Để Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo hàng đầu quốc gia
Vũng neo đậu tàu thuyền An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. (Ảnh: Thủy Lê)

Vũng neo đậu tàu thuyền An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. (Ảnh: Thủy Lê)

Tiềm năng dồi dào, nhưng...

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lý Sơn - huyện đảo được ví như thiên đường xanh giữa biển ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

Bằng các biệp pháp, hành động cụ thể, chính quyền địa phương và nhân dân trên đảo Lý Sơn đã và đang quyết tâm đưa huyện đảo trở thành trung tâm du lịch biển, đảo trong khu vực và trên cả nước trong thời gian tới. 


Cùng nhìn lại, có thể thấy, huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý, Lý Sơn gồm đảo Lớn và đảo Bé, có diện tích tự nhiên 10,39km2, dân số hơn 22 nghìn người có vai trò quan trọng trong an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ cũng như cả nước, đồng thời là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo hàng đầu với tài nguyên đa dạng, phong phú. Trong đó, đặc sắc phải kể đến là khu vực có địa chất, địa mạo độc đáo với 5 miệng núi lửa, cảnh quan và hệ sinh thái biển đảo hấp dẫn, trong lành; hệ thống di tích và mối liên hệ lịch sử đặc biệt với quần đảo Hoàng Sa...

Là vùng đất cổ gắn với văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung được khai thác từ cách đây 3.000 năm với nhiều di chỉ khảo cổ học đặc sắc, Lý Sơn cũng có mối liên hệ gần gũi với Khu du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh, ở vị trí trung tâm của vùng biển quốc gia, thuận lợi liên kết với thành phố Đà Nẵng, Huế, Hội An, Khánh Hòa và các thị trường lớn như Hải Nam (Trung Quốc). Với địa điểm chiến lược trong bảo vệ an ninh - quốc phòng biển đảo, gắn với Hoàng Sa và Trường Sa từ thời phong kiến cho tới ngày nay, trên đảo Lý Sơn còn có nhiều di sản văn hóa như di tích, lễ hội được duy trì từ hàng trăm năm, điển hình như Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là giá trị cốt lõi có tính riêng biệt, đặc trưng nhất chỉ có ở Lý Sơn.

Với vị thế, vị trí quan trọng cùng tiềm năng dồi dào, đa dạng như vậy, Lý Sơn đã được các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm để thúc đẩy phát triển du lịch. Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Ngày 10/3/2022, UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 304/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, Lý Sơn được đánh giá là điểm đến ưa thích nhất tại Quảng Ngãi, tuy nhiên, hiệu quả phát triển du lịch của Lý Sơn chưa xứng với tiềm năng, chất lượng sản phẩm du lịch và đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của huyện chưa cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế. Sản phẩm du lịch kém đa dạng, chỉ khai thác trên lợi thế sẵn có, chưa khai thác sâu, chưa phát triển được những sản phẩm hấp dẫn, độc đáo. Ngoài ra, chưa phát triển được các khu du lịch theo định hướng của quy hoạch trước. Các hoạt động du lịch phụ thuộc vào hệ thống dịch vụ lưu trú và các điểm tham quan, chưa thu hút đầu tư xây dựng được khu du lịch quy mô với sản phẩm riêng biệt...

Chung tay xây dựng huyện đảo thành trung tâm du lịch xanh

Để thực hiện hiệu quả những định hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và trở thành trung tâm du lịch biển, đảo của vùng; Lý Sơn cần có chiến lược phát triển du lịch toàn diện và lâu dài, làm tiền đề cho hoạch định các kế hoạch, định hướng phát triển, thu hút đầu tư xây dựng hiệu quả, phù hợp với bối cảnh phát triển và tình hình kinh tế, xã hội của huyện đảo trong thời gian tới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lý Sơn thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp môi trường biển. (Ảnh: Thủy Lê)

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lý Sơn thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp môi trường biển. (Ảnh: Thủy Lê)

Trong đó, tỉnh xác định phát triển du lịch bền vững, theo xu hướng tăng trưởng xanh, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm du lịch xanh, là điểm đến an toàn, thân thiện, trong lành của du khách. Huyện đảo đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động nhằm chung tay bảo vệ môi trường, làm sạch bãi biển ở đảo Lý Sơn.

Điển hình, mới đây, tuổi trẻ BĐBP Quảng Ngãi đã phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên các cơ quan, đơn vị và địa phương ra quân thu gom rác thải, làm sạch môi trường biển ở đảo Lý Sơn. Để cải thiện môi trường trên đảo Lý Sơn và thay đổi nhận thức của người dân trong việc xử lý rác thải và bảo vệ môi trường biển, những người lính quân hàm xanh và đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên đã ra quân thu gom rác thải, làm sạch môi trường biển. Hành động nhỏ của các bạn trẻ đã góp phần lan tỏa tinh thần vì màu xanh của biển đến người dân trên đảo và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường.

Đại úy Mai Văn Tuấn, cán bộ Đồn Biên phòng Lý Sơn cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức 6 đợt ra quân “Hãy làm sạch biển”. Qua đó, đã thu gom được 1,5 tấn rác thải trên tổng chiều dài 6,5km bờ biển. Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2024, đơn vị đã tổ chức được 2 buổi ra quân thu gom rác, với gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ và hội viên các đoàn thể ở địa phương tham gia.

Giống như nhiều hòn đảo khác, hiện nay, Lý Sơn cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng. Do đó, nhiều hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường sinh thái biển đang được chính quyền địa phương từng bước thực hiện để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Đại úy Hoàng Đan, Trợ lý công tác vận động quần chúng, BĐBP Quảng Ngãi thông tin, các hoạt động về bảo vệ môi trường luôn có 100% tổ chức cơ sở đoàn trong đơn vị tham gia. Các đơn vị đã phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương thực hiện tốt Chương trình “Chống rác thải nhựa”, “Tử tế với Sa Kỳ”, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”... Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chống rác thải nhựa, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xác định mục tiêu từng bước đưa huyện đảo trở thành đô thị biển xanh-sạch-đẹp, văn minh, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện đảo Lý Sơn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường bền vững. Đòng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông; tích cực vận động chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường (như túi giấy, lá chuối, giỏ lưới...) trong các hoạt động buôn bán, sinh hoạt hằng ngày./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất