“Điểm tựa xanh” vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc (bài 1)
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới. (Ảnh: Kim Anh)

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới. (Ảnh: Kim Anh)

Bài 1: “Lá chắn thép” bảo vệ biên giới

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu đã phát huy vai trò chủ trì, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, thực sự là điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu.

Phát huy vai trò chủ trì trong quản lý, bảo vệ biên giới

Đưa tay gạt giọt mồ hôi lăn dài trên má bởi đoạn đường tuần tra biên giới vừa dài, vừa gập ghềnh khó đi trong những ngày nắng hanh, Thượng tá Quản Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, BĐBP Lai Châu cho biết: "Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 13km đường biên giới thuộc địa phận xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, trong đó có cửa khẩu Ma Lù Thàng. Vượt qua những khó khăn về điều kiện địa hình, thời tiết, thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới được đơn vị thực hiện nghiêm túc theo đúng kế hoạch đã xây dựng; đồng thời, thường xuyên cử cán bộ công tác địa bàn, tổ chốt bám nắm tình hình ở khu vực biên giới".

Trao đổi với chúng tôi về phát huy vai trò chủ trì của BĐBP Lai Châu trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đại tá Triệu Quốc Nguậy, Chỉ huy trưởng cho biết: "Những năm qua, BĐBP Lai Châu đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu những chủ trương, đối sách, giải pháp tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức lực lượng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới. Trong 5 năm qua, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc quốc giới được 3.608 lần với 20.564 lượt cán bộ, chiến sĩ và 9.592 lượt dân quân tham gia. Qua tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện những vi phạm ở khu vực biên giới và đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời".

Để tăng cường sức mạnh bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng ủy BĐBP Lai Châu và Huyện ủy 4 huyện biên giới: Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ và Phong Thổ đã ký kết quy chế phối hợp, thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ quốc phòng, biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Chung sức bảo vệ biên cương

Xác định đồng bào là "tai mắt" của BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, để xây dựng được tuyến phòng thủ vững chắc, BĐBP Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung sức, đồng lòng bảo vệ biên cương, thực sự là những “cột mốc sống” trên biên giới.

Cán bộ quân y BĐBP Lai Châu khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn. (Ảnh: Kim Anh)

Cán bộ quân y BĐBP Lai Châu khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn. (Ảnh: Kim Anh)

Ông Phàng A Tính, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Mù Sang, huyện Phong Thổ cho biết: "Mù Sang là xã biên giới, có 5,787km đường biên giới, giáp với xã Nhiều Lao Chải, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nhận thấy tầm quan trọng của xã biên giới, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tăng cường bảo vệ biên giới, khi phát hiện người lạ vào địa bàn phải báo cho trưởng bản hoặc các lực lượng chức năng biết, nếu có dấu hiệu khả nghi sẽ có biện pháp xử lý kịp thời".

Thời gian qua, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 và Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới", tỉnh Lai Châu đã phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức, người dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, với phương châm “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”... Nhờ đó, giai đoạn 2019-2024, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 283 tổ chức đoàn thể; 90 tập thể, 159 hộ gia đình cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên; 61 tập thể, 150 hộ gia đình cá nhân đăng ký tham gia tự quản cột mốc quốc giới, công trình biên giới với trên 223km đường biên giới, 77 cột mốc, 2 đoạn kè biên giới; có 203 tổ tự quản an ninh, trật tự địa bàn, với gần 1.300 thành viên tham gia.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: "Đến nay, 100% các xã biên giới trên địa bàn đã triển khai thực hiện nội dung tự quản an ninh trật tự. Huyện đã công nhận 30 bản, 223 hộ gia đình tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc giới; 54 bản, 359 hộ gia đình tham gia Tổ tự quản an ninh trật tự thuộc các xã biên giới. Các mô hình tự quản đã hoạt động và phát huy tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, cung cấp cho BĐBP nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến khu vực biên giới.

Cùng với huyện Mường Tè, người dân các huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ cũng đã cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị cho BĐBP. Theo số liệu của BĐBP Lai Châu, từ năm 2019 đến nay, BĐBP Lai Châu đã thu thập, tiếp nhận, nghiên cứu xử lý 3.488 nguồn tin phục vụ cho công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới.

BĐBP Lai Châu được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 265,165km, tiếp giáp với các huyện Giang Thành, Lục Xuân và Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), gồm 101 cột mốc, có 1 cửa khẩu song phương, 1 cửa khẩu phụ và 6 lối mở biên giới; địa bàn phụ trách gồm 211 bản/22 xã thuộc 4 huyện biên giới: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè với 17.352 hộ/84.091 nhân khẩu, thuộc 10 dân tộc cùng sinh sống.

Bài 2: Tô thắm tình quân - dân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất