Đầu tư xây dựng hạ tầng biên giới để phát triển kinh tế biên mậu
Những xe container chở hàng đậu bên đường ở cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An để chờ thông quan. (Ảnh: Ái Vân)

Những xe container chở hàng đậu bên đường ở cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An để chờ thông quan. (Ảnh: Ái Vân)

Xác định Khu kinh tế cửa khẩu Long An là khu trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, động lực phát triển vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, là đầu mối giao thương kết nối các tiểu vùng sông Mekong của Campuchia với thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu khu vực biên giới, tỉnh đã quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Long An với diện tích 168 ha. Khu kinh tế cửa khẩu này được hưởng các chính sách đặc biệt ưu tiên về ưu đãi đầu tư, tài nguyên nhằm khai thác tiềm năng và phát triển kinh tế, xã hội khu vực. Ngày 7/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Long An đến năm 2030. Sau 9 năm đi vào hoạt động, khu kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.

Tại đây, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, có thể kể đến như: Dự án của Công ty TNHH Tainan Emterprises Việt Nam (ngành dệt, nhuộm) với quy mô 16,9ha, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất giày nữ thời trang cao cấp của Công ty TNHH Victory International Việt Nam, diện tích 4,29ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD. Khu kinh tế cửa khẩu cũng hoàn thành 1/4 hạ tầng kỹ thuật, diện tích quy hoạch 68,36ha.

Đến nay, giai đoạn I đã hoàn thành và đưa vào hoạt động khu trạm kiểm soát liên hợp, bãi xe, đường giao thông kết nối bến thuỷ nội địa… tất cả hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu đã hoàn chỉnh, đáp ứng tốt hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu. Bên cạnh một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp, tại đây đang dần hình thành khu vực dân cư, thương mại. Khu kinh tế cửa khẩu Long An đã giải quyết được hơn 2.000 lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con trên địa bàn thị xã Kiến Tường.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, đại diện Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu, sẽ được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư. Cụ thể như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất 10% áp dụng trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, cùng với nhiều ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đầu tư, đất đai, đặc biệt là các dự án nông nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao.

Tiềm năng của Long An để phát triển và thu hút đầu tư ai cũng nhìn thấy rõ, bên cạnh đó, địa phương cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư như giảm thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, xây dựng một số hạng mục cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch…Tuy nhiên, việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu còn gặp nhiều khó khăn, thu hút đầu tư còn hạn chế. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng như vậy là do hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ, tuyến đường chính kết nối khu vực cửa khẩu với các địa phương khác có mặt đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, hư hỏng ở nhiều nơi…

Một góc của thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. (Ảnh: Ái Vân)

Một góc của thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. (Ảnh: Ái Vân)

Để cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp hoạt động sôi nổi hơn, ngoài hạ tầng tại chỗ phải được cải thiện, nhất là về giao thông, thì điều cần nhất là sớm được đầu tư, mở rộng tuyến đường huyết mạch nối với quốc lộ 62 có chiều dài 77 km. Là tuyến đường nối giữa trung tâm thành phố Tân An về vùng Đồng Tháp Mười, tiếp giáp khu vực biên giới Campuchia, đây cũng là tuyến đường kết nối Long An với các tỉnh Đồng Tháp và An Giang thông qua tuyến quốc lộ N2.

Theo dự kiến, tuyến quốc lộ 62 sẽ được nâng cấp, cải tạo thành đường cấp III đồng bằng với mặt đường rộng 11m gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Riêng đoạn qua thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh sẽ xây dựng mới tuyến đường tránh từ km số 41+100 đến km 49+150, theo kế hoạch, Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 62 sẽ được khởi công vào năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho biết, khó khăn làm kinh tế khu vực biên giới chậm phát triển là đường quốc lộ 62 nối với quốc lộ 1 đi đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp hẹp, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu các khu đô thị trung tâm thị xã Kiến Tường nói riêng và các huyện khu vực biên giới của tỉnh nói chung. Địa phương đã chuẩn bị tất cả các phương án khi quốc lộ 62 hoàn thành, đưa vào hoạt động là quy hoạch khu trung tâm thương mại, khu dân cư hiện đại, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối từ Khu kinh tế cửa khẩu với quốc lộ 62. Do đó, muốn phát triển bền vững, đòi hỏi phải có một bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hợp lý.

Thời gian vừa qua Long An đã tăng tốc triển khai và hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông kết nối với các cửa khẩu với các khu công nghiệp và cụm cảng quốc tế như: Đường tỉnh 830, 826B, 823, 818… tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đề xuất nâng cấp cửa khẩu Mỹ Quý Tây tại huyện biên giới Đức Huệ thành cửa khẩu quốc tế, vì khu vực này có nhiều thuận lợi khi giáp với hai địa phương trọng điểm về kinh tế công nghiệp là Đức Hoà và Bến Lức.

Để cải thiện hệ thống giao thông đường bộ thì tỉnh Long An cần tiếp tục hoàn thiện tính kết nối liên kết vùng, đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư để đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng nhiều cơ chế ưu đãi, với tiềm năng, thế mạnh từ các cụm cửa khẩu, khu kinh tế và cảng quốc tế, Long An sẽ là điểm sáng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong vào ngoài nước nếu được đầu tư, nâng cấp giao thông kết nối liên hoàn./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất