Đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên
BĐBP Kiên Giang và Cục Công an bảo vệ biên giới biển Campuchia sơ kết công tác hợp tác bảo vệ an ninh trật tự trên vùng biển. (Ảnh: Tiến Vinh)

BĐBP Kiên Giang và Cục Công an bảo vệ biên giới biển Campuchia sơ kết công tác hợp tác bảo vệ an ninh trật tự trên vùng biển. (Ảnh: Tiến Vinh)

Hà Tiên là điểm chuyển tiếp giao thương quốc tế với đường xuyên Á qua cửa khẩu Xà Xía, hành lang ven biển, quốc lộ 80, N1… đường biển đi Phú Quốc, Kiên Lương (Kiên Giang), Cà Mau, cảng Compong Som, thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia, tiếp đến là Thái Lan, Malaysia, Singapore qua đường bộ, đường biển. Hà Tiên kết nối chặt chẽ với Phú Quốc, Kiên Lương hình thành vùng phát triển khu kinh tế cửa khẩu có quy mô lớn trên hành lang kinh tế biển.

Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg, về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, với diện tích 1.600 ha, gồm 5 phường là Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. Việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên mang lại kỳ vọng phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Kiên Giang nói chung và Hà Tiên nói riêng. Hy vọng Hà Tiên sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển ra đất liền ra đảo Phú Quốc, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam.

Được chính thức công nhận là khu kinh tế cửa khẩu, sẽ tạo thêm lợi thế phát triển vượt bậc cho Hà Tiên, tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa được mở rộng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ được nâng cao; việc hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước được dễ dàng, thuận lợi.

Sự phát triển Khu kinh tế cửa khẩu còn tạo điều kiện hình thành các khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa; quốc phòng, an ninh khu vực, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế, xã hội thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Theo báo cáo của Hải quan Hà Tiên, hết tháng 9/2024, có 61 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan. Tổng số tờ khai làm thủ tục hải quan là 3.761 tờ khai. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 51,571 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 25.004 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 26,567 triệu USD. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu gồm: Nhu yếu phẩm, hàng bách hóa, đồ nhựa gia dụng, thực phẩm đóng hộp, dầu ăn, nước tương… hàng thủy hải sản, gạch ngói xây dựng, thép, điện năng, trái cây tươi; các mặt hàng nhập khẩu gồm: Thạch cao, hải sản, đường tinh luyện, than đá, máy gặt đập liên hợp… Công tác thu thuế xuất nhập khẩu đạt kết quả tốt, đến hết tháng 9 đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 25.078 tỷ đồng, đạt 109,04%

Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đang có 325 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký là hơn 16.633 tỷ đồng, có 36 dự án với vốn đầu tư là 4.441 tỷ đồng, quy mô 780 ha chủ yếu dựa vào các dự án dịch vụ du lịch, phát triển đô thị; trong đó có 29 dự án đã hoạt động với số vốn đăng ký là 2.308 tỷ đồng, quy mô 431 ha; 5 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với số vốn đăng ký là 2.078 tỷ đồng, quy mô 319,42 ha và 2 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong đó có 28 dự án đầu tư trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu với nguồn vốn đầu tư khoảng 3.445 tỷ đồng, quy mô 424 ha; 23 dự án đã hoạt động, vốn đăng ký là 1.621,49 tỷ đồng, quy mô 166,55 ha; 3 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 1.769,11 tỷ đồng, quy mô 228,22 ha và 2 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Trong tương lai Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ trở thành cửa ngõ gia thương, nơi trung chuyển hàng hóa giữa tỉnh Kiên Giang với các nước khu vực ASEAN. (Ảnh: Ái Vân)

Trong tương lai Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ trở thành cửa ngõ gia thương, nơi trung chuyển hàng hóa giữa tỉnh Kiên Giang với các nước khu vực ASEAN. (Ảnh: Ái Vân)

Theo Đồ án quy hoạch, đến năm 2030, thành phố Hà Tiên sẽ trở thành đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo và du lịch ven biển, đô thị có truyền thống lịch sử, có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, đa dạng về hệ sinh thái, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia. Là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2040, thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm, phát triển đa hướng với các hướng phát triển chủ đạo dựa trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường thủy, tuyến đường vành đai kết nối trực tiếp Khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên với vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng các tuyến đường vượt biển được gắn kết các quần đảo nhân tạo khu vực sân bay, các khu vực cận biển với các khu vực đô thị hiện hữu và phụ cận.

Định hướng quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Kiên Giang đang tập trung đầu tư nâng cấp cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cửa khẩu chính Giang Thành, cửa khẩu phụ Nha Sáp. Do đó, tỉnh đang huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Kiên Giang để phát triển kinh tế biên giới đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ, khai thác hải sản là trung tâm giao thương, hợp tác giữa tỉnh Kiên Giang với các địa phương của các nước khu vực ASEAN.

Theo Đồ án quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, đến năm 2040, Hà Tiên tập trung phát triển theo chiều sâu cho các khu chức năng nghiên cứu, đào tạo, công nghiệp chế tạo, du lịch văn hóa, di sản, chuyên đề sáng tạo, du lịch mua sắm và du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc.

Ngoài ra, Kiên Giang còn tập trung xây dựng các chức năng cơ bản của Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và các cửa khẩu khác gồm: Quốc môn, khu vực thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động xuất, nhập khẩu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, khu vực hành chính, khu vực dành cho các hoạt động dịch vụ thương mại phi thuế quan, khu kiểm dịch cách ly y tế, khu vực an ninh, Biên phòng … Các khu chức năng khác gồm: Dịch vụ hỗ trợ khách sạn và du lịch; thương mại logistics hiện đại, khu phố du lịch thương mại, kinh doanh điện tử xuyên quốc gia…

Ông Lê Quốc Anh, Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên cho biết: Kỳ vọng của nhân dân và chính quyền đối với Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên là khai thác được lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch, huy động sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới để phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch thương mại, nâng tầm là một cửa khẩu quốc tế thông minh./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất