cào giống như bộ neo sắt xới tung đáy biển lên để gom sò và càng làm cho cá bị tận diệt nhanh. Có thuyền trưởng thấy khó khăn quá, không có tiền chia cho bạn nên đánh bài liều, gỡ máy định vị gửi sang tàu cá khác để âm thầm đi đánh bắt”.
Tại sân Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP Kiên Giang có một đống sắt giống cốt thép đổ cột nhà cao tầng, nhưng thực ra là cào banh lông của tàu KG 61846 TS do ngư dân Nguyễn Văn làm thuyền trưởng và tàu KG 91062 TS do ngư dân Nguyễn Văn Cầy làm thuyền trưởng. Hai tàu này bị bắt vào ngày 11/12/2023. Theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 4/3/2022, thì đây là nghề, ngư cụ nằm trong danh mục cấm.
Tại các nơi neo đậu tàu thuyền, bà Tăng Thị Phương (71 tuổi) là thế hệ cư dân đầu tiên trở lại quần đảo Thổ Chu sinh sống cho biết, cách đây 5 năm, mùa này có khoảng 300-400 tàu cá ở Cà Mau, Bình Định, Rạch Giá... tập trung về neo đậu và đánh bắt, không khí ở đảo nhưng giống như thị trấn thu nhỏ. Nhưng rồi cá hết, người đi, tàu thuyền ra đảo thưa thớt, có tàu chở ngư dân ra và ngóng về hướng xa xa, nhắc lại thời vàng son cứ thả lưới là dính đầy cá.
Sáng sớm, ở xã đảo Thổ Châu, khi những đám mây chở theo đầy hơi nước mù mịt chuyển hướng bay sâu vào khu vực vịnh Thái Lan thì trên biển bắt đầu xuất hiện các tàu đánh cá của bà con ngư dân địa phương, có một chiếc tàu đánh cá có nóc ca bin sơn màu xanh nhạt từ từ tiến vào mạn phía Tây của hòn Nhạn, sau đó ẩn khuất hẳn giữa hòn đảo đá trắng như vôi phản chiếu ánh mặt trời. Vài người dân ở đảo cho biết, sau vụ bắt giữ tàu cá gác máy giám sát hành trình lên các đảo nhỏ không có người, những tàu cập vào đảo này luôn được chú ý và người dân nếu phát hiện những tàu này có dấu hiệu khả nghi thì sẽ báo cáo BĐBP sang kiểm tra.
Rà soát tàu cá
Đồn Biên phòng Thổ Châu nằm trên xã đảo Thổ Châu, là nơi có vũng neo đậu tàu thuyền. Trên hệ thống giám sát tàu cá của đơn vị được kết nối với đất liền, tín hiệu hiển thị các tàu KG 91385 TS, tốc độ 0 hải lý/giờ, tàu KG 91557 TS tốc độ 0 hải lý/giờ, tàu KG 93559 TS tốc độ 0 hải lý/giờ... Tàu ít hoạt động vì cá quá ít. Hoạt động của hàng loạt các tàu như vậy ở khu vực gần quần đảo Thổ Chu được BĐBP quản lý, theo dõi sát sao.
|
Đại úy Lưu Xuân Lịch kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá vào đảo. (Ảnh: Văn Chương)
|
Năm 2023, Đồn Biên phòng Thổ Châu từng bắt giữ tàu cá không đăng ký số, do ngư dân Lê Phước Hầu, quê ở thành phố Phú Quốc làm chủ tàu vào gần khu vực vũng neo đậu và có dấu hiệu khả nghi. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát đã tiếp cận tàu đánh cá của ông Hầu và phát hiện con tàu này “cõng” theo 6 chiếc máy giám sát hành trình của 6 tàu cá đã tháo ra để lén đi đánh bắt vượt tuyến. Tới lúc đó, ông Hầu mới thú nhận là ra quần đảo Thổ Chu không phải với mục đích đi đánh cá, mà còn làm dịch vụ chở máy đi lấy tọa độ.
Đại tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy BĐBP Kiên Giang cho biết, trong năm 2023 và đầu năm 2024, đơn vị đã điều tra, khởi tố 1 vụ tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, với mục đích đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố 1 vụ chế tạo, tàng trữ vật liệu nổ, nhằm mục đích khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ/14 tàu cá/19,56 tỷ đồng, tịch thu 1 tàu cá.
Thỉnh thoảng, trên đảo lại thấp thoáng bóng Đại úy Lưu Xuân Lịch, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Dong, Đồn Biên phòng Thổ Châu chạy xe máy qua lại giữa bãi Dong và bãi Ngự để quan sát các hòn đảo Cao Cát, Hòn Từ, Hòn Khô, Hòn Xanh, Hòn Cái Bàn... Đại úy Đỗ Thành Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Dong có mặt trên một chiếc thuyền máy của ngư dân đi hết một vòng trong âu tàu, trở về và cho biết, mỗi khi tàu vào là phải kiểm soát rất kỹ, xem thiết bị giám sát hành trình có bị mất dấu niêm phong hay không./.
Lê Văn Chương
Nguồn: bienphong.com.vn